Báo Anh: Việt Nam đối mặt rủi ro giảm phát
VOV.VN - Thời báo tài chính Anh (Financial Times) nhận định, Việt Nam đã bắt đầu có những dấu hiệu cho thấy rủi ro giảm phát.
Theo Financial Times, nguy cơ giảm phát mà Việt Nam đang phải đối mặt cũng chính là những thách thức lớn ở các quốc gia khác như Nhật Bản và Anh.
Tờ báo này ghi nhận lần đầu tiên kể từ khi thu thập số liệu, tăng trưởng giá cả tại Việt Nam vô cùng thấp. Chính vì thế mà Financial Times đã đưa Việt Nam vào nhóm các quốc gia đang mấp mé bờ vực giảm phát.
Kiểm soát lạm phát thành công
Chỉ số giá tiêu dùng tại Việt Nam, trước đây đã từng ở mức rất cao, nhưng hiện chỉ tăng 0,8% trong tháng 9, thấp hơn so với dự đoán và thấp nhất trong gần 10 năm qua.
Financial Times nhận định, Việt Nam đã bắt đầu có những dấu hiệu cho thấy rủi ro giảm phát. |
Financial Times nhận định, đây là một sự chuyển biến lớn của Việt Nam khi lạm phát tại đây đã từng đạt 774% vào năm 1988. Theo một nghiên cứu của Liên Hợp Quốc (UN), nếu cố định mức giá năm 1976 là 100 thì mức giá năm 1981 là 313, năm 1984 là 1.400 và năm 1985 là 2.390.
Cách đây 2 năm, giá các mặt hàng tại Việt Nam tăng với tốc độ 6%/năm và tỷ lệ này là 22%/năm cách đây 4 năm. Với những số liệu hiện tại, rõ ràng Việt Nam đã thành công trong việc kiểm soát tỷ lệ lạm phát.
Tuy nhiên, Financial Times trích lời ông Dominic Rossi, Giám đốc đầu tư của công ty Fidelity Worldwide Investment, cho biết, xu thế suy giảm nhu cầu tiêu dùng, giá hàng hóa đi xuống và chi phí sản xuất hạ thấp là một “làn sóng giảm phát thứ 3”.
CPI thấp: mừng ít, lo nhiều
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Việt Nam giảm 0,21% trong tháng 9. Tính chung cả 3 quý, CPI đang ở mức thấp nhất trong một thập kỷ qua, theo số liệu của Tổng cục Thống kê. Đây cũng là lần đầu tiên trong 10 năm, chỉ số CPI tăng ở mức âm.
Tính từ đầu năm, hiện lạm phát mới ở mức 0,4% - thấp nhất trong vòng một thập kỷ và cách xa giới hạn mà Quốc hội thông qua là 5%.
Sau khi Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ vào giữa tháng 8, Việt Nam phản ứng bằng cách nới rộng biên độ giao dịch của tiền đồng từ 1 lên 3% nhằm hỗ trợ xuất khẩu. Từ đó tới nay, tiền đồng Việt Nam đã giảm giá 3% xuống 22.486VND/USD.
Ông Nguyễn Bích Lâm - Tổng cục trưởng Tổng cục thống kê cho biết, yếu tố trên có thể nâng 0,7% CPI từ giờ tới cuối năm, và tái khẳng định mục tiêu lạm phát 5 – 8% là phù hợp cho tăng trưởng kinh tế.
Theo Tổng cục thống kê, lạm phát thấp không phải do tổng cầu giảm mà hoàn toàn do yếu tố chi phí đẩy giảm. Biến động của lạm phát chung phụ thuộc vào diễn biến giá các mặt hàng năng lượng, lương thực, thực phẩm, các mặt hàng Nhà nước quản lý chứ không xuất phát từ lạm phát cơ bản.
Theo Financial Times, lạm phát suy giảm tại Việt Nam chủ yếu là do giá dầu giảm. Trong 12 tháng qua, giá ngành vận tải đã giảm 13,1%, giá thực phẩm giảm 1,8% còn giá nguyên vật liệu xây dựng giảm 1,7%.
Đồng quan điểm, Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) cho rằng nguyên nhân chủ yếu do giá cả hàng hóa giảm, nhất là giá dầu và chi phí sản xuất kinh doanh đi xuống./.