Bảo vệ người tiêu dùng sử dụng các thiết bị vệ sinh

Trên thị trường, thiết bị vệ sinh đang bị làm giả, nhái rất nhiều khiến cả nhà sản xuất, kinh doanh hàng thật và người tiêu dùng đều chịu hậu quả.

Sáng 4/11, tại Hà Nội, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) chủ trì hội thảo với chủ đề “Sản xuất, kinh doanh mặt hàng thiết bị vệ sinh hướng tới bảo vệ lợi ích người tiêu dùng”.

Tại Hội thảo, các đại biểu bàn về các vấn đề liên quan tới thực trạng kinh doanh mặt hàng thiết bị vệ sinh, đồng thời đưa ra nhiều giải pháp nhằm góp phần định hướng cho NTD trong việc lựa chọn các thiết bị vệ sinh đảm bảo chất lượng.

Ông Vương Trí Dũng, Chi cục phó, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, cho biết: Trên thị trường, thiết bị vệ sinh nhập khẩu từ Trung Quốc vẫn chiếm tỷ lệ lớn với đủ kiểu dáng, nhãn hiệu, xuất xứ. Các mặt hàng này khi vào thị trường Việt Nam đã được “nội địa hoá” bằng nhiều phương thức như nhập linh kiện, bán thành phẩm thông qua các làng nghề chế tác, gia công, gắn bao bì, nhãn mác mới... và bán với giá cạnh tranh. Nhiều hàng hoá được thị trường chấp nhận đã được đặt hàng y chang từ Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam, trong đó tiêu biểu như sen vòi tắm hiệu INAX, Joden, Clever,...

Ông Morita Nguyễn, Giám đốc kinh doanh công ty TNHH INAX Việt Nam, công ty chuyên sản xuất các thiết bị vệ sinh, bức xúc: “Công ty chúng tôi là một trong các nạn nhân của hàng giả, hàng nhái 15 năm qua. Vấn nạn này gây cho nhà nước thất thoát nguồn thu lớn, các công ty bị cạnh tranh không lành mạnh, ảnh hưởng đến doanh thu, đời sống công nhân. NTD mất tiền thật nhưng mua phải hàng giả ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ. Chúng tôi cho rằng, một trong những nguyên nhân quan trọng của vấn nạn này là mức xử phạt còn quá nhẹ, không đủ sức răn đe, ngăn chặn”.

Về phía Hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam, ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch Hội, cho biết: Thiết bị vệ sinh sản xuất trong nước và hàng nhập khẩu từ các hãng nổi tiếng trên thế giới,... bị làm giả, nhái cũng rất nhiều, chất lượng rất thấp và rất khó phân biệt. Công tác chống hàng giả, bảo vệ NTD chưa thực sự hiệu quả vì hệ thống pháp luật còn chưa sát thực tiễn, công tác triển khai còn chồng chéo. Sự phối hợp xử lý giữa các cơ quan chức năng còn chưa thống nhất, thủ tục còn rườm rà,...”.  

Ngay tại Hội thảo, nhiều đại biểu cũng cho rằng, hiện nay, việc bảo vệ NTD và doanh nghiệp chưa hiệu quả, một phần do nhiều doanh nghiệp bị xâm phạm về nhãn hiệu nhưng e ngại vì thủ tục hành chính, vì lo “tác dụng ngược” khi công bố rộng rãi thông tin về sản phẩm của mình bị nhái, giả,... nên không làm đơn đề nghị kiểm tra, xử lý.

Ông Nguyễn Phương Nam, Phó Cục trưởng, Cục Quản lý Cạnh tranh, Bộ Công Thương cho rằng: Công tác chống hàng giả nói chung, thiết bị vệ sinh giả nói riêng, cần có sự thống nhất, đồng lòng của toàn xã hội, trong đó Sở Công Thương các tỉnh có vai trò quan trọng nhất trong quản lý nhà nước tại địa phương để giải quyết vấn đề này. Trong thời gian tới, Sở Công Thương các tỉnh sẽ công bố số điện thoại đường dây nóng để hỗ trợ người tiêu dùng về những thắc mắc, khiếu nại liên quan đến quyền lợi người tiêu dùng.

Bên cạnh những giải pháp về cần có hệ thống luật pháp sát thực tiễn, thủ tục hành chính đơn giản hoá, tăng mức xử phạt, nâng cao trình độ cán bộ quản lý thị trường,.... các đại biểu đều cho rằng, trước hết, mỗi công dân hãy là người tiêu dùng thông thái khi  quyết định mua sản phẩm để tránh hàng giả, hàng nhái./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên