ASEAN+3 là động lực cho phát triển vững chắc tại Đông Á

Kể từ năm 1997 đến nay, cơ chế hợp tác kinh tế của ASEAN+3 đã có những đóng góp to lớn đối với khu vực trong nhiều lĩnh vực quan trọng  

Để tiếp tục thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước thành viên, thành lập Cộng đồng Kinh tế vào năm 2015, ASEAN cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ và thiết thực hơn nữa từ các đối tác phát triển, đặc biệt là 3 đối tác quan trọng ở Đông Á gồm Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Nội dung này một lần nữa được đề cập tại Hội nghị Tham vấn Bộ trưởng Kinh tế ASEAN+3 lần thứ 15 diễn ra chiều nay (29-08) tại Siem Reap, Campuchia.

Các đại biểu tham dự Hội nghị Tham vấn Bộ trưởng Kinh tế ASEAN+3

Hội nghị Tham vấn Bộ trưởng Kinh tế ASEAN cộng 3 (AEM+3) lần này đánh dấu kỷ niệm 15 năm hình thành và hoạt động của một trong cơ chế hợp tác kinh tế hiệu quả nhất tại Đông Á nói riêng và trên thế giới nói chung. Kể từ năm 1997 đến nay, cơ chế hợp tác kinh tế của ASEAN với 3 nước Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đã có những đóng góp to lớn đối với khu vực trong nhiều lĩnh vực quan trọng, như thúc đẩy tự do hóa thương mại, khuyến khích đầu tư, hỗ trợ tài chính, an ninh lương thực, phát triển năng lượng…

Năm 2011, tổng giá trị thương mại của 10 nước ASEAN với ba nước Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc tăng 26,2%, đạt hơn 678 tỉ USD. Đặc biệt, nhóm 3 nước này cũng là những nhà đầu tư quan trọng nước ngoài hàng đầu vào ASEAN. Đầu tư nước ngoài trực tiếp từ Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc vào ASEAN năm 2011 đạt hơn 41 tỉ USD, chiếm gần một nửa tổng đầu tư nước ngoài vào ASEAN.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc Park Taeho nhận xét: “Khu vực Đông Á vẫn đang tiếp tục phát triển vững chắc, ngay cả trong khủng hoảng kinh tế thế giới hiện nay. Tôi tin rằng, chính cơ chế ASEAN+3 đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển bền vững này của khu vực. Đặc biệt, tôi ghi nhận sự tiến bộ trong hợp tác tài chính của khu vực, trong đó có thỏa thuận gần đây giữa các thể chế tài chính về việc mở rộng Sáng kiến Chiang Mai. Tôi cũng vui mừng ghi nhận Sáng kiến Dự trữ gạo của ASEAN+3 chính thức có hiệu lực từ tháng 7 năm nay, góp phần vào đảm bảo an ninh lương thực của khu vực”.

Tại Hội nghị, các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN+3 cũng thảo luận và xem xét các tiến bộ đạt được trong công tác chuẩn bị của một Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) giữa Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc với cơ chế Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực của ASEAN. Các cuộc đàm phán của hai sáng kiến này sẽ chính thức bắt đầu ngay trong năm nay với kỳ vọng sẽ tiếp tục thúc đẩy sự hội nhập kinh tế sâu sắc hơn tại khu vực Đông Á./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên