Băn khoăn lớn nhất khi vào TPP là gì?
VOV.VN - Chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan cho rằng, vào TPP, vấn đề đáng lo nhất là Nhà nước chứ không phải doanh nghiệp.
“Tôi đã nói nhiều lần là vào TPP, tôi lo nhất là Nhà nước chứ không phải là doanh nghiệp. Sự bình đẳng trong thương mại quốc tế là không có, nên các nước nhỏ phải biết lên tiếng để tự bảo vệ mình, đòi quyền lợi cho mình,” chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đã phát biểu như vậy tại buổi tọa đàm về cơ hội, thách thức và nhu cầu hỗ trợ của doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình thực thi Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) diễn ra mới đây tại Hà Nội.
TS. Phạm Chi Lan tỏ ra lo lắng về quy mô của doanh nghiệp Việt khi hầu hết hiện đang ở mức nhỏ và siêu nhỏ. Chỉ chưa đến 4% doanh nghiệp có quy mô vừa và lớn. Vì quy mô nhỏ lẻ nên năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước còn hạn chế, tỷ lệ xuất khẩu trong tổng kim ngạch chỉ hơn 16%.
Chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan |
Bà Lan cho rằng, liên kết giữa các doanh nghiệp với nhau rất hạn chế, trong khi năng lực của các hiệp hội chưa phát huy được. Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng, đó chưa phải là vấn đề đáng lo ngại, mà vấn đề đáng lo lớn nhất chính là Nhà nước.
Bà Lan lo ngại TPP cũng sẽ giống như một phong trào, rồi tất cả sẽ lụi đi rất nhanh. Trong khi đó, TPP chưa thực hiện nhưng sức ép cạnh tranh đã tăng lên rõ rệt.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng chỉ ra nhiều vấn đề về luật pháp và chính sách còn nhiều hạn chế, thiếu tình minh bạch và dự báo, tạo gánh nặng cho doanh nghiệp. Bà nhấn mạnh, nhiều loại thuế, phí đè nặng, chiếm tới 40% tổng lợi nhuận; các loại quỹ; chi phí thời gian, tham nhũng… khiến chi phí kinh doanh của doanh nghiệp luôn ở mức cao.
Ngay với cả cộng đồng khởi nghiệp, là những doanh nghiệp cần hỗ trợ của Nhà nước nhiều nhất thì cũng khó có được những cơ chế khuyến khích cộng đồng này. Hiện nay, Nhà nước đang kêu gọi khởi nghiệp, đưa ra chính sách nhưng việc thực thi kém có thể khiến cho chính sách thúc đẩy cộng đồng khởi nghiệp chỉ mang tính phong trào, bà Lan cho hay.
Doanh nghiệp cần gì từ Nhà nước?
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, việc hỗ trợ chính sách cho doanh nghiệp là rất cần thiết. Bà Lan cho rằng, cần phải giúp doanh nghiệp tiếp cận thông tin, các nghiên cứu đánh giá dự báo về thị trường, sản phẩm, ngành hàng...
Ngoài ra, cũng cần thay đổi về các quy định pháp luật để tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp Việt đứng vững trên sân nhà và vươn ra thị trường quốc tế.
Chia sẻ quan điểm với TS. Phạm Chi Lan, bà Nguyễn Thị Thu Trang – Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) tỏ ra băn khoăn về vấn đề từ phía Nhà nước như cải cách hành chính và tạo môi trường thông thoáng, minh bạch trong kinh doanh...
Bà Trang băn khoăn về môi trường cạnh tranh công bằng tại Việt Nam, và cho rằng vẫn có những ưu tiên trong chính sách hay trên thực tế cho những doanh nghiệp Nhà nước hay thậm chí là các doanh nghiệp FDI hơn là các doanh nghiệp tư nhân trong nước.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang – Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) |
Bà Trang lo ngại, sự hứng khởi sẽ qua mau, tương tự như sự hứng khởi một cách thái quá thời WTO, và sau đó doanh nghiệp mới nhận thấy, những kỳ vọng dành cho WTO đã vượt quá xa so với thực tế những gì chúng ta đã tận dụng được từ hiệp định này.
Ngoài ra, theo bà Trang, cần phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo đội ngũ quản trị chuyên nghiệp, nâng cao năng lực liên kết, phát triển các kênh đào tạo chuyên sâu cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, nâng cao hỗ trợ năng lực doanh nghiệp trong vận động chính sách.
Đi thẳng vào vấn đề, bà Trang nêu rõ, cần một sự cởi mở trong việc xây dựng chính sách của Nhà nước để chính sách minh bạch và chia sẻ hơn với doanh nghiệp, đồng thời cần một sự thực phối hợp và hướng dẫn cụ thể về chính sách pháp luật cho doanh nghiệp biết để thực thi./.