Bà Rịa - Vũng Tàu thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc
VOV.VN - Với chiến lược thu hút đầu tư có chọn lọc, Bà Rịa - Vũng Tàu đang tạo dựng hình ảnh về một vùng đất giàu tiềm năng và hứa hẹn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn là một trong những điểm sáng thu hút được dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI). 10 tháng năm 2021, dòng vốn FDI đổ vào Bà Rịa – Vũng Tàu tăng cao, lên đến 431 triệu USD. Một trong những giải pháp để thu hút đầu tư là Bà Rịa – Vũng Tàu đã tập trung việc mở rộng, phát triển hạ tầng các khu công nghiệp theo hướng hiện đại và cải cách thủ hành chính để thuận lợi tốt nhất cho doanh nghiệp tìm hiểu và quyết định đầu tư.
Địa bàn tiềm năng
Với 15 khu công nghiệp với tổng diện tích khoảng 8.511 ha, trong đó có 13 khu công nghiệp đang hoạt động với đa dạng ngành nghề như điện, khí, luyện kim, cơ khí, đóng tàu, hoá chất, vật liệu xây dựng, sản xuất phân bón… Bà Rịa - Vũng Tàu là điểm đến từ nhiều năm qua của các DN đến từ Mỹ, Anh, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan, Canada…
Đến nay, tổng diện tích đất đã cho thuê của 13 khu công nghiệp đang hoạt động là 3.235 ha, đạt tỷ lệ lấp đầy 65,66%; trong đó có 2 khu công nghiệp đã lấp đầy 100%. Tại các khu công nghiệp của tỉnh có 495 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký quy đổi trên 20 tỷ USD (đầu tư trong nước 241 dự án và đầu tư nước ngoài 254 dự án).
Theo đại diện chủ đầu tư Khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3, mặc dù dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng DN vẫn triển khai các hạng mục hạ tầng như điện, nước, khí gas đến tận hàng rào nhà máy. Hiện nay Khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3 đã thu hút được 25 nhà đầu tư với tổng vốn gần 32.000 tỷ đồng.
Ông Kazama Toshio, Phó tổng Giám Đốc Công ty CP Thanh Bình Phú Mỹ - Chủ đầu tư khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3 cho biết, với những cơ chế linh hoạt trong thu hút đầu tư của Bà Rịa – Vũng Tàu, hiện các nhà đầu tư từ các quốc gia như Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản… đang có kế hoạch làm việc, tìm hiểu tại Phú Mỹ 3.
“Do tình hình dịch nên trong năm qua Việt Nam nâng cao kiểm soát các nhà đầu tư từ nước ngoài vào. Tuy nhiên, rất may mắn Nhà máy giấy KOA của Tập đoàn Marubeni- Nhật Bản được sự hỗ trợ rất tích cực từ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và các ngành liên quan đã hoàn thành xong để đưa vào hoạt động đúng kế hoạch”, ông Kazama Toshio cho biết.
Theo ông Nguyễn Khắc Thanh, Tổng giám đốc Công ty CP Khu công nghiệp Tín Nghĩa – Phương Đông, Chủ đầu tư KCN Đất Đỏ 1, các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá rất cao môi trường đầu tư tại Bà Rịa – Vũng Tàu, có hệ thống hạ tầng hoàn chỉnh, vị trí địa lý thuận lợi. Đặc biệt, với hệ thống cảng nước sâu Cái Mép – Thị Vải và sắp tới là sân bay Long Thành là điều kiện thuận lợi để thu hút doanh nghiệp trong và ngoài nước đến tìm kiếm cơ hội đầu tư. Đây cũng là yếu tố mà Tín Nghĩa – Phương Đông quyết định đầu tư hạ tầng tại đây.
“Hiện có nhiều tập đoàn lớn đang đặt vấn đề đầu tư cac dự án lớn tại khu công nghiệp Đất Đỏ. Do đó, trong kế hoạch 2021-2025, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cần mạnh dạn mở rộng các khu công nghiệp vì để chuẩn bị quỹ đất sạch thì phải mất 2 -3 năm đầu tư hạ tầng, sau đó mới có thể đưa vào khai thác”, ông Thanh cho biết.
Thu hút có chọn lọc
Với việc xây dựng một chiến lược thu hút đầu tư có chọn lọc, hỗ trợ nhà đầu tư bằng những việc làm cụ thể, rút gắn thời gian giải quyết thủ tục, hồ sơ đầu tư, Bà Rịa - Vũng Tàu đang tạo dựng hình ảnh về một vùng đất giàu tiềm năng và hứa hẹn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Ngày 24/9 vừa qua, trong chuyến công du Mỹ của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Tập đoàn Quantum (Mỹ) mong muốn được đầu tư 20-30 tỷ USD vào Việt Nam, trong đó tập trung chủ yếu cho các dự án lớn ở Bà Rịa -Vũng Tàu, như Nhà máy điện Long Sơn (trị giá khoảng 5 tỷ USD), các dự án đầu tư hạ tầng với tầm nhìn dài hạn như cảng Long Sơn (bao gồm cả cảng khí để cung cấp cho khu công nghiệp và hộ gia đình sau này).
Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng xác định, trong giai đoạn 2021 – 2025, mục tiêu là tiếp tục thu hút đầu tư có chọn lọc, trong đó chú trọng thu hút các dự án có công nghệ hiện đại, có giá trị gia tăng cao, ít thâm dụng lao động và không xâm hại môi trường. Đồng thời phát huy tiềm năng lợi thế của cảng nước sâu Cái Mép – Thị Vải.
Ông Nguyễn Công Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho hay, ngoài việc đầu tư mạnh và hiện đại hạ tầng của các khu công nghiệp, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đang cải thiện dần môi trường đầu tư từ hạ tầng, quỹ đất và cải cách thủ tục hành chính.
“Tiêu chí đầu tiên vẫn là môi trường để khi các nhà đầu tư vào không vướng vào việc xử lý hậu quả môi trường về sau. Cùng với đó, hạ tầng kết nối phải đảm bảo sẵn sàng, thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư. Ngoài ra, các nhà đầu vào Bà Rịa – Vũng Tàu chỉ nhận đất sạch để triển khai dự án, nên tỉnh cũng tập trung cải cách thủ tục hành chính, giải quyết trong thời gian sớm nhất”, ông Vinh cho biết.
Theo lãnh đạo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, 10 tháng năm 2021, tỉnh đã thu hút được 18 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt hơn 224 triệu USD. Bên cạnh các dự án cấp mới, địa phương cũng ghi nhận thêm 15 dự án điều chỉnh tăng vốn, với tổng số vốn tăng thêm hơn 206 triệu đô la MUSDỹ. Như vậy, đến nay, Bà Rịa-Vũng Tàu đang có 429 dự án FDI với tổng vốn đầu tư lên 29,5 tỷ USD. Các dự án này hầu hết có quy mô và suất đầu tư lớn, ít thâm dụng lao động, đến từ các quốc gia như Mỹ, Canada, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Anh, Pháp...
Với quyết tâm thanh lọc thị trường, kiên trì thu hút đầu tư có chọn lọc, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đang dần chủ động hơn trong việc tiếp cận những nhà đầu tư có đẳng cấp, công nghệ cao, đồng thời hạn chế những lĩnh vực, ngành nghề không thích hợp. Ðây chính là động lực giúp địa phương duy trì tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ của năm trụ cột kinh tế là: công nghiệp, cảng biển, dịch vụ hậu cần cảng, du lịch và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao./.