Bạc Liêu phản hồi thông tin chi hơn 2.000 tỷ đồng cho festival đờn ca tài tử
VOV.VN -Dư luận bức xúc việc Bạc Liêu chi 2.000 tỷ đồng cho Festival Đờn ca tài tử, trong khi tỉnh còn nhiều dự án dân sinh khác cần đầu tư
Bà Lê Thị Ái Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, Trưởng Ban tổ chức Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ I – Bạc Liêu 2014 hôm nay (7/5) khẳng định với VOV là không có việc “chi hơn 2.000 tỷ đồng cho Festival Đờn ca tài tử”.
Trao đổi với phóng viên VOV, bà Lê Thị Ái Nam cho biết, kinh phí chi cho các hoạt động của Festival Đờn ca tài tử quốc gia chủ yếu từ nguồn vận động tài trợ.
Theo bà Lê Thị Ái Nam: “Thực tế tỉnh chỉ có hai công trình trực tiếp phục vụ hoạt động Festival và cũng phục vụ lâu dài cho sự phát triển của tỉnh đó là: Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu đã được tổ chức khánh thành, với tổng mức đầu tư 70 tỷ đồng (trong đó giải phóng mặt bằng gần 10 tỷ đồng); Trung tâm Triển lãm văn hoá – nghệ thuật và Nhà hát Cao Văn Lầu tổng mức đầu tư 222 tỷ đồng, đã triển khai các gói thầu xây lắp trị giá gần 90 tỷ đồng.
Công trình Trung tâm triển lãm văn hóa, nghệ thuật và nhà hát Cao Văn Lầu dự kiến sẽ tổ chức một số hoạt động trong Festival, nhưng phải mất nhiều thời gian về thủ tục xây dựng cơ bản, kỹ thuật xây dựng phức tạp, độ khó cao do kiến trúc công trình mới nên đến nay chỉ hoàn thành được phần thô của công trình nhằm tăng vẽ mỹ quan, qui hoạch tổng thể của Quảng trường. Các hoạt động của festival đã được chuyển sang thực hiện tại Nhà thi đấu đa năng và một số địa điểm khác.
Trung tâm Triển lãm văn hoá – nghệ thuật và Nhà hát Cao Văn Lầu |
Các gói thầu còn lại sẽ triển khai thực hiện đúng qui định, theo phân kỳ đầu tư và nguồn lực đã được xác định. Khi công trình hoàn thành sẽ phục vụ cho Hội nghị, triển lãm, tổ chức biểu diễn nghệ thuật phục vụ công chúng và Công ty Lê Quí Dương đã đặt vấn đề với tỉnh sẽ hợp tác để khai thác nhà hát, thu hút các tour du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo…”.
Ngoài ra, theo bà Lê Thị Ái Nam: Trong hơn 20 danh mục dự án và công trình được tỉnh xác định tập trung chỉ đạo thực hiện thời gian qua, có 10 dự án là mời gọi đầu tư thuộc lĩnh vực kinh tế, dịch vụ, du lịch. Tỉnh đã phân công cán bộ phụ trách đôn đốc các nhà đầu tư hoàn thành sớm tiến độ để phục vụ cho nhu cầu phát triển du lịch của tỉnh (Khu du lịch Hồ Nam, Khu nhà Công tử Bạc Liêu, khu vui chơi, giải trí Ô tô Bảo Toàn; Nhà máy điện gió giai đoạn II; khu Quán âm Phật đài …)
Còn lại các công trình khác là nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, giao thông, chống biến đổi khí hậu của tỉnh, nhu cầu hưởng thụ văn hoá – nghệ thuật và tập luyện thể thao của nhân dân trước mắt và lâu dài như: Trung tâm Hội chợ - triển lãm; kè Nhà Mát; kè sông Bạc Liêu; đường Hùng Vương, Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt, Bạch Đằng và Cao Văn Lầu…
Riêng công trình Quảng trường Hùng Vương đã được triển khai thực hiện từ năm 2009 nhằm phục vụ lâu dài cho sự phát triển của tỉnh và góp phần xây dựng thành phố Bạc Liêu trở thành đô thị loại II, thành phố “xanh – sạch đẹp và văn minh” theo tinh thần NQ 01 của Tỉnh Uỷ; đường Cao Văn Lầu, kè Nhà Mát là phục vụ cho chống biến đổi khí hậu và giao thông đi lại của người dân, đồng thời cũng phục vụ phát triển du lịch... Vì vậy, các công trình đã được xác định là phục vụ phát triển KTXH, sản xuất, đời sống của nhân dân và có liên kết phục vụ Festival, chứ không phải chỉ cho Festival.
Về vấn đề mà dư luận quan tâm là vì sao 13 tuyến đường ô tô về trung tâm xã hiện vẫn chưa xong; trong khi tỉnh lại đầu tư công trình biểu tượng văn hóa của tỉnh là cây đàn kìm xây tiêu tốn hết hơn 20 tỷ đồng, bà Lê Thị Ái Nam cho biết: “Dự án đường về trung tâm xã đã được thực hiện hoàn thành 37 xã. Hiện nay, Bạc Liêu còn 13/50 xã ô tô chưa đến được trung tâm, trong đó có nhiều cây cầu lớn nên cần vốn đầu tư khoảng 800 tỉ đồng”.
Cây đờn kìm trị giá nhiều tỉ đồng. Ảnh: T.Vũ/Dân Trí |
Theo bà Lê Thị Ái Nam: “Tuyến đường về trung tâm xã chủ yếu thực hiện từ nguồn vốn Trung ương hỗ trợ; dự án này đã được Bộ Kế hoạch – Đầu tư tổng hợp trình Chính phủ hỗ trợ từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2016- 2020, nhưng do thắt chặt đầu tư công nên các công trình này chưa được phân bổ vốn trái phiếu chính phủ. Tuy nhiên, do yêu cầu phục vụ phát triển kinh tế- xã hội và nhu cầu đi lại của người dân, tỉnh nhiều lần kiến nghị Trung ương hỗ trợ sớm hỗ trợ từ nguồn vốn mục tiêu hoặc cho cơ chế tạm ứng vốn thực hiện, nhưng trong điều kiện khó khăn chung kiến nghị này chưa được giải quyết”.
Theo bà Lê Thị Ái Nam: “Đối với công trình biểu tượng văn hóa của tỉnh (cây đàn kìm cách điệu) phần xây dựng có tổng mức hơn 8,2 tỷ đồng (gồm các hạng mục cây đàn kìm, đài sen, hồ nước, phun nước nghệ thuật, hệ thống ánh sáng đèn led…); hạng mục còn lại là đấu thầu lát đá tự nhiên của quảng trường 6,75 tỷ đồng./.