Áp dụng ổn định thuế GTGT 5% với nhà ở xã hội
(VOV) -Giảm 50% thuế GTGT đối với căn hộ có diện tích sàn dưới 70m2 và có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2.
Chiều nay (19/6), đa số đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng.
Theo Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Đa số ý kiến đề nghị áp dụng ổn định thuế suất 5% đối với nhà ở xã hội; không áp dụng cơ chế ưu đãi thuế đối với nhà ở thương mại là căn hộ có diện tích sàn dưới 70m2 và có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2. Một số ý kiến khác nhất trí với đề nghị của Chính phủ: giảm 50% mức thuế suất thuế GTGT đối với nhà ở là căn hộ có diện tích sàn dưới 70m2 và có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2.
Đối với nhà ở xã hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, đối tượng có thu nhập thấp, thu nhập trung bình có nhu cầu rất lớn về nhà ở. Việc bảo đảm nhà ở cho người có thu nhập thấp là một chủ trương của Đảng và Nhà nước. Vì vậy, việc áp dụng thuế suất 5% đối với nhà ở xã hội sẽ tạo điều kiện cho các tầng lớp dân cư có thu nhập trung bình và thấp được tiếp cận với nhà ở xã hội. Do vậy, tiếp thu ý kiến ĐBQH, xin bổ sung nội dung này tại khoản 3 Điều 1 của Dự thảo luật.
Về giảm thuế đối với nhà ở thương mại với căn hộ có diện tích sàn dưới 70m2 và có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, theo quy định hiện hành thì nhà ở hiện đang áp dụng thuế suất 10%. Theo báo cáo của Chính phủ, số lượng nhà ở thương mại có diện tích sàn dưới 70 m2, có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 còn tồn kho khoảng trên 10.000 căn. Việc giảm 50% mức thuế suất thuế GTGT từ ngày 01/7/2013 đến hết ngày 30/6/2014 đối với nhà ở là căn hộ loại này sẽ góp phần giải quyết khó khăn về nhà ở đối với người có thu nhập thấp, đang có nhu cầu về chỗ ở, đồng thời sẽ góp phần giảm lượng căn hộ thương mại đang tồn kho, góp phần tháo gỡ một phần khó khăn cho thị trường bất động sản.
Nước sạch vẫn trong diện chịu thuế
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, có ý kiến đề nghị bổ sung vào diện không chịu thuế đối với dịch vụ cấp nước sạch. Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng: Theo quy định của Luật hiện hành, dịch vụ cấp nước sạch là mặt hàng thiết yếu nên được áp dụng mức thuế suất 5% và doanh nghiệp được khấu trừ thuế GTGT đầu vào, đây là mức thuế suất ưu đãi so với mức thuế suất phổ thông 10%. Ngoài ra, nếu bổ sung dịch vụ cấp nước sạch vào diện không chịu thuế thì doanh nghiệp làm dịch vụ cấp nước sạch sẽ không được hoàn thuế, không khuyến khích doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ.
Có ý kiến đề nghị giữ như quy định của Luật hiện hành, theo đó, “dịch vụ phục vụ công cộng về vệ sinh, thoát nước đường phố” thuộc diện không chịu thuế. Ý kiến khác đề nghị áp mức thuế suất 5% (thay vì 10% như quy định của Dự thảo luật) đối với loại hình dịch vụ này.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình: Theo quy định của Luật hiện hành thì “dịch vụ phục vụ công cộng về vệ sinh, thoát nước đường phố và khu dân cư” thuộc diện không chịu thuế; một số dịch vụ vệ sinh khác đang được áp dụng thuế suất 10%. Thực tế cho thấy, rất khó phân biệt được dịch vụ phục vụ công cộng về vệ sinh, thoát nước đường phố, khu dân cư với dịch vụ vệ sinh khác để áp thuế suất 5% hay 10% hoặc không chịu thuế. "Do đó, xin cho giữ như quy định của Dự thảo luật" – Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định./.