Bài học từ các vụ kiện của ngành thép

Trong bối cảnh nguồn cung thép dư thừa, nhiều nước tìm cách bảo vệ sản xuất trong nước, trong đó có việc chống bán phá giá

Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) vừa công bố quyết định chấm dứt việc điều tra chống trợ cấp đối với ống thép hàn các bon của Việt Nam. Việc thắng vụ kiện lần này sẽ mang lại những tác động tích cực, song cũng là bài học kinh nghiệm đối với  doanh nghiệp xuất khẩu thép Việt Nam, trong bối cảnh nguồn cung thép dư thừa, nhiều nước tìm cách bảo vệ sản xuất trong nước, trong đó có việc chống bán phá giá, biện pháp phi thuế quan…

Phóng viên VOV phỏng vấn ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó Chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam về vấn đề này:

**  Thưa ông, ông có thể cho biết thông tin cụ thể về diễn tiến vụ việc Mỹ điều tra chống trợ cấp đối với mặt hàng ống thép hàn các bon nhập khẩu từ Việt Nam?

Ông Nguyễn Tiến Nghi: Về vụ kiện của Mỹ với doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu ống thép tiêu chuẩn cacbon sang Mỹ, lúc đầu họ đưa ra 10 doanh nghiệp Việt Nam xuất sang Mỹ. Nội dung kiện có 2 điểm là bán phá giá và trợ cấp.

Sau khi biết thông tin kiện chính thức, chúng tôi họp tất cả các doanh nghiệp liên quan để thông báo và nhờ Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương); VCCI và luật sư. Vì đây là vấn đề mới với sản xuất ống thép Việt Nam và cũng là lần đầu tiên hiệp hội và doanh nghiệp thép bị kiện.

Sau một thời gian, Mỹ thông báo chính thức 2 doanh nghiệp là bị đơn bắt buộc là Công ty trách nhiệm hữu hạn thép SeAH Việt Nam và Công ty chế tạo máy Hồng Nguyên Hải Phòng, tức là điều tra chính thức. Sau đó 2 doanh nghiệp là bị đơn bắt buộc phải thuê luật sư, các số liệu thống kê của doanh nghiệp về kế toán hạch toán phải minh bạch và đầy đủ. Phía Mỹ đã sang tận nơi làm việc với doanh nghiệp, xem lại giấy tờ sổ sách, tập hợp tất cả ra kết luận sơ bộ và cuối cùng là ra kết luận chính thức. 

** Vì sao chúng ta thắng được vụ kiện này, thưa ông?

Ông Nguyễn Tiến Nghi: Đây là vụ việc đầu tiên ngành thép Việt Nam, xuất khẩu thép sang Mỹ bị kiện. Tôi nghĩ việc sản xuất thép Chính phủ không có trợ cấp, mà doanh nghiệp thép cũng bình đẳng như doanh nghiệp khác từ nguyên liệu phải nhập khẩu đến việc mua điện sản xuất ngành khác như thế nào thì thép cũng mua với giá như vậy, không có trợ cấp.

Giá sản xuất và giá bán ra, Việt Nam bán rẻ hơn vì giá lao động của Việt Nam thấp hơn chứ không có việc chấp nhận chịu lỗ để bán.

Thứ ba là sổ sách minh bạch, nghiêm minh, đây là yếu tố rất quan trọng, với Mỹ họ rất coi trọng yếu tố này.

** Việc Mỹ chấm dứt việc điều tra chống trợ cấp đối với ống thép hàn các bon của Việt Nam sẽ có tác động như thế nào?

Ông Nguyễn Tiến Nghi: Các chuyên gia nói nếu bị kiện mà chúng ta thắng kiện thì sẽ tốt, hàng của ta xuất đi nước nào cũng được vì đây là nước khó nhập và gay gắt nhất. Hiện theo thông báo của Cục cạnh tranh, Bộ Thương mại Mỹ chính thức thông báo Việt Nam xuất khẩu ống thép sang Mỹ không có hiện tượng nhà nước trợ giá và hiện tượng phá giá. Theo đúng nguyên tắc thì thuế là 0%. Thực tế thì vẫn có vấn đề đang cần xem lại là hiện họ vẫn đánh thuế trên 4% với doanh nghiệp bị đơn bắt buộc, bị đơn tự nguyện. Còn các doanh nghiệp khác bị đánh thuế cao, lên đến 27%.

Hiện các luật sư bảo vệ cho doanh nghiệp bị đơn bắt buộc đang hỏi lại Bộ Thương mại Mỹ là tại sao kết luận một đằng nhưng lúc xử lý thuế lại làm khác, xem có sự nhầm lẫn gì không nên chờ thời gian các luật sư làm việc với Bộ Thương mại Mỹ.

** Hiện ngành thép Việt Nam cũng đang phải đối mặt với một số vụ kiện hoặc những cảnh báo từ phía nước bạn. Ông có thể cho biết thông tin cụ thể và những bài học kinh nghiệm rút ra đối với doanh nghiệp Việt Nam để tránh những vụ kiện trong tương lai?

Ông Nguyễn Tiến Nghi: Gần đây Mỹ cảnh báo kiện ống thép tiêu chuẩn dẫn dầu. Doanh nghiệp làm ống thép này không nhiều, cũng mới xuất năm 2012 nên chúng tôi đã thông báo cho doanh nghiệp có sự chuẩn bị.

Một vụ nữa là Indonesia kiện tấm lá cán nguội xuất sang Indonesia, đối với sản phẩm này ở Việt Nam chỉ 1 công ty duy nhất xuất thôi nên họ nói sẽ tự giải quyết cùng Indonesia.

Ngoài ra hiện có 2 nước cảnh báo chủ yếu là tôn mạ kẽm, sơn phủ màu là lượng nhiều và bán giá thấp nên ảnh hưởng sản xuất trong nước, doanh nghiệp trong nước họ đệ đơn kiện.

Chủ trương là không muốn để họ kiện vì rất tốn kém, phải thuê luật sư vì thuê nước ngoài đắt mất vài trăm ngàn USD. Hiện chúng tôi đã thành lập tổ để bàn bạc và thống nhất lại một số nội dung, đồng thời thông tin trả lời cho đối tác bên ngoài là chúng tôi sẵn sàng hợp tác để thực hiện. Trước hết tìm cách rút để họ không kiện, họ chỉ dừng ở mức cảnh báo, chúng tôi đáp ứng cho họ theo yêu cầu.

Phía bạn lo lắng thứ nhất là xuất khẩu ào ạt, tăng đột biến hàng xuất khẩu, thì nay ta chỉ giữ mức ổn định; thứ hai bán phá giá, thấp hơn giá thành thì chúng ta không bán thấp hơn giá thành, tối thiểu bán ngang giá thành. Doanh nghiệp cũng cần rành mạch về sổ sách để khi họ vào kiểm tra có đầy đủ và minh bạch./.

** Xin cảm ơn ông!/.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên