Bắc Ninh xử lý tình trạng sử dụng nhà ở xã hội sai đối tượng
VOV.VN - UBND tỉnh Bắc Ninh chỉ đạo các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội căn cứ hợp đồng mua bán, cho thuê và quy định của pháp luật tổ chức kiểm tra, rà soát thu hồi các căn hộ khi phát hiện chủ hộ mua, bán, cho thuê trái quy định.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thu nhập thấp được sở hữu căn nhà có chất lượng, dịch vụ tương đối tốt, ổn định cuộc sống. Tỉnh Bắc Ninh triển khai 54 dự án nhà ở xã hội tổng diện tích 173ha với hơn 77.000 căn hộ, đáp ứng chỗ ở cho 231.000 người. Hiện đã có 31 dự án hoàn thành, hoàn thành một phần và đang thực hiện đầu tư xây dựng, tạo quỹ nhà ở khoảng 22.000 căn hộ, trong đó nhiều dự án đã được nghiệm thu đưa vào sử dụng trên 5 năm, tạo điều kiện cho hàng nghìn gia đình khó khăn về kinh tế có nơi “an cư lạc nghiệp”.
Tuy nhiên, thời gian gần đây tại các khu nhà ở xã hội có hiện tượng người ở sai đối tượng. Theo rà soát, kiểm tra của các địa phương và ngành chức năng thời điểm đầu tháng 11/2024 đã phát hiện tại 14 dự án nhà ở xã hội với khoảng 640 căn hộ sau khi mua, chủ hộ cho người khác sinh sống dưới nhiều hình thức như: Kết hôn với người nước ngoài, cho ở nhờ, cho thuê lại…
Để chấn chỉnh việc ở sai đối tượng trong các khu nhà ở xã hội, UBND tỉnh Bắc Ninh chỉ đạo Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan rà soát, kiểm tra toàn diện các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh. Theo đó, các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội căn cứ hợp đồng mua bán, cho thuê và quy định của pháp luật tổ chức kiểm tra, rà soát thu hồi các căn hộ khi phát hiện chủ hộ mua, bán, cho thuê trái quy định.
Đồng thời, phối hợp với ban quản trị tòa nhà, các cơ quan chức năng liên quan yêu cầu các hộ gia đình, cá nhân chấm dứt việc mua bán, cho thuê lại căn hộ, đặc biệt liên quan đến các đối tượng người nước ngoài ở trái quy định pháp luật. Trường hợp các chủ đầu tư, ban quản trị toà nhà, cá nhân, hộ gia đình không chấp hành theo quy định phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật khi các cơ quan chức năng kiểm tra, rà soát nếu phát hiện sai phạm.
Sau những giải pháp quyết liệt, đến giữa tháng 11/2024 đã có 516 căn hộ di chuyển người ở sai quy định ra khỏi căn hộ, còn lại 124 hộ, trong đó có nhiều hộ sau khi mua nhà ở xã hội thì lấy vợ hoặc chồng là người nước ngoài, Sở Xây dựng đang tiếp tục cùng các địa phương và chủ đầu tư kiểm tra, rà soát, đồng thời yêu cầu di chuyển người nước ngoài, các đối tượng đang lưu trú, tạm trú không đúng quy định ra khỏi các dự án nhà ở xã hội.
Theo nguyên tắc việc thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội phải bảo đảm đúng đối tượng, đủ điều kiện theo quy định. Tuy nhiên, Sở Xây dựng và các cơ quan liên quan nhận thấy một số khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ: Theo Điều 89 của Luật Nhà ở năm 2023, trong thời gian trước và sau 5 năm kể từ ngày thanh toán hết tiền mua nhà, chưa quy định rõ việc cấm người mua nhà ở xã hội cho các đối tượng khác thuê trong đó bao gồm cả đối tượng là người nước ngoài; theo quy định pháp luật về cư trú cũng chưa quy định rõ việc cấm các đối tượng khác đăng ký cư trú tại các căn hộ nhà ở xã hội; tại Nghị định 16/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 Quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng, cũng chưa rõ quy định xử lý vi phạm đối với người mua cho thuê lại nhà ở xã hội...
Để giải quyết dứt điểm tình trạng ở sai đối tượng nhà ở xã hội, nhiều ý kiến cho rằng phải làm chặt chẽ, đúng nguyên tắc ngay từ khâu xét duyệt hồ sơ, không để xảy ra tình trạng lách luật, người đã có nhà ở nhưng vẫn tham gia đăng ký mua nhà ở xã hội rồi sau đó sử dụng không đúng mục đích như chuyển nhượng dưới hình thức uỷ quyền, cho thuê…
Đồng thời, tiếp tục rà soát, tháo gỡ các vướng mắc bất cập trong pháp luật về nhà ở và pháp luật có liên quan nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý và chính sách phát triển nhà ở nhà ở xã hội.