Áp trần giá sữa: Người tiêu dùng hy vọng sẽ được hưởng lợi

VOV.VN - Không ít người tiêu dùng hy vọng hưởng lợi nhờ quy định áp trần giá sữa, nhưng cũng có sự nghi ngại về tính sát thực của nó.

Nhằm chấm dứt tình trạng giá sữa tăng tùy tiện, từ 1/6, Bộ Tài chính quyết định áp trần giá sữa đối với 25 sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi. Đồng thời, liên bộ Tài chính - Công thương khẳng định, sẽ giám sát chặt và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân sản xuất và kinh doanh sữa vi phạm, việc áp trần giá sữa. Đây là tin vui với người tiêu dùng.

Việc áp trần giá sữa được thực hiện từ ngày 1/6 đối với các dòng sản phẩm Dielac Alpha, Friso Gold, Frisolac Gold, Enfamil, Enfagrow A+, Similac, Lactogen, Abott Grow 3…

Mức giá bán buôn tối đa của 25 sản phẩm sữa bị khống chế thấp hơn từ 10% đến 15%, thậm chí có sản phẩm thấp hơn 20% so với giá bán buôn hiện hành trên thị trường. Người tiêu dùng kỳ vọng giá sữa tới đây sẽ ổn định và không tăng  bất hợp lý như trước. 

Chị Đỗ Thị Thúy ở phố Khâm Thiên, Hà Nội cho biết: “Thời gian tới, nếu giá sữa giảm xuống sẽ khiến nhiều người tiêu dùng vui mừng. Nền kinh tế đang suy thoái, lương cán bộ công nhân viên chức không tăng. Trong khi mọi thứ chi phí đều tăng, mỗi thứ giám giá sẽ nhẹ nhõm hơn”.

Tuy nhiên, không ít người tiêu dùng tỏ ý nghi ngại về tính sát thực của việc áp trần giá, bởi nếu giá sữa giảm xuống, có thể  doanh nghiệp lại giảm trọng lượng sữa trong từng sản phẩm.

Chị Nguyễn Thị Hồng, ở phố Hoàng Mai, Hà Nội bày tỏ: Các hãng gần như độc quyền làm loạn giá thị trường. Người tiêu dùng Việt Nam, nhất là trẻ em phải chịu một giá cả bất hợp lý. Hiện nay tôi thấy một vấn đề là khi áp trần giá sữa, người ta sẽ rút bớt trọng lượng sữa. Cho nên, các cơ quan chức năng phải làm rõ ràng chuyện đó”.

Việc quản lý giá trần được thực hiện trong 12 tháng. Cùng với đó, doanh nghiệp phải thực hiện đăng ký giá theo quy định trong thời hạn 6 tháng tới. Mức giá tối đa trong khâu bán lẻ được xác định bằng giá tối đa trong khâu bán buôn cộng chi phí khác có liên quan, nhưng không vượt quá 15% của giá bán buôn.

Để việc áp trần giá sữa được thực hiện hiệu quả, sự phối  hợp giữa Bộ Tài chính, Bộ Công thương, lực lượng quản lý thị trường là rất cần thiết.

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải khẳng định: “Các lực lượng quản lý thị trường kiểm soát việc các doanh nghiệp bán sữa có đưa giá sữa đã được Bộ Tài Chính phê duyệt lên hay không? Nếu đưa thì bán có chính xác với giá hay không. Liên quan đến quản lý cạnh tranh chúng ta phải kiểm soát liệu các doanh nghiệp có bắt tay nhau và có việc cạnh tranh không lành mạnh hay không”.

Quyết định áp trần giá sữa có hiệu lực từ ngày 1/6, nhưng giá bán buôn thực hiện chậm nhất là ngày 10/6, còn giá bán lẻ chậm nhất là ngày 20/6. Nhiều người cho rằng, áp trần là biện pháp phù hợp với diễn biến tình hình thị trường hiện nay, không những góp phần bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng mà còn giúp doanh nghiệp vừa tiết giảm chi phí, vừa duy trì lợi nhuận hợp lý nhằm bình ổn giá sản phẩm này./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên