APEC cần hành động tập thể giải quyết thách thức về an ninh lương thực
VOV.VN -Trong khuôn khổ Tuần lễ An ninh lương thực APEC 2017, sáng 21/8, khai mạc cuộc họp thường niên Diễn đàn đối tác chính sách An ninh lương thực (PPFS).
Trong khuôn khổ Tuần lễ An ninh lương thực APEC 2017, sáng nay (21/8) tại TP Cần Thơ khai mạc cuộc họp thường niên Diễn đàn đối tác chính sách An ninh lương thực (PPFS). Cuộc họp được kéo dài trong 2 ngày (21 đến 22/8/2017).
Các đại biểu chủ trì cuộc họp thường niên Diễn đàn đối tác chính sách An ninh lương thực. |
An ninh lương thực là vấn đề được các nền kinh tế APEC rất quan tâm, đặc biệt trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu ngày càng tăng và diện tích đất sản xuất nông nghiệp bị thu hẹp do công nghiệp hóa và đô thị hóa. An ninh lương thực, đói nghèo, phát triển bền vững có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Sản xuất nông nghiệp có vai trò quan trọng để giải quyết những thách thức hiện nay.
Để giải quyết thách thức đặt ra đối với vấn đề An ninh lương thực, đòi hỏi các nền kinh tế APEC cần có hành động mang tính tập thể chung, cũng như mỗi nền kinh tế cần xây dựng kế hoạch hành động riêng, đồng thời tăng cường liên kết, hợp tác, chia sẽ thông tin, kỹ thuật và thúc đẩy xây dựng các chính sách phù hợp. Phối hợp trong việc tăng cường quản trị, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH)…
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Việt Nam Lê Quốc Doanh cho biết, BĐKH đang ảnh hưởng mạnh đến quá trình phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam, nhất là đối với sản xuất nông nghiệp. Việt Nam cũng đã đưa ra các kịch bản về BĐKH, theo đó dự báo đến cuối thế kỷ 21 có khoảng 30% dân số tại Đồng bằng sông Cửu Long, 16% dân số tại đồng bằng sông Hồng và khoảng 8,2% dân số tại các vùng khác bị hưởng hưởng bởi ngập nước.
Song song, quá trình đô thị hóa cũng làm thu hẹp diện tích đất sản xuất nông nghiệp.Việt Nam đã có hành động quyết liệt để ứng phó và hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững. Quan tâm quản lý chất thải, thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững.
Qua cuộc họp này, đòi hỏi mỗi nền kinh tế thành viên phải có những hành động cụ thể, có sự hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm và thông tin để cùng nhau giải quyết những khó khăn, xây dựng chính sách phù hợp, tăng cường hợp tác để sử dụng tài nguyên thiên nhiên hiệu quả, đảm bảo nguồn cung lương thực, thúc đẩy sử dụng hiệu quả tài nguyên nước, bảo tồn nguồn tài nguyên thiên nhiên rừng và đại dương… thúc đẩy chuyển giao công nghệ để nâng cao năng suất, áp dụng các công nghệ đổi mới sáng tạo….
Tin rằng các nền kinh tế APEC tích cực thảo luận, đưa ra hành động cụ thể trong những năm tới, có giải pháp mạnh mẽ tăng cường an ninh lương thực, phát triển bền vững, xây dựng nền nông nghiệp có khả năng chống chịu tốt, góp phần xây dựng chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu…/.
Các nền kinh tế thành viên APEC ưu tiên đảm bảo an ninh lương thực
Cảnh báo mất an ninh lương thực tại Dimbabue