Tìm giải pháp phát triển nông nghiệp công nghệ cao:

Bài 4: Doanh nghiệp phải là nòng cốt, thị trường là mục tiêu

VOV.VN - Nhu cầu, đòi hỏi về chất lượng hàng hóa, giải pháp phân phối hợp lý là quyền bất khả xâm phạm của thị trường mà người làm NNCNC phải đáp ứng.

Làm nông nghiệp công nghệ cao về bản chất là hoạt động sản xuất và tiêu thụ nông sản có chất lượng, đáp ứng nhu cầu của thị trường và mang lại lợi ích cho các bên tham gia vào hoạt động này. Cho nên, để phát triển sản xuất theo phương thức này thì các bên liên quan phải nhận thức đúng, xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mình và có giải pháp thúc đẩy bản thân và các bên còn lại cùng hành động đúng.

Làm nông nghiệp công nghệ cao đáp ứng nhu cầu của thị trường. 

Quá trình khảo sát thực tế tại nhiều mô hình làm nông nghiệp công nghệ cao và tham vấn chuyên gia, chúng tôi nhận thấy, có “4 nhà” giữ vai trò các bên liên quan (nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà nông và nhà khoa học), nhà nào cũng quan trọng, nhưng nhà doanh nghiệp phải đóng vai trò nòng cốt xuyên suốt quá trình tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Doanh nghiệp tiên phong và là nòng cốt

Từ thực tế làm nông nghiệp công nghệ cao thành công, Tiến sĩ Phạm S, chuyên gia nông nghiệp và là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, chia sẻ kinh nghiệm: Tỉnh  đã xác định rõ phát triển nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) là do doanh nghiệp, các hợp tác xã, tổ hợp tác, các hộ nông dân thực hiện. Nhà nước chỉ hỗ trợ nếu họ gặp khó về vốn, tiêu thụ sản phẩm, quy hoạch, định hướng sản xuất, giống cây trồng... Trong đó, doanh nghiệp là đội ngũ tiên phong làm NNCNC.

Tiến sĩ Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, đồng thời cũng là chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp

Đặc biệt, “làm NNCNC phải thực hiện nguyên tắc “4 lấy”: Lấy doanh nghiệp làm nòng cốt, lấy nông dân làm chủ thể, lấy khoa học công nghệ làm then chốt, lấy liên kết sản xuất để phát triển bền vững. Tùy theo mỗi giai đoạn thì thực hiện 4 lấy này với những yêu cầu khác nhau và ngày càng cao hơn.”- TS. Phạm S nhấn mạnh.

Chúng tôi thấy rằng, việc xác định doanh nghiệp là nòng cốt trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh Lâm Đồng là một đúc kết từ thực tiễn đẫm mồ hôi nhiều năm qua tại tỉnh này. Các doanh nghiệp đóng vai trò là đội ngũ tiên phong, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI có vốn đầu tư lớn đã áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, hệ thống quản lý khoa học và xây dựng thương hiệu gắn với thị trường tiêu thụ.

“Chính doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng góp phần giúp nông dân tiếp cận tốt với các công nghệ và ứng dụng vào sản xuất; doanh nghiệp định hướng thị trường và liên kết với nông dân để mở rộng quy mô sản xuất, xây dựng vùng nguyên liệu và phát triển thương hiệu sản phẩm.”- TS. Phạm S khẳng định.

Tuyển chọn và đóng gói hoa tại Công ty Dalat Hasfarm trước khi bán ra thị trường.

Chính nhờ sự đi tiên phong và nòng cốt ấy mà hiện nay, đã có nhiều doanh nghiệp làm nông nghiệp công nghệ cao thành công và đang góp sức làm nổi danh Đà Lạt, Lâm Đồng như Công ty TNHH Dalat Hasfarm (doanh nghiệp FDI), Công ty TNHH Sinh học sạch Biofresh Farm, Công ty TNHH trang trại Lang Biang, Cầu Đất Farm, Công ty cổ phần CNSH Rừng hoa Đà Lạt, Công ty TNHH Hoa Mặt Trời....

"Để phát triển nông nghiệp thông minh, nông nghiệp công nghệ cao thì phải phát huy hiệu quả của các nhà nông nghiệp, doanh nghiệp, nhà quản lý, nhà khoa học…”- Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ.

Hay như mô hình tập trung đất đai phục vụ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Hà Nam và Thái Bình cũng cho thấy, nếu không có doanh nghiệp đầu tư vào thì chắc hẳn chuyện tập trung đất đai chưa xảy ra như thế. Trong câu chuyện tích tụ ruộng đất ấy, luôn có vai trò doanh nghiệp đi cùng mọi hoạt động.

Cùng với lực lượng doanh nghiệp, các trang trại tư nhân, hộ nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã cũng có vai trò rất lớn trong việc thúc đẩy, duy trì và phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Bởi vì, đơn cử như tại Lâm Đồng thì diện tích sản xuất và nguồn vốn chủ lực để phát triển NNCNC chủ yếu ở nông hộ (86,2% diện tích và 64,5% tổng nguồn vốn).

Tất nhiên, các trang trại tư nhân và nông hộ làm NNCNC không thể đơn thương độc mã phát triển mà họ lớn mạnh thông qua liên kết với các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất gắn với thị trường. Điều này được minh chứng rõ ở những mô hình mà chúng tôi đã đề cập, như HTX Anh Đào (tại TP. Đà Lạt, Lâm Đồng), HTX Sản xuất và kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Thanh Tân (tại Kiến Xương, Thái Bình), Công ty cổ phần An Phú Hưng (tại Hà Nam)...

Và, một điểm quan trọng khác khiến NNCNC rất cần doanh nghiệp làm nòng cốt bởi suất đầu tư làm NNCNC rất lớn, không có doanh nghiệp đầu tư thì không thể có mô hình sản xuất quy mô lớn, tập trung. 

“Đẹp lòng” thị trường phải là mục tiêu tối thượng

Và dù gỡ được các nút thắt như chúng tôi đã phân tích để có được lực lượng doanh nghiệp mạnh, đội ngũ nhân lực giàu chất lượng, tập trung được quỹ đất dồi dào... thì cũng chưa đủ để hướng đến gặt hái thành công nếu như không giải quyết tốt đầu ra cho sản phẩm.

GS.TS Nguyễn Văn Bộ, nguyên Viện trưởng Viện Nông nghiệp Việt Nam.
Chúng tôi đồng tình với quan điểm của Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Bộ, nguyên Viện trưởng Viện Nông nghiệp Việt Nam, cho rằng “khi làm nông nghiệp công nghệ cao, chúng ta cần xác định 3 điều, đó là sản xuất ngành hàng gì, thị trường tiêu thụ, có đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế hay không?”. Cả 3 yếu tố này, bản chất đều xuất phát từ thị trường. Bởi theo quy luật của thị trường thì làm ra hàng hóa gì, bán ở đâu và chất lượng hàng hóa thế nào đều do thị trường chi phối.

Với nền nông nghiệp Việt Nam, lâu nay, lẽ ra trước khi “nuôi con gì, trồng cây gì” thì người nông dân phải "hỏi" thị trường đang và sẽ cần loại sản phẩm gì, chất lượng và mẫu mã sản phẩm ra sao. Nhưng trái lại, nhiều người lao vào nuôi trồng cảm tính, theo sở thích, thói quen và đơn giản là thấy người ta làm mình cũng làm; và cứ làm ra sản phẩm đã rồi tính sau... Cách làm tù mù trông vào may rủi rất truyền thống, rất “tự nhiên chủ nghĩa” mà thiếu định hướng bài bản ấy, vì thế không ít những mùa vụ đẫm mồ hôi nhưng người nông dân thu về thành quả là sự đẫm nước mắt và đắng cay vì “được mùa thì mất giá” hay “được giá thì mất mùa”.

Bài học xương máu đó chính là cái giá phải trả cho một nền sản xuất còn chưa có thái độ nghiêm túc trong việc phải hiểu thị trường, coi trọng “thượng đế”.

Tại Diễn đàn Nông dân Việt Nam lần thứ 2 được tổ chức mới đây, nông dân Nguyễn Văn Đoàn (ở tỉnh Lâm Đồng, là 1 trong những Nông dân Việt Nam xuất sắc 2017, nhiều năm nay đã liên kết, hợp tác với 1.000 hộ nông dân để trồng củ cải, cà rốt trên diện tích vài ngàn héc-ta và cho hiệu quả kinh tế cao) đặt câu hỏi đầy trăn trở: “Câu chuyện thị trường luôn là vấn đề nông dân quan tâm. Vậy tôi muốn hỏi làm thế nào để sản phẩm nông sản được đầu tư công nghệ cao được bán với đúng giá trị của nó và không bị tình trạng được mùa mất giá, phải đổ đi cho bò ăn?”

Ông Nguyễn Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp nông thôn, Ban Kinh tế Trung ương.
Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp nông thôn (Ban Kinh tế Trung ương) cho rằng, để giải quyết vấn đề này, phải thực hiện từ nhiều phía. Bà con nông dân phải thay đổi cách tiếp cận, thay đổi cách làm. Bắt đầu từ đơn đặt hàng, sản xuất theo quy luật cung - cầu của thị trường; rồi phải tìm được đối tác, sản xuất những sản phẩm đặc sản của riêng mình. Hơn nữa, phải thông qua các liên kết sản xuất như HTX, doanh nghiệp. Từ đó mà tạo ra chuỗi giá trị bền vững, hiệu quả. 

Cùng với đó, theo ông Tiến, bà con phải sản xuất được những sản phẩm đảm bảo chất lượng và đẩy mạnh hoạt động thương mại, tiếp thị sản phẩm tới thị trường...

Tiến sĩ Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, cho biết: “Kinh nghiệm của Lâm Đồng là đã xác định thị trường tiêu thụ rất quan trọng nên chủ động hợp tác với nhiều tỉnh, thành phố khác và với các doanh nghiệp FDI để tìm đầu ra cho sản phẩm. Chính quyền tỉnh thường xuyên đi tham khảo, nghiên cứu các nước bạn và xem xét dự báo chất lượng khi tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Theo đó, tỉnh Lâm Đồng định hướng đầu tư sản xuất rất rõ ràng. Nhờ đó, nông sản được tiêu thụ tốt.”

Ông Dương Thái Trung, Trưởng phòng Thị trường trong nước, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cũng cho rằng, "hầu hết các mặt hàng nông sản bị chi phối bởi cung - cầu. Do đó, chúng ta phải kiên quyết sản xuất theo nhu cầu thị trường, các doanh nghiệp và hợp tác xã phải làm hạt nhân; phát triển chuỗi liên kết sản xuất tiêu dùng".

Như vậy, phía Nhà nước phải có trách nhiệm định hướng được thị trường, sản phẩm, cung cấp thông tin về thị trường để sản phẩm sản xuất theo đúng nhu cầu của thị trường. Trong môi trường toàn cầu, nền kinh tế hội nhập thì Nhà nước cũng cần chủ động tìm kiếm đối tác và ký kết hợp tác phát triển nông sản với các nước trên thế giới. Nhà nước cần thể hiện vai trò trong các chính sách hỗ trợ chuỗi sản xuất, xây dựng các liên kết chuỗi để tạo điều kiện kết nối, tạo ra thị trường tiêu thụ sản phẩm rộng hơn, hỗ trợ bà con trong sản xuất.

Cà chua trồng theo công nghệ cao tại nông trại Lang Biang Farm, Đà Lạt

Không những thế, việc đảm bảo chất lượng sản phẩm để luôn làm “đẹp lòng thượng đế” cũng là yếu tố rất quan trọng. Bà Nguyễn Thu Đang, Giám đốc Công ty cổ phần An Phú Hưng quả quyết: “Tiềm năng nhu cầu thị trường về sản phẩm sạch là rất lớn để đảm bảo sức khỏe con người. Hàng nội không sợ hàng ngoại lấn át, nếu như hàng thật sự tốt. Còn nếu hàng không tốt, không đảm bảo chất lượng thì chắc chắn mất thương hiệu và sẽ bị hàng ngoại đánh “chết”.

Cả bà Đang và ông Nguyễn Công Thừa, Giám đốc HTX Anh Đào cùng kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước cần có tiêu chuẩn cụ thể về chất lượng sản phẩm NNCNC và kiểm soát chặt đầu ra sản phẩm. Vì hiện trên thị trường không minh bạch được nên có tình trạng hàng nhái sản phẩm NNCNC, thậm chí khách hàng đặt hàng để lấy cớ rồi trà trộn với hàng khác vào để “neo danh” sản phẩm NNCNC...

An toàn thực phẩm là yếu tố quan trọng hàng đầu trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (Trong ảnh: Sản phẩm dâu tây của Biofresh Farm tại Đà Lạt)

Rõ ràng, hoạt động sản xuất NNCNC gắn liền với nhu cầu và đòi hỏi khắt khe của thị trường chính là cách tốt nhất để "4 nhà" cùng nhau tạo nên cái “vòng tuần hoàn sinh kế bền vững” có điểm đầu là sự hiểu biết và tỉnh táo của người sản xuất và điểm cuối là gặt hái lợi ích chính đáng. Và dù sản xuất bằng công nghệ gì thì “sản phẩm làm ra phải tốt cho sức khỏe của con người cả về thể chất và tinh thần”, như anh Nghiêm Văn Minh, chủ trang trại Biofresh Farm tâm niệm./.

Cùng loạt bài: Tìm giải pháp phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Bài 1: Nhiều lợi ích, nhưng đầy chông gai

Bài 2: Tránh bệnh phong trào

Bài 3: Phải chữa bệnh “đói” vốn, “khát” đất và “thèm” nhân lực 

Bài 4: Doanh nghiệp phải là nòng cốt, thị trường là mục tiêu

Bài cuối: Cần “4 nhà” cùng dấn thân 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Bài 1: Nhiều lợi ích, nhưng đầy chông gai
Bài 1: Nhiều lợi ích, nhưng đầy chông gai

VOV.VN - Qua thực tiễn tại tỉnh Lâm Đồng, làm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao không chỉ thấy siêu năng suất và lợi nhuận, mà đầy chông gai phía trước.

Bài 1: Nhiều lợi ích, nhưng đầy chông gai

Bài 1: Nhiều lợi ích, nhưng đầy chông gai

VOV.VN - Qua thực tiễn tại tỉnh Lâm Đồng, làm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao không chỉ thấy siêu năng suất và lợi nhuận, mà đầy chông gai phía trước.

Bài 3: Phải chữa bệnh “đói” vốn, “khát” đất và “thèm” nhân lực
Bài 3: Phải chữa bệnh “đói” vốn, “khát” đất và “thèm” nhân lực

VOV.VN - Làm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vẫn đang đối mặt nhiều khó khăn về vốn đầu tư, quỹ đất, nhân lực...

Bài 3: Phải chữa bệnh “đói” vốn, “khát” đất và “thèm” nhân lực

Bài 3: Phải chữa bệnh “đói” vốn, “khát” đất và “thèm” nhân lực

VOV.VN - Làm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vẫn đang đối mặt nhiều khó khăn về vốn đầu tư, quỹ đất, nhân lực...

Bài 2: Tránh bệnh phong trào
Bài 2: Tránh bệnh phong trào

VOV.VN - Làm nông nghiệp công nghệ cao là xu thế, giàu tiềm năng, nhưng giới chuyên gia và người trong cuộc cảnh báo: “chớ chạy theo phong trào”.

Bài 2: Tránh bệnh phong trào

Bài 2: Tránh bệnh phong trào

VOV.VN - Làm nông nghiệp công nghệ cao là xu thế, giàu tiềm năng, nhưng giới chuyên gia và người trong cuộc cảnh báo: “chớ chạy theo phong trào”.