Bao giờ cơ giới hóa được khâu thu hoạch lúa?
Thu hoạch lúa bằng cơ giới sẽ làm cho tỷ lệ thất thoát chỉ có 2%, trong khi cắt bằng tay tỷ lệ này là hơn 10%. Song đến nay, toàn vùng ĐBSCL mới chỉ có 5.000 chiếc máy, đáp ứng được 25% nhu cầu sản xuất của bà con
ĐBSCL có diện tích đất gieo trồng lúa hàng năm gần 4 triệu ha, với các vụ sản xuất như: Đông Xuân, Hè Thu và Thu Đông. Hàng năm khu vực này sản xuất được khoảng 20 triệu tấn lúa, góp phần làm bình ổn an ninh lương thực trong nước và góp phần đưa nước ta trở thành một cường quốc xuất khẩu gạo.
Tuy nhiên, hiện nay, ở khu vực ĐBSCL, khâu thu hoạch lúa của bà con nông dân chủ yếu còn mang tính thủ công nên chất lượng gạo chưa cao và thất thoát còn nhiều.
Theo thống kê của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, đến nay, toàn khu vực ĐBSCL có gần 5.000 máy gặt đập liên hợp và máy cắt xếp dãy. Nếu so với 5 năm trước, toàn khu vực này chỉ có 33 máy thì tốc độ phát triển máy gặt đập liên hợp trong thời gian qua được xem là nhanh nhất từ trước đến nay. Các tỉnh An Giang, Long An và Kiên Giang là những nơi có nhiều máy nhất trong khu vực.
Tỉ lệ thất thoát do thu hoạch lúa bằng tay chiếm hơn 10% (Ảnh minh hoạ) |
Thu hoạch lúa bằng cơ giới sẽ làm cho tỷ lệ thất thoát chỉ có 2%, trong khi nếu cắt bằng tay tỷ lệ này là hơn 10%. Bên cạnh đó, việc cơ giới hoá cũng sẽ giảm được cả chi phí thu hoạch trên một đơn vị diện tích lúa. Đây là hình thức sản xuất lúa đang được nông dân trong khu vực lựa chọn.
Anh Thạch Chanh Đa Ra, một nông dân Khmer, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu cho biết, có máy cơ giới làm rất gọn nhẹ và đỡ hao hụt rất nhiều.
Lợi ích là vậy song đến nay, với lượng máy gần 5.000 chiếc toàn vùng thì mới chỉ đáp ứng được 25% so với nhu cầu sản xuất của bà con. Ở 2 tỉnh Bến Tre và Cà Mau hiện nay, mỗi tỉnh chỉ có khoảng 30 chiếc. Như vậy, tỷ lệ diện tích đất gieo trồng còn lại trong khu vực- tương đương với khoảng 3 triệu ha lúa đang được bà con nông dân cắt bằng lưỡi hái thủ công.
Thu hoạch lúa bằng tay, vừa làm lúa thất thoát nhiều lại tăng giá thành sản phẩm. Đặc biệt, chất lượng gạo không được bảo đảm để xuất khẩu, từ đó giảm đi sức cảnh tranh trên thị trường quốc tế.
Nhằm đẩy mạnh chương trình cơ giới hóa khâu thu hoạch lúa, trước đây, Nhà nước cũng đã có chính sách hỗ trợ lãi suất một phần cho nông dân mua sắm máy gặt đập liên hợp nhưng với điều kiện nông dân phải mua máy trong nước. Với những điều kiện này, nông dân có nguyện vọng mua sắm máy nhập khẩu có chất lượng cao hơn lại không được hỗ trợ lãi suất.
Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, để cơ giới hóa khâu thu hoạch được nhanh, trước hết nông dân phải quy hoạch, cải tạo đồng ruộng và tích tụ đất đai được nhiều. Cơ sở hạ tầng như giao thông, thủy lợi phục vụ sản xuất lúa cũng phải xây dựng đồng bộ nhằm tạo điều kiện cho phương tiện cơ giới ra vào đồng ruộng.
Về tín dụng, theo ông Tống Khiêm, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho rằng cần xoá bỏ quy định chỉ hỗ trợ lãi suất mua máy gặt đập liên hợp sản xuất trong nước vì hiện tại đây là một rào cản cho quá trình cơ giới hoá trong nông nghiệp.
Cũng theo ông Khiêm, vấn đề ở đây là chính sách và cơ chế tài chính và sẽ kiến nghị với Bộ Tài chánh, Chính phủ để có hướng hỗ trợ mới cho nông dân.
Hiện nay, nhiều địa phương, ngoài áp dụng chính sách chung của Chính phủ còn ưu tiên tín dụng và lãi suất cho các doanh nghiệp nghiên cứu và sản xuất máy gặt đập liên hợp để các doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất, chế tạo ra nhiều máy phù hợp với điều kiện trong khu vực và có giá thành hợp lý.
Tỉnh Sóc Trăng còn tổ chức tập huấn miễn phí cho các chủ máy để khuyến khích bà con mua sắm máy gặt đập liên hợp về sử dụng. Ông Hồ Quang Cua, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng cho biết, đây là một phần trong kế hoạch xây dựng chương trình cơ giới hóa các khâu sản xuất nông nghiệp, trong đó có cơ giới hóa sau thu hoạch.
Có thể nói, trong thời gian gần đây, các Bộ, Ngành và địa phương đã và đang có nhiều cố gắng trong đẩy mạnh chương trình cơ giới hóa nông nghiệp trong khu vực ĐBSCL, đặc biệt là khâu thu hoạch. Tuy nhiên, lượng máy gặt đập liên hợp đang có trong khu vực như hiện nay vẫn chưa đáp ứng nhu cầu của sản xuất của bà con./.