Bắc Giang với những quyết định khó khăn để thực hiện "mục tiêu kép"
VOV.VN - Ông Mai Sơn, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Giang chia sẻ, để khống chế, kiểm soát được dịch COVID-19, quyết định đóng cửa 4 khu công nghiệp kể từ ngày 18/5/2021 là việc mà tỉnh phải chịu áp lực nhất và căng thẳng vì làm ảnh hưởng đến trên 360 doanh nghiệp và gần 300.000 lao động.
PV: Thưa ông, từng là tâm dịch lớn nhất nước với gần 6.000 ca, tỉnh Bắc Giang đã có những biện pháp nào để khống chế, đẩy lùi dịch COVID-19 trong thời gian ngắn nhất?
Ông Mai Sơn: Thời điểm bấy giờ dịch bùng phát rất nhanh, để khống chế dịch nhanh nhất, không lây lan ra nhiều doanh nghiệp buộc chúng tôi phải áp dụng các biện pháp như khoanh vùng, thần tốc truy vết triệt để, cách ly, xét nghiệm diện rộng để sớm phát hiện F0 nhất có thể.
Cùng với đó, những khu vực có dịch, chúng tôi áp dụng nghiêm việc “ai ở đâu, ở yên đó”; giữ lại trên 60.000 công nhân lao động của các tỉnh bạn ở các khu nhà trọ thực hiện xét nghiệm nhiều lần, nếu âm tính, an toàn thì bàn giao về các địa phương để dịch không lây cho tỉnh khác.
Tại các doanh nghiệp và trong cộng đồng thành lập gần 11.000 Tổ COVID cộng đồng, Tổ an toàn COVID, thành lập các tổ hỗ trợ hậu cần, thành lập các Tổ kiểm tra, giám sát các khu cách ly tập trung đảm bảo an toàn, tránh lây nhiễm chéo, thành lập các tổ kiểm tra an toàn sản xuất để đảm bảo sản xuất phải an toàn, an toàn thì mới cho sản xuất…
Thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương, giao trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị địa phương, Trưởng Ban chỉ đạo Phòng chống dịch các cấp; xây dựng phương án, kế hoạch, mục tiêu phòng, chống dịch cụ thể; tăng cường tuyên truyền, xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định về phòng chống dịch. Đồng thời, thường xuyên đánh giá tình hình dịch để thu hẹp dần các khu cách ly, phong tỏa, khu nào an toàn thì phải tranh thủ đẩy mạnh sản xuất để bù đắp lại thời gian đóng cửa, dừng sản xuất do dịch.
PV: Tỉnh Bắc Giang quyết định dừng hoạt động 4 khu công nghiệp Vân Trung, Quang Châu, Đình Trám, Song Khê - Nội Hoàng để phòng chống dịch COVID-19, khiến kinh tế của tỉnh mỗi ngày thiệt hại hơn 2.000 tỷ đồng, tỉnh Bắc Giang đã tính toán thế nào để đưa ra quyết định này, thưa ông?
Ông Mai Sơn: Quyết định đóng cửa 4 khu công nghiệp (KCN) kể từ ngày 18/5/2021 làm ảnh hưởng đến trên 360 doanh nghiệp và gần 300.000 lao động; trong đó, các doanh nghiệp trong các KCN của tỉnh Bắc Giang đều nằm trong chuỗi sản xuất hàng hóa toàn cầu và mỗi ngày đóng cửa, các doanh nghiệp sẽ bị thiệt hại khoảng 2000 tỷ đồng, ngoài ra còn nhiều thiệt hại khác mà chúng ta không thể thống kê được. Do đó, việc quyết định đóng cửa 4 khu công nghiệp chính là việc mà chúng tôi căng thẳng và áp lực nhất.
Khi dịch bùng phát tại một doanh nghiệp trong KCN, sau đó bắt đầu lan sang các doanh nghiệp khác, vì tốc độ lây lan của biến chủng Delta rất mạnh, tỷ lệ tiêm vaccine lúc bấy giờ là bằng không, hệ thống y tế của chúng tôi còn khiêm tốn, nhân lực y tế còn thiếu… Vì thế nếu không đóng cửa kịp thời các KCN thì tình hình dịch bệnh sẽ xấu đi rất nhiều. Công nhân, người lao động bị nhiễm bệnh thì doanh nghiệp cũng không thể hoạt động được. Hơn nữa, sức khỏe, tính mạng của nhân dân phải được đặt lên hàng đầu.
Trước tình hình đó, chúng tôi tính rằng, việc đóng cửa các Khu công nghiệp phải được triển khai bài bản, đồng bộ, không được làm các doanh nghiệp và người lao động hoang mang, lo sợ, tuyện đối không được để xảy ra một cuộc hỗn loạn, tháo chạy của người lao động, gây khó kiểm soát, làm nguy cơ thêm lây lan dịch bệnh.
Tỉnh đã thành lập các Tổ tuyên truyền, vận động, đồng thời phong tỏa kịp thời tất cả doanh nghiệp, các khu nhà trọ công nhân; cung cấp đầy đủ lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm cần thiết để công nhân và nhân dân các khu vực phong tỏa yên tâm. Trong thời gian phong tỏa cứng 1 tuần, phải tiến hành xét nghiệm sàng lọc được ít nhất 2 lần cho toàn bộ những người trong khu vực phong tỏa nhằm kịp thời tách F0 ra, sau đó phân loại mức độ nguy cơ để làm sạch doanh nghiệp, làm sạch khu trọ, sớm đưa doanh nghiệp trở lại sản xuất. Kết quả, chỉ sau 1 tuần đóng cửa chúng tôi đã cho phép các doanh nghiệp hoạt động trở lại.
PV: Thời điểm tạm dừng hoạt động 4 khu công nghiệp, lãnh đạo tỉnh cam kết sau 2 tuần sẽ có những doanh nghiệp đầu tiên quay lại hoạt động. Tỉnh Bắc Giang đã triển khai như thế nào để doanh nghiệp có thể đi vào hoạt động, sản xuất được trong điều kiện mới?
Ông Mai Sơn: Thực chất, chỉ sau 1 tuần đóng cửa các KCN, chúng tôi nhận thấy những tín hiệu tích cực rõ ràng trong công cuộc chống dịch, vì thế tỉnh quyết định mở cửa hoạt động trở lại các KCN từ ngày 26/5/2021. Tất nhiên, lúc này không mở cửa ào ào mà thận trọng từng bước, có kiểm soát chặt chẽ, chắc chắn. Chúng tôi xây dựng các tiêu chí để doanh nghiệp đáp ứng sẽ được hoạt động trở lại, doanh nghiệp nào chưa đủ điều kiện thì phải khắc phục ngay, nếu chưa đảm bảo thì nhất định không cho sản xuất.
Chúng tôi thực hiện rất nhiều phương châm: “Sản xuất phải an toàn, an toàn để sản xuất”, “3 cùng: Cùng ăn, cùng ở, cùng sản xuất tại doanh nghiệp”, trường hợp ở khu trọ thì “Nhà trọ an toàn”, trường hợp đi/về hằng ngày bằng xe của công ty thì thực hiện “Một cung đường, 2 điểm đến”…
PV: Bắc Giang đã quyết định giữ lại toàn bộ 67.000 công nhân ở lại Bắc Giang, chấp nhận áp lực rất lớn lên toàn hệ thống chính trị và nhân dân trong tỉnh. Khi ký quyết định này, tỉnh Bắc Giang chịu áp lực như thế nào và vì sao Bắc Giang lại có kế hoạch đưa 35.000 lao động về các địa phương?
Ông Mai Sơn: Tất nhiên, chúng tôi phải chịu rất nhiều áp lực, đó là làm thế nào để đảm bảo được các điều kiện sinh hoạt cho gần 70.000 người, kiểm soát không để dịch lây chéo trong một môi trường đậm đặc, với mật độ người đông như thế; làm thế nào để kiểm soát được tình hình an ninh trật tự, tránh việc kiểm soát chặt ngoài, lỏng trong; làm thế nào để dịch không lây lan ra rộng, nhất là không để dịch lây sang các tỉnh bạn. Đồng thời nếu giữ công nhân lại, để học bị lây chéo, đói khát không được quan tâm thì càng có lỗi… Do đó, áp lực đối với chúng tôi là rất lớn.
Khi dịch đã được kiểm soát, một số doanh nghiệp được hoạt động trở lại nhưng công suất chưa được như ban đầu, một số doanh nghiệp chưa đủ điều kiện an toàn để sản xuất, nhiều doanh nghiệp công nhân là F0, F1 còn đang trong thời gian cách ly, điều trị… tâm lý công nhân bị giữ chân ở lại lâu cũng muốn được trở về gia đình.
Vì thế, sau khi xét nghiệm nhiều lần, những công nhân đảm bảo an toàn, có nhu cầu về quê thì chúng tôi liên hệ với các tỉnh bạn để họ được đón về quê, những tỉnh nào không đến đón được thì chúng tôi tổ chức đưa về bàn giao cho địa phương; trường hợp số ít không tổ chức đưa đón được thì được hỗ trợ tiền mua vé tàu, xe để họ được về quê đoàn tụ cùng gia đình. Có thể nói, kế hoạch đưa 35.000 lao động về quê cũng khá vất vả nhưng rất nhân văn.
PV: Sau khi kiểm soát được dịch bệnh thì kinh tế Bắc Giang năm nay phát triển như thế nào, thưa ông?
Ông Mai Sơn: Tỉnh đã tận dụng tốt cơ hội sau kiểm soát được dịch, nhờ đó kinh tế nhanh chóng trở lại chu kỳ tăng trưởng từ quý III, tốc độ tăng GRDP cả năm ước đạt 7,82% (cao hơn mức dự báo trước đó). Năng suất lao động tăng 4,4%. GRPD bình quân đầu người đạt 2.950 USD, tăng 3,7%, bằng 89,9% kế hoạch.
Giá trị sản xuất công nghiệp – xây dựng tăng 11,2%; Giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản tăng 4,2%; Tổng thu NSNN ước đạt 15.745 tỷ đồng, tăng 26,9% so với năm 2020, vượt 56,1% dự toán; Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2020 tăng 13 bậc so với năm 2019. Dự kiến đến hết năm, tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và điều chỉnh (quy đổi) toàn tỉnh đạt 1,26 tỷ USD; có 1.381 doanh nghiệp được thành lập. Riêng thu hút đầu tư FDI đứng thứ 10 cả nước.
Có được những thành quả trên, trước hết là do có sự đoàn kết, thống nhất, đồng lòng, đồng sức, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Giang đã luôn bám sát, thực hiện sáng tạo những chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để nỗ lực cố gắng thực hiện mục tiêu kép là vừa phòng, chống dịch, vừa tập trung phát triển kinh tế, xã hội.
Trong những năm qua, tỉnh Bắc Giang luôn nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, đổi mới xúc tiến thương mại, coi trọng phát triển đồng đều, toàn diện công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ; quan tâm phát triển đô thị, xây dựng nông thôn mới...
Bắc Giang đã phát huy được tiềm năng, lợi thế, nhất là về điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý, nằm trong trục phát triển kinh tế Việt Nam – Trung Quốc. Trong mắt các nhà đầu tư, Bắc Giang đang là điểm đến hấp dẫn.
PV: Xin cảm ơn ông!./.