“Bão giá” thức ăn khiến người nuôi heo Đắk Lắk nản lòng
VOV.VN - Các loại thức ăn chăn nuôi liên tục tăng, trong khi giá lợn hơi lại duy trì ở mức thấp khiến người chăn nuôi tại Đắk Lắk gặp khó khăn “kép”.
Trước đây, gia đình ông Đinh Công Việt, ở buôn Ea Nho, xã Cư Cpô, huyện Krông Búk luôn có từ 15 - 20 con lợn rừng lai trong chuồng, thu nhập khoảng 5 triệu đồng/tháng. Hơn 1 năm nay, giá vật tư nông nghiệp tăng cao, giá thức ăn chăn nuôi cũng tăng theo, trong khi đó giá bán thịt lợn hơi lại giảm từ 10.000 – 20.000 đồng/kg, điều này khiến gia đình ông Việt gặp không ít khó khăn.
“Ngày trước gia đình nuôi nhiều heo, từ 7-8 heo nái và heo con ra lứa nào có người người mua hết. Nhưng bây giờ do giá thức ăn tăng cao, nhất là cám, trước kia 5.000 đồng/kg nhưng giờ lên hơn 7.000 đồng/kg nên người nuôi rất khó khăn, gia đình phải giảm bớt số đàn. Tới đây nếu còn khó khăn quá, gia đình sẽ chuyển chăn nuôi con khác, chăn nuôi như hiện nay cầm chắc thua lỗ”, ông Việt chia sẻ.
Tương tự ông Đinh Công Việt, gia đình ông Nguyễn Tuấn Anh và ông Lê Xuân Sáng ở thôn 5, xã Krông Buk, huyện Krông Pách cũng phải giảm 1/2 đàn lợn của mình so với cùng kỳ năm 202, vì không thể trụ nổi trước sự tăng phi mã của gia thức ăn chăn nuôi.
Ông Tuấn Anh và ông Sáng cho biết, từ cuối năm 2020 đến nay giá thức ăn chăn nuôi tăng 13 lần, trong đó lần gần nhất là đầu tháng 4/2022 với mức tăng 300-500 đồng/kg cho mỗi lần tăng. Giá của hầu hết sản phẩm thức ăn chăn nuôi hiện đều đang ở mức trên 6.000 đồng/kg.
“Gia đình nuôi heo mẹ sinh ra heo con và nuôi heo conn đến khi xuất thịt. Theo quy trình này đến lúc xuất bán tính ra lời được 300.000 – 400.000 đồng/con, nếu bán con giống thì chỉ lời từ 150.000 – 200.000 đồng/con. Trước đây giá cám ổn định tôi nuôi từ 150-200 con, nhưng nay giá cám tăng tôi đã thu hẹp đàn, chỉ nuôi từ 50- 70 con”, ông Tuấn Anh cho biết.
“Nuôi heo hiện nay đầu tư lớn nhưng lợi nhuận không cao vì cám nuôi càng ngày càng leo thang, trong khi giá bán heo vẫn bấp bênh. Giờ người nuôi đang băn khoăn chưa biết chuyển đổi vật nuôi gì, phải chi giá cả giảm xuống thì người nông dân cũng đỡ, cứ leo thang thế này người nông dân rất khổ”, ông Sáng than thở.
Theo ông Trần Ngọc Sơn, Chi cục phó Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh Đắk Lắk, tổng đàn lợn ở tỉnh hiện khoảng 860.000 con. Giá lợn hơi hiện tại khoảng 55.000 đồng/kg, bằng 77% so với giá lợn hơi cùng thời điểm năm 2021, nhưng giá các loại thức ăn chăn nuôi tăng lên 40% nên người chăn nuôi lợn gặp rất nhiều khó khăn.
Ông Trần Ngọc Sơn cho rằng, người chăn nuôi cần tăng cường tìm kiếm, tận dụng nguồn nguyên liệu trong nước, đồng thời rút ngắn chuỗi phân phối để giảm giá thức ăn chăn nuôi. Người chăn nuôi nên chủ động tăng cường trồng ngô, mỳ, đậu nành làm nguyên liệu phối trộn thức ăn thay thế hàng nhập khẩu. Ngoài ra, bà con có thể chủ động nuôi cá, giun trùn quế để chế biến thành bột để bổ sung nguồn đạm, hạ giá thành, giảm chi phí thức ăn chăn nuôi.
“Bên cạnh đó, người chăn nuôi cần sắp xếp lại phương thức tổ chức sản xuất, cần tham gia vào các hợp tác xã, tổ hợp tác, các chi hội sản xuất chăn nuôi để thương thảo, mua thức ăn chăn nuôi khối lượng lớn trực tiếp từ các nhà máy sản xuất. Mặt khác, bà con có thể nghiên cứu chuyển dịch, cơ cấu lại đàn vật nuôi hợp lý, phù hợp với khả năng, hoàn cảnh như tăng cường nuôi loại vật nuôi ăn cỏ, ăn thảo mộc để thay thế”, ông Sơn khuyến cáo.
Để ngành chăn nuôi nâng sức cạnh tranh, mang lại lợi nhuận tốt cho các nhà chăn nuôi thì việc hạ giá thành thức ăn chăn nuôi, tránh phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nguyên liệu và thức ăn chăn nuôi ngoại nhập là điều cực kỳ quan trọng. Bên cạnh đó cơ quan chức năng cần tăng cường hỗ trợ, kết nối giữa người chăn nuôi với các doanh nghiệp, siêu thị giúp ổn định đầu ra sản phẩm. Nếu không giải quyết được bài toán này, những khó khăn của người chăn nuôi sẽ vẫn còn tiếp diễn./.