Đại biểu Quốc hội đề nghị nới lỏng các “dây buộc” cho doanh nghiệp

VOV.VN - ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng đề nghị Chính phủ tìm mọi biện pháp hỗ trợ tối đa, nới lỏng các "dây buộc" giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Phát biểu tại Hội trường sáng nay (15/6) về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Lưu Bình Nhưỡng, đoàn Bến Tre, nhấn mạnh đến thành công của Việt Nam trong phòng chống dịch Covid-19 và các giải pháp để phục hồi kinh tế.

Tuy nhiên, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng lưu ý: Sức bật cho nền kinh tế đã sa sút nghiêm trọng trong thời gian vừa qua. "Theo quan điểm của tôi, tôi vẫn tiếp tục kiên trì đề nghị Quốc hội là bổ sung vào kỳ họp thứ 9 này một nghị quyết riêng hoặc bổ sung một nội dung vào nghị quyết của toàn bộ kỳ họp về việc phục hồi nền kinh tế để chúng ta đồng hành cùng với Chính phủ đồng hành cùng với nhân dân. Tôi cho rằng đây là vấn đề rất quan trọng phải có nội dung rất rõ ràng", ông Nhưỡng nói.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cũng đề nghị Chính phủ tìm mọi biện pháp hỗ trợ tối đa nới lỏng các dây buộc cho các doanh nghiệp để vượt qua khó khăn. "Phải tìm cách để giải thoát cho người ta (doanh nghiệp - PV) để tránh tình trạng các doanh nghiệp rơi vào tình trạng khốn khổ, đầu tư xong đứng chết giữa đường", đại biểu đoàn Bến Tre nêu rõ.

Bên cạnh đó, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương xem xét giải pháp phục hồi cho nền kinh tế sau đại dịch, đồng thời tích cực thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng.

Đề cập đến chất lượng tăng trưởng và tính bền vững, đại biểu Tô Văn Tám, đoàn Kon Tum nhấn mạnh đến giải quyết việc làm, vấn đề môi trường, vấn đề chất lượng, hiệu quả, năng suất lao động, vấn đề sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công, sự phân hóa giàu nghèo, khoảng cách về thu nhập mức sống trong xã hội trong bối cảnh hàng triệu người lao động bị tác động bởi dịch Covid-19, rất khó khăn về cuộc sống.

"Mặc dù thu nhập bình quân đầu người của nước ta liên tục tăng trong những năm qua năm 2010 là hơn 2.300 USD/năm, năm 2018 hơn 2.500 USD/năm và mức 2.800 USD/năm 2019, nhưng Thủ tướng vẫn suy nghĩ và nói đừng nhìn vào các con số mà vội thấy vui, hãy nhìn, hãy nghe về những cảnh đời thực tế đó luôn làm chúng ta day dứt trăn trở", ông Tô Văn Tám bày tỏ.

Đại biểu Tô Văn Tám

Đại biểu đoàn Kon Tum băn khoăn: Chính phủ đã đưa ra các gói hỗ trợ rất kịp thời như gói hỗ trợ an sinh xã hội, gói hỗ trợ tiền điện, giá viễn thông…nhưng đã có sự trục lợi từ các chính sách của Chính phủ, biểu hiện nâng giá thiết bị y tế; tình trạng nhũng nhiễu gian dối đến gói hỗ trợ an sinh xã hội có nơi đến không đúng đối tượng và đáng chú ý là có những cán bộ đã dính vào hiện tượng này. Đây là những hành vi không thể chấp nhận được cử tri đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các ngành, các địa phương xử lý nghiêm khắc các hành vi trục lợi này.

"Hiện nay chúng ta đã thiết lập trạng thái bình thường mới vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội vừa chống dịch có hiệu quả. Tôi cho rằng điểm cốt lõi vẫn là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải cách thể chế Việt Nam có lợi thế về môi trường kinh doanh ổn định, quản trị nhà nước tốt đang hội nhập sâu vào kinh tế thế giới. Do vậy, đòi hỏi tiếp tục cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ hơn nữa và thực chất hơn nữa theo tinh thần Chính phủ kiến tạo hành động các gói hỗ trợ trong quá trình triển khai thực hiện cũng đã có những vướng mắc về thủ tục giải ngân vốn đầu tư công chậm cũng có những nguyên nhân những vướng mắc cần tháo gỡ", đại biểu Tô Văn Tám nêu ý kiến./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên