AKFTA: Thúc đẩy thương mại, đầu tư Việt - Hàn

Năm 2010, AKFTA cơ bản đã trở thành một thị trường mậu dịch rộng mở, tạo điều kiện và cơ hội lớn cho doanh nghiệp và các nhà đầu tư tham gia. Đối với Việt Nam, dòng vốn đầu tư từ Hàn Quốc cũng như kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này đã tăng đáng kể

Đối tác thương mại lớn thứ tư

“Nhờ đẩy mạnh các lợi thế mà Việt Nam có được trong Hiệp định Khu vực Mậu dịch tự do (FTA) ASEAN – Hàn Quốc, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm sang thị trường này đã tăng hơn 67,5% so với cùng kỳ năm ngoái” – Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên khẳng định tại cuộc hội thảo “Nâng cao hiệu quả sử dụng FTA ASEAN – Hàn Quốc (AKFTA) cho hàng hóa các nước ASEAN và Việt Nam” diễn ra chiều 4/10.

Ông Biên cho biết, Hiệp định FTA mang lại lợi ích nhiều mặt cho Việt Nam và Hàn Quốc. Cơ cấu xuất nhập khẩu của Việt Nam-Hàn Quốc có nhiều thuận lợi, các mặt hàng có tính bổ sung lẫn nhau, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang Hàn Quốc.

Tại cuộc hội thảo, đại biểu tham dự đều nhất trí rằng sau khi Hiệp định Thương mại tự do ASEAN-Hàn Quốc có hiệu lực, ASEAN đã trở thành đối tác hợp tác kinh tế quan trọng của Hàn Quốc.


Theo biên bản thỏa thuận thương mại và hợp tác đầu tư giữa Hàn Quốc với Việt Nam, 2 nước đang đẩy nhanh quá trình xúc tiến kí kết FTA, qua đó thúc đẩy thương mại song phương, cắt giảm thuế quan đối với nhiều dòng sản phẩm hàng hóa ưu đãi.

Các doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia xuất nhập khẩu, kê khai chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) cũng sẽ được hỗ trợ thuế xuất, xúc tiến thương mại và hỗ trợ thông quan tại Hàn Quốc. Đây được coi là bước tiến triển trong quan hệ thương mại, đầu tư giữa hai nước.

Đặc biệt, đối với Việt Nam, mặc dù bị tác động nặng nề của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nhưng xuất khẩu của Việt Nam vào Hàn Quốc vẫn tăng trưởng bất chấp sự suy giảm nhập khẩu của Hàn Quốc cũng như suy giảm xuất khẩu vào Hàn Quốc của các “đối thủ” cạnh tranh với Việt Nam trong khu vực.

Theo ông Bùi Huy Sơn, Vụ trưởng Vụ Châu Á Thái Bình Dương, Bộ Công Thương, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Hàn Quốc từ năm 2007 đến nay đã liên tục tăng.

Cụ thể, năm 2007, kim ngạch thương mại hai chiều Việt-Hàn đạt 6,587 tỷ USD; năm 2008 là 8,850 tỷ USD; 2009 là 9,040 tỷ USD và 7 tháng năm 2010 đã đạt được 6,476 tỷ USD.

Dưới tác động của AKFTA, trong số nhóm hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Hàn Quốc thì các ngành hàng thủy sản, dệt may, dầu thô có bước phát triển mạnh hơn cả.

Dệt may tăng trưởng đột biến sau khi có ưu đãi từ AKFTA

Ngành dệt may có những tăng trưởng đột biến sau khi có ưu đãi từ Hiệp định thương mại tự do. Nhóm hàng này được hưởng lợi tương đối lớn từ các cam kết trong AKFTA với mức thuế trung bình đối với hàng dệt được giảm từ 8% xuống 0%, mức thuế trung bình đối với hàng may được giảm từ 13% xuống 0%. Cùng các nước ASEAN, Việt Nam đã hoàn tất đàm phán Hiệp định thương mại tự do với đề xuất phía Hàn Quốc chấp nhận ưu đãi cho Việt Nam hai công đoạn cắt và may.

Ông Lê Văn Đạo, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may khẳng định: Hàng dệt may vào thị trường Hàn Quốc đã tăng trưởng đột biến sau khi có ưu đãi từ AKFTA. Cụ thể, tăng tới 64% trong 8 tháng năm 2010”.

Ngành hàng thủy sản có năng lực xuất khẩu rất lớn vào Hàn Quốc và nhu cầu này sẽ tiếp tục tăng cao trong thời gian tới. Đối với mặt hàng này, các cam kết mở của thị trường Hàn Quốc theo AKFTA đã phát huy tác dụng những năm đầu tiên thực hiện. “Tuy nhiên, do cơ chế hạn ngạch thuế quan, tốc độ kim ngạch xuất khẩu bị hạn chế hơn so với những năm đầu tiên thực hiện và chưa tương xứng với tiềm năng thương mại của hai bên” - ông Bùi Huy Sơn cho biết.

Việt Nam rất có thế mạnh chè, café, hoa quả… nhưng các cam kết của Hàn Quốc với nhóm hàng nông sản này rất hạn chế (có tăng nhưng chưa rõ nét), do sản phẩm của Việt Nam chưa đáp ứng yêu cầu kiểm dịch nên kết quả xuất khẩu và nhập khẩu chưa được như mong muốn.

Bên cạnh đó, việc đa dạng hóa nguồn nhập khẩu cũng như tập trung vào khai thác lợi thế so sánh của Việt Nam với các nước trong khu vực đã và đang là động lực để các nhà nhập khẩu Hàn Quốc tới thị trường Việt Nam.

Trong quan hệ thương mại song phương với Hàn Quốc, Việt Nam luôn ở vị trí của nước nhập siêu. Năm 2008, Việt Nam nhập siêu 5,77 tỷ USD, tăng 1,4 tỷ USD mức nhập siêu 2007 và gần gấp đôi mức nhập siêu 2006 (3,03 tỷ USD). Trong năm 2009 mức nhập siêu khoảng 3 tỷ USD.

Tuy nhiên, nếu nhìn vào cơ cấu nhập khẩu hàng hóa từ Hàn Quốc thì thấy việc nhập siêu có liên quan đến phần lớn nhập khẩu các nhóm hàng hóa nguyên liệu mà Việt Nam chưa sản xuất được và sử dụng để sản xuất các loại sản phẩm xuất khẩu sang thị trường khác.

Ông Lee Yun Young, Phó Vụ trưởng Vụ chính sách FTA, Bộ Ngoại giao & Thương mại Hàn Quốc, cho rằng “xét về dài hạn, hiệp định sẽ góp phần làm giảm thâm hụt thương mại của Việt Nam đối với Hàn Quốc”.

Trong nhiều năm qua, Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ tư, thị trường xuất khẩu lớn thứ bảy và thị trường nhập khẩu lớn thứ hai của Việt Nam.

Việt Nam – Hàn Quốc quyết tâm nâng thương mại song phương lên 20 tỷ USD vào năm 2015, đồng thời cải thiện và lành mạnh hóa cán cân thương mại. Để có thể đạt mục tiêu đó, tăng trưởng thương mại trung bình hàng năm phải đạt được bình quân 15% trong giai đoạn 2010-2014.

Theo ông Bùi Huy Sơn, để tăng cường hơn nữa lợi ích từ tác động của AKFTA tới xuất khẩu của Việt Nam, các giải pháp tăng cường tận dụng ưu đãi AKFTA được đưa ra là: Các cơ quan quản lý, Hiệp hội ngành hàng cần phối hợp đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền phổ biến về các cam kết, quyết định xuất xứ… giúp doanh nghiệp tận dụng ưu đãi. Tiếp tục nỗ lực đàm phán các cam kết mở cửa thị trường cho doanh nghiệp xuất khẩu, tăng cường hợp tác xây dựng cơ chế thuận lợn hóa thương mại, đẩy mạn xúc tiến thương mại.

Các doanh nghiệp cần chủ động, tích cực nghiên cứu, tìm hiểu thị trường, các ưu đãi, quyết định cụ thể để khai thác ưu đãi, tăng cường liên kết ASEAN cùng tận dụng những ưu đãi đó.

Tăng cường thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ đặc biệt là công nghệ sau thu hoạch đối với nông sản để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu vào Hàn Quốc.

Nhà đầu tư lớn nhất

Theo AKFTA, Hiệp định về đầu tư có hiệu lực từ 1/9/2009 đã mang lại những lợi ích đáng kể cho các nền kinh tế ASEAN trong đó có Việt Nam.

Samsung là doanh nghệp Hàn Quốc tại Việt Nam đã đạt kim ngạch xuất khẩu 1 tỷ USD

Ông Lee Yun Young cho rằng, một trong những lợi ích đáng chú ý là dòng vốn đầu tư của Hàn Quốc vào các nước ASEAN trong đó có Việt Nam cũng sẽ tăng đáng kể. “Các doanh nghiệp Hàn Quốc hiện muốn đầu tư vào Việt Nam nhiều hơn là vào một số nước châu Á khác”.

Tính đến hết tháng 8/2010, Hàn Quốc có tổng số 2.605 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký 23 tỷ USD, đứng thứ nhất cả về số dự án và vốn đăng ký trong tổng số 88 các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam.

Hàn Quốc cũng là nước có lượng du khách lớn thứ hai đến Việt Nam, với tổng cộng 368.000 người, tính đến tháng 7/2010.

Ông Park Sukhwan, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hàn Quốc tại Việt Nam bày tỏ tin tưởng vào quan hệ hợp tác giữa cộng đồng doanh nghiệp hai nước. Ông Park Sukhwan cho rằng với môi trường đầu tư thông thoáng của Việt Nam sẽ ngày càng hấp dẫn các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam.

Quan hệ Việt Nam-Hàn Quốc đã được Chính phủ hai nước nhất trí xây dựng thành quan hệ “Đối tác chiến lược.”

Hiện tại các nhà đầu tư Hàn Quốc đã tham gia hầu hết vào các lĩnh vực của Việt Nam như xây dựng cơ sở hạ tầng, viễn thông, cơ khí công nghiệp nặng, bất động sản, sản xuất ôtô, đóng tàu, khách sạn nhà hàng.

Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN-Hàn Quốc còn có những tác động lâu dài đến cơ cấu của các ngành kinh tế nước ta. Bên cạnh lợi ích xuất khẩu, doanh nghiệp nước ta cũng có điều kiện tiếp cận các nguồn nguyên liệu, máy móc, công nghệ phục vụ sản xuất, kinh doanh có hiệu quả hơn, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường.

Ngoài ra, doanh nghiệp trong nước cũng buộc phải năng động hơn để nâng cao năng lực cạnh tranh, củng cố thị phần ngay trên thị trường nội địa trước sức ép cạnh tranh ngày một tăng. Trong dài hạn, những sản phẩm chế biến sâu như hàng tiêu dùng, thực phẩm chế biến, quần áo, giày dép… có tiềm năng xuất khẩu lớn vào thị trường Hàn Quốc nhưng thành công hay không còn phụ thuộc vào chuyển đổi cơ cấu kinh tế trong nước và khả năng thích nghi của từng doanh nghiệp./.

Hiệp định Thương mại tự do AKFTA (bao gồm: Hiệp định Thương mại Hàng hóa có hiệu lực từ 6/2007, Hiệp định thương mại Dịch vụ có hiệu lực từ 1/5/2009, Hiệp định về đầu tư có hiệu lực từ 1/9/2009) đã mang lại những lợi ích đáng kể cho các nền kinh tế ASEAN trong đó có Việt Nam. Năm 2010, AKFTA về cơ bản đã trở thành một thị trường mậu dịch rộng mở, tạo điều kiện và cơ hội lớn cho doanh nghiệp và các nhà đầu tư tham gia.

Thuế suất của không dưới 90% tổng dòng thuế trong biểu nhập khẩu mỗi nước ASEAN 6 sẽ phải giảm dần và loại bỏ hoàn toàn vào 2010, một số dòng thuế linh hoạt đến 2012.

Trong khi đó, Việt Nam được cắt giảm thuế quan chậm hơn 6 năm nên thời hạn tương ứng là 2016 và 2018.

Cụ thể, thuế tối huệ quốc (MFN) trên 20% sẽ giảm còn 13% trong năm nay tại 6 quốc gia này, giảm tiếp còn 10% vào 2008 và 5% cho năm sau đó. Thuế suất từ 15-20% được cắt từ 10% năm nay xuống còn 8, rồi 5% cho 2 năm tiếp theo. Đối với các dòng thuế nhạy cảm, ASEAN 6 cùng Hàn Quốc cắt giảm xuống 20% vào năm 2012 và 0-5% năm 2016.

Thời điểm giảm thuế AKFTA của Việt Nam có lộ trình dài hơn. Trong đó, các mặt hàng có thuế suất trên 60% của năm 2006 được giảm còn 50% năm nay, sau đó cứ giảm tiếp 10% mỗi năm cho đến 2016 còn 0%. Thuế suất hiện tại ở mức 40-60% sẽ được cắt giảm còn 35% năm tới, 25% cho 2009, 20 rồi 15 và 10% lần lượt vào các năm 2011, 2013 và 2015.

Vào năm 2015, Việt Nam sẽ cắt giảm hầu hết danh mục thuế quan AKFTA xuống còn 0-5%. Một năm sau sẽ miễn thuế hoàn toàn, trừ vài dòng thuế linh hoạt.

Theo Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Park Sukhwan, thị trường Hàn Quốc vốn là đối tác thương mại truyền thống của Việt Nam. Ngược lại, Việt Nam cũng đang là đối tác thương mại hết sức quan trọng của Hàn Quốc, là bạn hàng năng động nhất trong ASEAN của Hàn Quốc. Ký kết FTA giữa 2 nước nhằm cụ thể hóa FTA Hàn Quốc kí kết chung với ASEAN là việc cần sớm thực hiện.

Theo biên bản thỏa thuận thương mại và hợp tác đầu tư giữa Hàn Quốc với Việt Nam, 2 nước đang đẩy nhanh quá trình xúc tiến ký kết FTA, qua đó thúc đẩy thương mại song phương, cắt giảm thuế quan đối với nhiều dòng sản phẩm hàng hóa ưu đãi. Các doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia xuất nhập khẩu, kê khai chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) cũng sẽ được hỗ trợ thuế xuất, xúc tiến thương mại và hỗ trợ thông quan tại Hàn Quốc. Đây được coi là bước tiến triển trong quan hệ thương mại, đầu tư giữa hai nước.

Các FTA mà Việt Nam đã ký kết và triển khai:

-          Hiệp định Khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA);

-          Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA);

-          Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Hàn Quốc (AKFTA);

-          Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản (AJCEP);

-          Hiệp định thương mại tự do ASEAN-Australia - New Zealand (AANZFTA);

-          Hiệp định thương mại tự doASEAN - Ấn Độ (AIFTA); 

Hiện, Việt Nam đang xúc tiến đàm phán một số Hiệp định FTA với các thị trường quan trọng khác gồm: Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP); Hiệp định thiết lập khu vực mậu dịch tự do với bốn nước thành viên của khối tự do mậu dịch châu Âu là Thụy Sĩ, Aixlen, Liechtenstein và Nauy (EFTA)...

Ngoài ra, Việt Nam cũng đang tích cực nghiên cứu triển khai đàm phán Khu vực mậu dịch tự do với Liên minh châu Âu (EU)./. 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên