Ấn Độ xem xét nới lỏng hạn chế xuất khẩu gạo
VOV.VN - Ấn Độ, quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, có thể sẽ nới lỏng các hạn chế với việc xuất khẩu một số mặt hàng gạo của nước này. Mục đích của việc này là nhằm tránh tình trạng dư thừa trong nước, trước khi gạo thu hoạch trong vụ mùa mới xuất bán ra thị trường vào tháng 10.
Báo chí Ấn Độ dẫn các nguồn tin cho biết Chính phủ nước này đang xem xét cho phép xuất cảng các lô hàng gạo trắng với mức thuế cố định. Cơ quan chức năng Ấn Độ cũng có thể bãi bỏ mức thuế 20% áp với gạo đồ xuất khẩu và thay vào đó áp mức thuế cố định để ngăn chặn việc lập hóa đơn thấp giá trị hàng hóa.
Bất kỳ động thái nào như vậy đều có thể giúp hạ nhiệt giá gạo tiêu chuẩn tại châu Á, vốn đã đạt mức cao nhất trong hơn 15 năm qua hồi tháng 1. Giá gạo lên cao sau động thái của Ấn Độ hạn chế bán các loại gạo thông dụng trên thị trường từ năm 2023. Đây cũng sẽ là tin vui cho một số quốc gia ở Tây Phi và Trung Đông, nơi vốn phụ thuộc lớn vào nguồn cung lương thực từ Ấn Độ.
Theo dữ liệu của Chính phủ Ấn Độ, tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của Ấn Độ đã giảm 21% so với một năm trước đó xuống còn 2,9 triệu tấn trong hai tháng đầu năm tài chính 2024- 2025, bắt đầu vào ngày 1/4 vừa qua. Xuất khẩu gạo tẻ thường phi basmati của Ấn Độ giảm 32% xuống 1,93 triệu tấn trong cùng kỳ. Nông dân Ấn Độ đang gieo cấy vụ lúa chính trong năm khi mùa gió mùa bắt đầu tại nước này từ cuối tháng 6. Việc gieo trồng, chăm sóc lúa sẽ lên cao điểm vào tháng 7 và thu hoạch từ cuối tháng 9. Theo Bộ Nông nghiệp Ấn Độ, diện tích trồng lúa tại nước này đạt 6 triệu ha tính đến ngày 8/7, tăng 19% so với một năm trước đó.