Bảo đảm "4 cân bằng" để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô

VOV.VN - Một trong những giải pháp cụ thể để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng là phải bảo đảm "4 cân bằng": giữa lãi suất và tỉ giá; giữa tăng trưởng và lạm phát, giữa cung và cầu; giữa chính sách tiền tệ và tài khóa; giữa tình hình bên trong và bên ngoài.

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3 diễn ra chiều tối nay (3/4),  Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Người phát ngôn của Chính phủ nêu rõ: Tình hình kinh tế quý I/2023 đạt được những kết quả tích cực với nhiều điểm sáng.

Cụ thể, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định. GDP quý I tăng 3,32% trong điều kiện có rất nhiều khó khăn; 58/63 địa phương tăng trưởng dương, trong đó một số địa phương có mức tăng trưởng cao (Hậu Giang 12,67%; Bình Thuận 9,86%; Hải Phòng 9,65%; Khánh Hòa 9,07%; Cà Mau 9,05%).

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, lạm phát được kiểm soát; chỉ số giá tiêu dùng so với cùng kỳ có xu hướng giảm dần qua các tháng (CPI tháng 1 tăng 4,89%, tháng 2 tăng 4,31%, tháng 3 tăng 3,35% so với cùng kỳ, tính chung Quý I tăng 4,18%, thấp hơn mục tiêu Quốc hội đề ra là 4,5%).

Các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm. Thu đủ chi, thu NSNN quý I đạt 30,3% dự toán, tăng 1,3% so với cùng kỳ. Xuất đủ nhập, tính chung quý I xuất siêu 4,07 tỷ USD. Thị trường tiền tệ cơ bản ổn định trong điều kiện thế giới có nhiều biến động, lãi suất điều hành được điểu chỉnh giảm 2 lần trong quý I, góp phần làm cho mặt bằng lãi suất có chiều hướng giảm.

Giải ngân vốn đầu tư công tăng 11,6 nghìn tỷ đồng so với cùng kỳ. Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội quý I tăng 3,7% so với cùng kỳ. Thu hút FDI quý I có những tín hiệu tích cực: số dự án FDI đăng ký mới tăng 58,6% so với cùng kỳ; tổng giá trị vốn góp, mua cổ phần đạt gần 2,77 tỷ USD, tăng 51,8% so với cùng kỳ. Tổng vốn FDI thực hiện đạt 4,32 tỷ.

DN thành lập mới tháng 3 tăng cả 3 tiêu chí so với tháng 2: số DN (tăng 60,9%), vốn (tăng 122,2%), lao động (tăng 81,4%). Gần 80% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh trong quý II sẽ ổn định và tốt hơn quý I. Công tác quy hoạch tiếp tục được thúc đẩy. Nhiều quy hoạch quốc gia, tỉnh, ngành được trình và ban hành.

Bộ trưởng Trần Văn Sơn cho hay, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh một số giải pháp cụ thể nhằm bảo đảm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn. Bảo đảm 4 cân bằng giữa lãi suất và tỉ giá; giữa tăng trưởng và lạm phát, giữa cung và cầu; giữa chính sách tiền tệ và tài khóa; giữa tình hình bên trong và bên ngoài.

Thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm. Bảo đảm thanh khoản, an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, an ninh tiền tệ. Chỉ đạo tiếp tục tiết giảm chi phí, giảm lãi suất cho vay, tăng khả năng tiếp cận và đảm bảo tăng trưởng tín dụng trong thời gian tới một cách hợp lý...

Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, tạo sinh kế cho người dân. Huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, tăng cường thu hút đầu tư, phương thức hợp tác công - tư, thu hút vốn FDI, nhất là FDI chất lượng cao.

Cùng với đó, cần theo sát diễn biến giá cả các mặt hàng trên thế giới; chủ động có các kịch bản điều hành giá cả, sản xuất, bình ổn giá phù hợp lường trước các rủi ro. Điều hành thận trọng giá các mặt hàng nhà nước quản lý, xác định thời điểm và lộ trình điều chỉnh giá phù hợp; bảo đảm nguồn cung, lưu thông thông suốt các hàng hóa khác, nhất là những mặt hàng thiết yếu.../.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Hai kịch bản dự báo tăng trưởng năm 2023
Hai kịch bản dự báo tăng trưởng năm 2023

VOV.VN - Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế -xã hội năm 2023 ở mức từ 6-6,5%.

Hai kịch bản dự báo tăng trưởng năm 2023

Hai kịch bản dự báo tăng trưởng năm 2023

VOV.VN - Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế -xã hội năm 2023 ở mức từ 6-6,5%.