Bài 1: Cà phê mất giá, doanh nghiệp và nông dân lao đao
VOV.VN -Giá cà phê chỉ còn hơn 29 triệu đồng/tấn khiến cả nông dân và doanh nghiệp đối mặt thua lỗ.
Niên vụ cà phê 2013-2014 ở Tây Nguyên đang thu hoạch rộ và tương đối được mùa. Tuy nhiên giá cà phê giảm kỷ lục, chỉ còn hơn 29 triệu đồng/tấn cùng với nhiều khó khăn khác đang khiến cả nông dân và doanh nghiệp đối mặt thua lỗ.
Nông dân và nỗi lo cà phê rớt giá |
Nếu như cuối năm ngoái, mức thấp nhất của giá cà phê nhân xô trong nước là 38.100 – 38.300 đồng/kg, thì sang đầu năm 2013, giá thu mua đã phục hồi nhẹ và tăng đỉnh điểm vào tháng 3 năm nay khi đạt mức 43.000 – 43.500 đồng/kg. Tuy nhiên, từ tháng 5 vừa qua, giá cà phê liên tục giảm. Đến những ngày đầu tháng 11 này, giá cà phê Robusta nhân xô chỉ còn dưới 31.000 đồng/1kg. Hôm qua (7-11) cà phê mất giá thêm 600 đồng/kg, xuống mức thấp kỷ lục chỉ còn 29,7-30.000đồng/1kg. Mức giá quá thấp khiến nông dân ở ngay những vùng cà phê năng suất cao nhất cũng thua lỗ.
Bà Phan Thị Ánh, ở thôn Tân Hưng, xã Ea Knuếch, huyện Krông Pách biết, mọi năm chỉ với 6 sào cà phê, gia đình cũng có thể xoay xở để sống. Còn năm nay, đầu tư tăng so với vụ trước 6 triệu đồng cho 6 sào cà phê, nhưng nếu bán bây giờ thì hòa chi phí đầu tư, lỗ công thuê thu hái.
Còn bà H’Nhé Buôn Giá, ở buôn Tiêu, xã Ea Tiêu, huyện Chư Quynh, tỉnh Đắc Lắc, do trông đợi cà phê vụ này sẽ cao, gia đình đã đầu tư đào thêm giếng để lấy nước tưới-đảm bảo năng suất, nhưng với giá này, tính ra gia đình lỗ 16 triệu đồng cho 2 ha.
Theo tính toán, chi phí đầu tư cho mỗi ha cà phê hiện ở mức 75 triệu đồng. Nếu năng suất đạt từ 2,5 tấn/ha trở lại, bán với giá hiện nay, nông dân Tây nguyên cầm chắc việc lỗ vốn.
Không chỉ với các nông hộ, với các doanh nghiệp sản xuất cà phê khép kín từ gieo trồng đến xuất khẩu, cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Xuân Thái, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên cà phê Thắng Lợi, doanh nghiệp hàng đầu về trồng-xuất khẩu cà phê chất lượng cao, cho biết vụ này sản xuất tiết kiệm lắm thì giá thành mỗi kg cà phê cũng đã tới 28.000 đồng nên với mức giá hiện nay công ty hầu như không có lãi. Thậm chí, công ty đã dự phòng khả năng thua lỗ, khi cà phê được thu hoạch xong, nông dân buộc phải bán sản phẩm để trang trải chi phí sản xuất, giá cà phê sẽ giảm nữa.
Theo hiệp hội cà phê-ca cao Việt Nam, niên vụ này, sản lượng cà phê nước ta có thể tăng đến 15% so với niên vụ trước. Cùng với đó, các nước xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới như Brazil, Colombia, sản lượng cũng tăng rất mạnh, tạo ra nguồn cung lớn, là lý do chính khiến giá cà phê giảm mạnh. Nguồn cung tăng ở tất cả các nước sản xuất cà phê hàng đầu khiến các doanh nghiệp cà phê không dám đưa ra phán đoán về lộ trình chạm đáy của giá cà phê năm nay, dẫn đến chỉ thu mua cầm chừng, làm cho thị trường cà phê thêm khủng hoảng.
Ông Trần Văn Hữu, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Minh Hữu- Đắc Lắc, doanh nghiệp xuất khẩu khoảng hơn 20.000 tấn cà phê mỗi năm, cho biết: “Giá cả bây giờ lên xuống thì doanh nghiệp không ai biết được. Mình mua 20 tấn, mà chỉ mới bán được 10 tấn thôi, thì 10 tấn còn lại lũy kế đến thế cũng đủ lỗ chết rồi. Giờ mua trước bán sau hay bán trước mua sau đều phải rủi ro, khó nhận định vì không đoán được thị trường. Cho nên, đầu tư cà phê giờ tồn tại rất ít”.
Với mức giá dưới 30 triệu đồng/tấn như hiện nay, nông dân cà phê đang giảm thu nhập khoảng 25% so với niên vụ trước. Nếu tình hình không được cải thiện, niên vụ cà phê này, riêng nông dân trồng cà phê ở Đắc Lắc có thể bị giảm thu hơn 4.000 tỷ đồng và toàn vùng Tây Nguyên sẽ giảm thu khoảng 10.000 tỷ đồng.