Bài 1: Khai phá thị trường châu Phi

Giàu tài nguyên nhưng nền công nghiệp yếu kém, nhu cầu nhập khẩu cao, châu Phi chính là cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam khai phá.

Thị trường tiềm năng

Dẫn số liệu kim ngạch thương mại Việt Nam – châu Phi tăng từ 15,5 triệu USD năm 1991 lên 2,56 tỷ USD năm 2010, ông Lý Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á (Bộ Công Thương) khẳng định: “Sự gia tăng nhanh chóng của trao đổi thương mại với các nước châu Phi thể hiện tiềm năng trong thương mại cũng như sự năng động của doanh nghiệp hai bên. Với sức mua lớn và nhu cầu nhập khẩu cao, châu Phi là thị trường có nhiều tiềm năng để Việt Nam đẩy mạnh trao đổi thương mại”.

Tuy nhiên, nếu so với tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, xuất khẩu sang châu Phi mới chỉ chiếm khoảng 2% và con số này chưa tương xứng với tiềm năng của Việt Nam và châu Phi.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, các thị trường như châu Âu, Bắc Mỹ hiện đã bão hòa đối với một số sản phẩm, trong khi châu Phi đang trở thành một thị trường hứa hẹn.

Các nước trong khu vực châu Phi đang có nhu cầu nhập khẩu rất lớn các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là gạo và các loại lương thực, thực phẩm khác. Nhìn chung, yêu cầu về chất lượng, mẫu mã của thị trường châu Phi không đòi hỏi khắt khe như các thị trường khác trên thế giới. Ngược lại, châu Phi là thị trường cung cấp nhiều nguyên liệu sản xuất cho Việt Nam như: gỗ, bông, hạt điều thô, kim loại, vàng nguyên liệu…

Châu Phi đang có nhu cầu nhập khẩu rất lớn gạo và các loại lương thực, thực phẩm khác

Hiện, gạo vẫn là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vào châu Phi (chiếm 30% kim ngạch xuất khẩu vào thị trường này) và dự báo trong khoảng 5 năm tới vẫn là mặt hàng xuất khẩu số một của ta do nhu cầu của châu Phi về gạo cao trong khi nguồn cung hạn chế.

Mặt hàng xuất khẩu quan trọng thứ hai của Việt Nam sang châu Phi là dệt may, chiếm 14% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này. Hàng dệt may Việt Nam xuất khẩu chủ yếu sang các nước Nam Phi, Angola, Nigeria, Ethiopia, Benin, Madagasca… Trong khi đó, các nước nhập khẩu lớn mặt hàng này như Moroco, Tunisia, Ai Cập thì ta xuất còn khiêm tốn.

Thực tế Việt Nam chưa khai thác hết các mặt hàng châu Phi có nhu cầu lớn như đồ điện, điện tử, đồ gia dụng, hàng tiêu dùng, thực phẩm, thực phẩm chế biến, đồ hộp, sản phẩm cơ khí nông nghiệp, sản phẩm nhựa, xe máy, xe đạp và phụ tùng, đồ chơi trẻ em, dược phẩm, thuốc chống sốt rét, màn chống muỗi... Đây là những mặt hàng ta có thế mạnh và hoàn toàn có khả năng xuất khẩu sang khu vực này.

Tuy nhiên, theo Đại sứ Việt Nam tại Ai Cập Phạm Sỹ Tam, việc tiếp cận thông tin hiện nay là trở ngại lớn nhất đối với các doanh nghiệp Việt Nam và châu Phi do vị trí địa lý xa xôi.

Vì vậy, Đại sứ cho rằng, việc tổ chức các cuộc hội thảo hợp tác, diễn đàn kinh tế sẽ là dịp để thúc đẩy hơn nữa quan hệ trực tiếp giữa các doanh nghiệp Việt Nam và châu Phi, cũng như cung cấp thông tin cho cả hai phía môi trường đầu tư và kinh doanh, hợp tác kinh tế và kỹ thuật, thủ tục hải quan, bảo vệ sở hữu trí tuệ và thủ tục mở văn phòng đại diện tại Việt Nam và ở châu Phi.

Được biết, để tăng cường hợp tác kinh tế thương mại với Châu Phi, Bộ Công Thương đã phê duyệt Đề án "Phát huy khả năng của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu tổng hợp trong việc đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Châu Phi".

Nhà nước cũng đang có những chủ trương, quyết sách mới để thúc đẩy hơn nữa hợp tác Việt Nam- châu Phi thông qua Chương trình hành động quốc gia 2011- 2015 và tầm nhìn đến năm 2020, theo đó nhiều công cụ pháp lý, tài chính, khuyến khích đầu tư sang châu Phi sẽ được ban hành.

Dự kiến thời gian tới, kim ngạch thương mại Việt Nam - châu Phi có thể đạt 4 - 5 tỉ USD.

Cơ hội hợp tác lớn

Theo ông Lý Quốc Hùng: “Giàu tài nguyên nhưng nền công nghiệp yếu kém, châu Phi chính là cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam khai phá”.

Châu Phi nổi tiếng về nhiều tài nguyên quan trọng và phong phú: chiếm 9,5% trữ lượng dầu, 8,2% trữ lượng khí đốt, 90% trữ lượng cô-ban, 90% platin, 50% vàng, 98% crôm, 64% măng-gan, 33% uranium của thế giới.

Tuy nhiên, trừ dầu mỏ, khí đốt, khoáng sản tương đối phát triển ở một số nước, các ngành công nghiệp còn lại không đáp ứng được nhu cầu của châu lục, thiếu sức cạnh tranh quốc tế. Tỷ trọng bình quân sản lượng công nghiệp trong GDP của châu Phi mới đạt 25%.

Theo phân tích của ông Hùng, chính sách mở cửa từ những năm 1990, các sản phẩm công nghiệp nước ngoài đã giết chết hoặc làm tê liệt nhiều xí nghiệp trong nước, đã đẩy nền công nghiệp châu Phi non trẻ trở về trạng thái tụt hậu, cạnh tranh kém. Bởi vậy, các nước châu Phi coi công nghiệp hóa,
hiện đại hóa đất nước là nhiệm vụ hàng đầu và giải pháp duy nhất có thể đem lại hòa bình, ổn định, phát triển. Theo mục tiêu đề ra đến năm 2030, châu Phi nâng tỷ trọng công nghiệp trong tổng GDP lên 50%.

Hợp tác công nghiệp với châu Phi không chỉ góp phần đẩy mạnh chuyển dịch công nghệ ra nước ngoài mà còn góp phần thu hút nguyên nhiên liệu từ châu Phi phục vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Đầu tư tại chỗ để tận dụng nguồn nguyên liệu, lao động địa phương và hưởng các ưu đãi về thuế và phi thuế quan là các hướng doanh nghiệp có thể cân nhắc.

Tính đến nay, thăm dò và khai thác dầu khí luôn khẳng định vị trí số một trong hợp tác công nghiệp Việt Nam- châu Phi. Bên cạnh 6 dự án đã có với các nước châu Phi, PetroVietnam đang tiếp tục mở rộng địa bàn hoạt động tại châu Phi.

Châu Phi rất giàu khoáng sản, nhiều loại có trữ lượng đứng đầu thế giới như bạch kim, crôm, mangan và cô ban. Việt Nam có thể phát triển liên doanh với các nước châu Phi thăm dò, khai thác khoáng sản.

Dệt may, giày dép... nhiều cơ hội vào châu Phi

Nhiều nước châu Phi có nguồn nguyên liệu da dồi dào trong khi khả năng sản xuất hạn chế. Ngành da giày Việt Nam có thể phát huy những lợi thế về thiết bị, kỹ thuật và thông qua các liên doanh để sản xuất và tiêu thụ tại châu Phi.

Việt Nam có thể phát triển liên doanh với các nước châu Phi để khai thác, sản xuất các sản phẩm gỗ tiêu thụ tại chỗ hoặc xuất khẩu.

Châu Phi cũng rất tiềm năng về hoá chất và phân bón. Ngoài những dự án đã được triển khai tại Ai Cập, Morocco, Việt Nam có thể mở rộng hợp tác khai khác và sản xuất phốtphát tại Algeria, hoá chất với Nigeria, Lybia, Algeria, Ai Cập, Nam Phi, Angola…

Sự thiếu vắng trên thị trường những mặt hàng vật liệu xây dựng, các loại máy sản xuất nông nghiệp cầm tay, đồ gỗ dân dụng hoặc các thiết bị điện tử dân dụng, xe máy, xe đạp... có thể là những gợi ý cho các doanh nghiệp lập các cơ sở sản xuất tại chỗ, hoặc thiết lập hệ thống phân phối sản phẩm ở châu Phi.

Các doanh nghiệp cũng có thể nghiên cứu khả năng triển khai các dự án liên danh hoặc thuê đất lập trang trại trồng lúa, cây công nghiệp, cây ăn quả mang lại hiệu quả kinh tế cao... Bên cạnh đó, ngành đánh bắt, nuôi trồng, chế biến hải sản của những nước nằm dọc vùng biển Bắc, Đông, Tây, Nam Phi là những lĩnh vực hiện nay Việt Nam có nhiều lợi thế.

Tuy châu Phi là thị trường tiềm năng và cơ hội lớn cho Doanh nghiệp Việt Nam là vậy, nhưng phần lớn các quốc gia tại châu lục này còn nằm trong nhóm các nước chậm phát triển, luật lệ cùng với cơ chế và chính sách kinh doanh còn đang trong quá trình tiếp tục được hình thành, không ít nội dung có quy định phức tạp, hệ thống cơ sở hạ tầng lạc hậu, hệ thống ngân hàng chưa phát triển, thông tin liên lạc còn hạn chế... nên nảy sinh một số khó khăn nhất định. Các doanh nghiệp Việt Nam nói chung còn e ngại khi giao dịch, mở rộng hợp tác kinh doanh với các đối tác và xâm nhập thị trường này.

Ngoài ra, theo ông Lý Quốc Hùng: “Với sức mua lớn và nhu cầu cao, châu Phi là thị trường có nhiều tiềm năng song cũng ẩn chứa nhiều rủi ro”…/.

Bài 2: Giảm thiểu rủi ro trong quan hệ thương mại với châu Phi

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên