Bảo hiểm liên kết ngân hàng: Cần giải pháp mạnh đằng sau những “cái bắt tay”
VOV.VN - Ngân hàng "bắt tay" với doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) không phải là một xu hướng mới, mà đã từng có nhiều năm trước, tuy nhiên, sau một thời gian dài "im hơi lặng tiếng", thị trường này sôi động trở lại. Nhiều vụ việc “lùm xùm” thời gian qua khiến việc quản lý bảo hiểm cần những giải pháp mạnh tay hơn.
Những "cái bắt tay" thu về hàng nghìn tỷ đồng
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, quý 1/2023, tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 54.186 tỷ đồng, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm 2022; tổng tài sản ước đạt 729.096 tỷ đồng, tăng 21,3% so với cùng kỳ năm 2022; đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 596.163 tỷ đồng, tăng 20,9% so với cùng kỳ năm trước.
Trên thị trường bảo hiểm hiện có 78 doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm (trong đó, có 31 DNBH phi nhân thọ, 19 DNBH nhân thọ, 2 doanh nghiệp tái bảo hiểm; 26 doanh nghiệp môi giới bảo hiểm) và 1 chi nhánh DNBH phi nhân thọ nước ngoài. Đáng chú ý, các DNBH trong năm 2022 đều báo lãi khủng.
Hiện một kênh phân phối bảo hiểm khá hiệu quả là kết hợp với các ngân hàng, hay còn được gọi là bán chéo bảo hiểm (bancassurance). Theo các chuyên gia, đây là một kênh phân phối thuận tiện, lợi ích mang lại cho cả khách hàng, DNBH và ngân hàng. Thống kê từ báo cáo tài chính năm 2022 đã được kiểm toán, nhiều ngân hàng thu về hàng nghìn tỷ đồng từ kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm.
Chẳng hạn, MB có hai công ty bảo hiểm là MIC và MB Ageas Life, năm 2022 đã thu về hơn 10.180 tỷ đồng từ kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tới 72% tổng doanh thu mảng dịch vụ. Manulife Việt Nam và Techcombank cũng đã nhiều năm ký kết thỏa thuận hợp tác độc quyền, giúp mang lại hơn 1.750 tỷ đồng doanh thu từ dịch vụ hợp tác bảo hiểm cho Techcombank trong năm ngoái. Việc hợp tác độc quyền với bảo hiểm AIA Việt Nam cũng giúp VPBank gặt hái được hơn 3.350 tỷ đồng doanh thu từ kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm, tăng 42% so với năm trước…
Thống kê của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho thấy, tính trên toàn thị trường, tổng doanh thu phí bảo hiểm qua ngân hàng chiếm khoảng 39% tổng doanh thu phí khai thác mới và chiếm bình quân 37% tổng thu nhập phí của các ngân hàng niêm yết trên sàn chứng khoán.
Có tình trạng ngân hàng “ép” khách hàng vay vốn phải mua bảo hiểm
Tuy nhiên, bảo hiểm là một lĩnh vực kinh doanh đặc thù với rất nhiều vấn đề nghiêm ngặt trong các điều khoản của hợp đồng, khiến người mua, thậm chí là chính nhân viên tư vấn cũng không hiểu đúng và rõ ràng. Bên cạnh đó, câu chuyện ngân hàng “ép” khách hàng vay vốn phải mua bảo hiểm cũng đang làm “đau đầu” các cơ quan quản lý.
Bà Phạm Thu Phương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính khẳng định, giao dịch bảo hiểm là giao dịch dân sự, phải đảm bảo nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng lợi ích các bên. Tuy nhiên, bà Phương cũng thừa nhận, thời gian qua còn tồn tại hiện tượng một số nhân viên tín dụng gợi ý, chèo kéo khách hàng tham gia bảo hiểm nhân thọ khi có nhu cầu vay vốn ngân hàng, làm mất đi tính tự nguyện tham gia bảo hiểm của khách hàng, khiến cho khách hàng cảm thấy ấm ức không thoải mái.
“Nếu đã có yếu tố ép buộc thì sẽ đi ngược lại với mục đích ra đời của bảo hiểm nhân thọ, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của bảo hiểm nhân thọ. Hoạt động này đã vi phạm nguyên tắc “tự nguyện” được quy định tại các văn bản pháp luật về kinh doanh bảo hiểm”, bà Phạm Thu Phương nhấn mạnh.
Còn theo TS. Trần Vũ Hải, Phó trưởng Phòng Khoa học, Đại học Luật Hà Nội, các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ và sản phẩm liên kết ngân hàng là sản phẩm tài chính hiện đại, phương thức để người tham gia được bảo vệ trước rủi ro và tích luỹ. Đây là sản phẩm bảo vệ ro trước, sau mới tích luỹ. Do đó, đại lý bảo hiểm có nghĩa vụ phải cung cấp đầy đủ cho bên mua, giải thích rõ các quyền lợi... Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều nhân viên làm không đúng, che giấu thông tin, đặc biệt tự kê khai cho người mua bảo hiểm.
“Hiện Thông tư 86/2014 quy định rõ không được ép buộc mua bảo hiểm. Nhân viên phải giải thích rõ là sản phẩm này không phải của ngân hàng và không bắt buộc. Thế nhưng thực tế vẫn xảy ra từ phía nhân viên ngân hàng bỏ qua quy định, tập trung lợi ích và nắm bắt tâm lý lợi ích của người mua”, TS. Trần Vũ Hải cho biết.
‘Siết’ quy định với DNBH và ngân hàng
Thời gian qua, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước đã liên tục đưa ra những chỉ đạo về việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động phân phối bảo hiểm qua ngân hàng; đồng thời thông báo sẽ xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi vi phạm. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, cần hoàn thiện vấn đề pháp lý về quản lý cơ chế giao kết giữa hệ thống ngân hàng với các công ty bảo hiểm.
Ông Ngô Trung Dũng, Phó Tổng thư ký Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam cho rằng, DNBH phải có những yêu cầu cụ thể đối với ngân hàng trong việc kiểm tra, giám sát chất lượng tư vấn bảo hiểm của nhân viên ngân hàng được phân công và có những hình thức xử lý kỷ luật nếu nhân viên vi phạm.
“Trong thỏa thuận hợp tác ký với ngân hàng cần đưa tiêu chí về tỷ lệ duy trì hợp đồng năm thứ 2. Đây là một tiêu chí quan trọng đánh giá chất lượng tư vấn vì nếu khách hàng không có nhu cầu mua bảo hiểm, hoặc bị "ép" mua bảo hiểm thông thường sẽ có xu hướng hủy hợp đồng sau khi mua. Ngoài ra, DNBH cũng cần chủ động có các biện pháp kiểm tra giám sát kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng”, ông Ngô Trung Dũng nêu ý kiến.
Về phía cơ quan quản lý, bà Phạm Thu Phương cho biết, ngay sau khi nhận được các thông tin phản ánh từ báo chí và các đơn thư phản ánh, khiếu nại của người dân, lãnh đạo Bộ Tài chính đã chỉ đạo sát sao, quyết liệt để chấn chỉnh hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng.
“Bộ Tài chính cũng kịp thời nghiên cứu bổ sung thêm các quy định chặt chẽ hơn về bán bảo hiểm qua ngân hàng nhằm tăng cường hơn nữa tính minh bạch, trách nhiệm của DNDH và đại lý trong cung cấp dịch vụ bảo hiểm, bảo vệ quyền lợi của bên mua bảo hiểm. Đây cũng là thời điểm để thị trường bảo hiểm điều chỉnh sau một thời gian khá dài tăng trưởng nhanh chóng, phát triển chất lượng và bền vững hơn”, bà Phạm Thu Phương cho hay.
Lãnh đạo Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm nhấn mạnh, việc xử lý nghiêm các vi phạm phát hiện qua thanh tra, kiểm tra, giám sát bảo hiểm là trách nhiệm của cơ quan quản lý, giám sát bảo hiểm phải thực hiện nhằm đảm bảo tính kỷ luật, kỷ cương của thị trường và bảo vệ quyền lợi của bên mua bảo hiểm. Việc thanh tra, kiểm tra về phân phối bảo hiểm qua ngân hàng là chuyên đề ưu tiên được Bộ trưởng Bộ Tài chính chỉ đạo thực hiện từ tháng 9/2022.
“Trong năm 2023, Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm sẽ tiếp tục thực hiện thanh tra, kiểm tra các DNBH có bán bảo hiểm qua ngân hàng; phối hợp với Ngân hàng nhà nước để thực hiện thanh tra, kiểm tra các ngân hàng đối tác phân phối sản phẩm bảo hiểm. Đối với các trường hợp phát hiện vi phạm sẽ tiến hành xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”, đại diện Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm khẳng định./.