Bài toán phát triển và cơ cấu lại thị trường vốn

Các DN đang rất khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn. Việc phân bố vốn như thế nào cho hiệu quả cũng là bài toán khiến các chuyên gia, DN đau đầu.

Trong tình hình kinh tế hiện nay, bài toán huy động vốn cho đầu tư phát triển; tìm kiếm giải pháp để Chính phủ, DN có thể tiếp cận các nguồn vốn trong và ngoài nước một cách thuận lợi, hiệu quả; phân bổ các nguồn vốn này vào những ngành kinh tế nào… đang được đặt ra một cách ráo riết.

Khó khăn vẫn đang ở phía trước

TS Vũ Nhữ Thăng, Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách tài chính (NIF) - Bộ Tài chính cho biết: Giai đoạn 2006-2010, mặc dù chịu tác động lớn của khủng hoảng kinh tế, nhưng Việt Nam vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khoảng 6,8-7%/năm. Đi liền với đó, các nguồn vốn trong và ngoài nước cũng được khơi thông để đầu tư, phát triển kinh tế với tổng mức đầu tư toàn xã hội đạt khoảng 43% GDP. Nhờ vậy, nền kinh tế - xã hội, các chính sách đầu tư phát triển, an sinh xã hội đã đạt được những kết quả khả quan.

Doanh nghiệp khó khăn trong tiếp cận vốn (ảnh V.H)

Tuy nhiên, cũng theo TS Vũ Như Thăng, hiện tại nền kinh tế vẫn đang đứng trước nhiều thách thức như: Chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm; tỷ trọng công nghiệp - xây dựng trong GDP chỉ đạt khoảng 41%; thâm hụt thương mại tăng, chiếm khoảng 20% kim ngạch xuất khẩu. Đặc biệt, mô hình tăng trưởng kinh tế dựa vào vốn đã bộc lộ nhiều hạn chế khi tỷ lệ huy động vốn có xu hướng cao hơn tỷ lệ tiết kiệm của nền kinh tế; trong khi tỷ lệ động viên vào ngân sách ở mức cao thì bội chi vẫn còn lớn, chiếm tới 5,7% GDP; đầu tư nước ngoài có những dấu hiệu bất ổn, một số dự án lớn chậm triển khai; số lượng dự án vào các ngành công nghiệp, công nghệ cao chưa đạt như kỳ vọng; sức ép về tỷ gia tăng và lãi suất cao vẫn là gánh nặng đối với chi phí sản xuất của các DN. Cùng với đó, việc huy động vốn qua các kênh thị trường chứng khoán, phát hành trái phiếu, tiếp cận thị trường vốn quốc tế của hầu hết các DN Việt Nam đang gặp rất nhiều khó khăn.

Nhiều chuyên gia kinh tế quốc tế cũng có chung nhận định là mặc dù nền kinh tế Việt Nam đã đạt được mức độ phục hồi tương đối nhanh, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp; kiềm chế tốc độ làm phát ở mức thấp, nhưng, cái khó nhất hiện nay mà nền kinh tế đang phải đối mặt, đó là khả năng của các kênh huy động vốn cho đầu tư phát triển khi mà sự ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng vẫn chưa hết. Bên cạnh đó, các chỉ số như tăng trưởng doanh thu bán lẻ thấp; chính sách tiền tệ chưa rõ ràng, áp lực cung tiền tăng; thâm hụt thương mại cao, không bền vững, cũng là những trở ngại lớn đang thách thức các nhà quản lý khi hoạch định chính sách.

Trước thực tế này, TS Đặng Ngọc Tú (NIF) đề xuất, thời gian tới, để hỗ trợ phát triển thị trường vốn, đòi hỏi phải có những giải pháp đồng bộ về tài chính - tiền tệ. Về chính sách tiền tệ bao gồm: giảm lạm phát dự tính phù hợp với chế độ tỷ giá hối đoái; giảm lãi suất, để tăng cường vai trò thị trường mở trong việc cung tiền; ngăn chặn cạnh tranh lãi suất thiếu lành mạnh và áp dụng chế độ tỷ giá hối đoái linh hoạt. Đối với giải pháp tài khóa, cần cắt giảm thâm hụt ngân sách; mở rộng diện nộp thuế; cải cách hệ thống an sinh xã hội theo hướng khuyến khích sự tham gia của toàn dân; cắt giảm đầu tư xây dựng cơ bản bằng vốn NSNN và khuyến khích tư nhân tham gia thay thế. Ngoài ra, cần giám sát chặt chẽ hệ thống tài chính, theo dõi sát diễn biến của thị trường tài sản (thị trường chứng khoán, bất động sản), để tránh nguy cơ nổ bong bóng giá. Cũng cần chú ý đến các luồng vốn vào; đảm bảo hệ thống ngân hàng an toàn, bền vững; bình ổn giá những mặt hàng quan trọng, ngăn chặn tăng giá độc quyền; tiếp tục cải cách DNNN.

Riêng việc tiếp cận vốn trên thị trường quốc tế đối với nền kinh tế Việt Nam nói chung và các DN nói riêng, Giám đốc toàn cầu Bộ phận phát hành trái phiếu của Ngân hàng ANZ, ông ReuBen Tucker khuyến nghị, trước hết, Việt Nam cần xây dựng các biểu đồ lãi suất đặc trưng của thị trường vốn với đầy đủ các chức năng như: lãi suất trái phiếu USD của khối DN, khối ngân hàng, khối DNNN, trái phiếu Chính phủ (TPCP), hợp đồng hoán đổi lãi suất USD, lãi suất TPCP Mỹ, từ đó định hình các đường cong lãi suất, làm cơ sở để nhà đầu tư dễ dàng lựa chọn.

Cũng về lĩnh vực trên, Trưởng phòng Thị trường vốn, nợ (ANZ Việt Nam) Phùng Thị Thu Hương chia sẻ, để thị trường trái phiếu DN phát hành thành công, cần hình thành được thị trường TPCP với đầy đủ chức năng; thị trường thứ cấp đa dạng, năng động, thanh khoản cao; đa dạng hoá nhà đầu tư; thị trường phái sinh năng động; có sự đánh giá, hỗ trợ của các tổ chức xếp hạng tín dụng có uy tín. Đặc biệt, cần có quy định công bố thông tin minh bạch theo chuẩn mực quốc tế để nhà đầu tư yên tâm tài trợ vốn, cho vay và tin cậy về khả năng thanh toán nợ của bên đi vay.

Cơ cấu lại các luồng vốn

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), từ đầu năm đến ngày 20/10, cả nước đã có 861 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký 8,876 tỷ USD, bằng 70% so với cùng kỳ năm 2010. 

Số dự án đăng ký tăng vốn là 264 lượt dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký tăng thêm là 2,398 tỷ USD, bằng 138% so với cùng kỳ năm 2010.

Tính chung cả cấp mới và tăng vốn, trong 10 tháng năm 2011, các nhà đầu tư nước ngoài đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam 11,274 tỷ USD, bằng 78% so với cùng kỳ 2010.

 

 Việc thu hút được nhiều dự án hay nhiều tiền đã không phải là vấn đề cốt yếu nữa mà cần xem lại cơ cấu đầu tư

Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế cả trong nước và quốc tế thì thời điểm này việc thu hút được nhiều dự án hay nhiều tiền đã không phải là vấn đề cốt yếu nữa mà đã đến lúc nền kinh tế Việt Nam phải xem xét lại cơ cấu thu hút các nguồn vốn FDI và siết lại các điều kiện về chất lượng dự án, công nghệ sản xuất, tác động môi trường, sử dụng lao động.

GS.TS Hanjorg Herr thuộc Trường Đại học kinh tế và luật Berlin (Đức) cảnh báo, không phải mọi luồng vốn FDI đều là tích cực, thậm chí, một số luồng FDI còn góp phần tạo nên bong bóng thị trường bất động sản và làm nền kinh tế mất ổn định, điển hình là cuộc khủng hoảng kinh tế châu Á năm 1997 do luồng vốn đầu tư vào bất động sản gây nên. Bởi vậy, đối với lĩnh vực bất động sản, không nên mở rộng hay thu hút quá nhiều vốn FDI.

Đồng tình với khuyến nghị này, TS Nguyễn Đình Cung - Phó viện trưởng CIEM cho rằng, trong thời gian tới, cần có các cơ chế, chính sách lựa chọn, sàng lọc, giám sát chặt chẽ các nguồn vốn FDI vào Việt Nam, trong đó, đặc biệt chú trọng đến vốn FDI vào bất động sản. Nhưng ông Cung cũng lưu ý, nếu sự can thiệp bằng chính sách không khéo sẽ vi phạm nguyên tắc và các cam kết WTO, vì vậy, cơ quan quản lý cần nghiên cứu kỹ, tạo ra các rào cản kỹ thuật phù hợp, để vừa chọn lọc được luồng vốn, vừa có được những dự án tốt mà vẫn đảm bảo các nguyên tắc, cam kết quốc tế.

Trên cơ sở phân tích, đánh giá những tác động kinh tế đa chiều, GS.TS Hanjorg Herr cho rằng, Việt Nam nên có chiến lược phát triển kinh tế đối ngoại dựa trên một số trụ cột: Một là, nên giảm giá VND với mục tiêu sử dụng tỷ giá hối đoái như là công cụ bảo hộ toàn cầu đối với công nghiệp trong nước, làm cân bằng cán cân vãng lai, tạo thuận lợi, kích thích phát triển trong nước. Hai là, cần có sự chọn lọc thu hút FDI, nhằm khuyến khích FDI mang tính tích cực và ngăn chặn những luồng vốn FDI tiêu cực. Bởi thực tế, những luồng vốn này không những không có tác dụng hỗ trợ phát triển mà ngược lại có thể gây nguy hiểm khi chủ đầu tư đột ngột rút vốn hoặc ngưng dự án. Thứ ba, cần xây dựng chính sách công nghiệp mang tính chủ động, theo đó cần nâng cao chuỗi giá trị gia tăng của các mặt hàng xuất khẩu đang có tỷ lệ sơ chế cao, đồng thời giảm nhập khẩu những hàng hoá tiêu dùng thông qua các chính sách tỷ giá hối đoái và chính sách thuế nhập khẩu; đặc biệt, cần gắn kết yếu tố FDI trực tiếp vào các chiến lược phát triển công nghiệp dài hơi, có định hướng. Thứ tư là, Việt Nam nên thành lập Hội đồng kinh tế ở cấp TW để làm chức năng hoạch định hướng đi cho chính sách công nghiệp nhất quán, dài hơi, giám sát sự phát triển và nhanh chóng sửa chữa những sai sót khi cần thiết./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên