Bão vỡ nợ cà phê ở Tây Nguyên: Đak Mil –trong làn sóng vỡ nợ
Lại thêm một làn sóng dữ vỡ nợ cà phê ở Tây Nguyên. Sau các huyện của tỉnh Đắk Lắk, lần này đến lượt huyện Đak Mil, thủ phủ cà phê của tỉnh Đắk Nông.
Bắt đầu từ Đại lý Lan Diệu, thôn Thuận Thành, xã Thuận An-“vỡ” ngày 11/4, làn sóng đã lan ra khắp huyện.
Hàng trăm gia đình, hàng trăm số phận có nguy cơ bị cuốn trôi trong đợt sóng mới này.
Dân: Đáo hạn ngân hàng, vay nóng nuôi con, không có đường về, và…
Ngày 14/4, 3 ngày sau khi tiếp nhận “tin dữ” từ đại lý Lan Diệu, cuộc thăm hỏi giữa 2 người hàng xóm, chị Võ Thị Hòa và chị Hoàng Thị Yến, bắt đầu bằng những giọt nước mắt rơi lã chã.
Chỉ tháng nữa là khoản vay gần trăm triệu đồng của gia đình chị Hòa đáo hạn ngân hàng, nhưng 2.300 kg cà phê vẫn mắc kẹt ở đại lý Lan Diệu, không thể đòi được.
Người dân đổ đến Đại lý Lan Diệu đòi nợ |
Anh Nguyễn Như Trịnh và chị Nguyễn Thị Sáng ở thôn Xuân Phong, xã Đức Minh là trường hợp rất khác. Nghèo lại đông con nên với từng hạt cà phê tích cóp được, anh chị đều “giữ như giữ xương hom”. Chỉ vì căn nhà đang ở cứ mưa xuống là ngập nền, không thể nấn ná mãi, phải dỡ ra để sửa nên 5 tấn cà phê mới phải đem ký gửi ở doanh nghiệp tư nhân Trúc Huyền, nơi được coi là “cứu tinh của nông dân” trong xã suốt gần chục năm qua. Ai ngờ, mới được 2 tuần, anh ra chốt giá bán thì nhận được hung tin....
Chị Sáng phải bỏ cả công việc, ngày ngày đeo bám doanh nghiệp, thậm chí khóc lóc, van xin chủ doanh nghiệp trả nợ. Nhưng nước mắt đã cạn mà tài sản của mình vẫn mất tăm. Bây giờ nhà cửa dở dang, cà phê đói phân bón, 4 con phải ăn học, khiến anh chị Trịnh-Huyền bế tắc. Vay ngân hàng bây giờ không dễ, còn vay nóng- là cách được coi là “tự tử” đối với những nông dân cà phê, mỗi năm chỉ thu hoạch 1 mùa.
Chỉ một vòng dạo quanh các đại lý vỡ nợ, chúng tôi đã thấy thật nhiều cảnh ngộ éo le: Anh Nguyễn Văn Bôn - nợ CN Ngân hàng NNPTNT 300 triệu đồng; Anh Trần Can - nợ CN Ngân hàng Đông Á 170 triệu đồng; chị Phan Thị Hà - nợ CN Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín 50 triệu đồng. Họ đều sắp đáo hạn ngân hàng, con nợ để đòi-các đại lý đang ở ngay trước mắt, nhưng cà phê, tiền của họ vẫn mịt mù bóng chim tăm cá.
Những ngày vỡ nợ ở Đắc Min, có một phụ nữ luôn thu hút được mọi ánh mắt xung quanh. Quần áo nhăn nhúm, tóc tai khô bết, cứ vòng đi vòng lại ở đại lý Lan Diệu, khóc lóc đòi nợ; thề tuyệt thực, thề chết ở nhà chủ đại lý. Mọi người, dù cũng là nạn nhân, nhưng không khỏi cám cảnh: “Con Huệ, nhà ở Thuận Hạnh đấy. Tội nghiệp, nó bị chồng mắng vì đã đem cà phê đi ký gửi, rồi đánh đuổi khỏi nhà và cấm không được về nếu chưa đòi được nợ…”.
Đại lý: Kẻ im lìm chịu trận, người lớn tiếng mắng chủ nợ
Chúng tôi có mặt tại Đại lý cà phê Lan Diệu đúng vào lúc ông Trác Nhơn Diệu - chủ đại lý mới trở về từ thành phố Hồ Chí Minh. Sự trở về đã đánh tan những mối hoài nghi rằng ông bỏ trốn để xù nợ, nhưng cũng không đem lại được chút hy vọng và tin tưởng nào.
“Tôi đi để lo tiền trả bà con”- ông Diệu nói. “Anh thấy đó, chuyện tôi trốn sang Mỹ chỉ là tin đồn. Sự việc đã lỡ rồi, còn người là còn của...”.
Chẳng biết lời ông Diệu thật đến đâu, nhưng cả kho phân, kho cà phê của đại lý đều đã trống rỗng. Ông không chạy nợ, nhưng các khoản nợ-cà phê ký gửi của nông dân, không biết đã chạy đi đường nào. Cái thứ “còn của” như ông Diệu nói là vô giá trị với nông dân, vì nó chỉ là mảnh giấy, không thể đem đáo hạn ngân hàng hay đổi lấy phân bón đầu tư cho những vụ tới.
Sau luồng tin vỡ nợ loang ra từ Lan Diệu, các nông dân cấp tốc tới Lan Thông để đòi tiền. Nhưng tới nơi, chỉ thấy mấy người làm của bà chủ. Thế là xiết nợ xảy ra. Chỉ trong một buổi sáng, kho phân của Lan Thông đã bị siết sạch.
Ngày kế tiếp, tại đại lý này xảy ra những cuộc khẩu chiến liên miên bất tuyệt giữa chủ nợ và các con nợ. Dù không có tiền hay cà phê, hay phân bón để trả cho dân, nhưng bà chủ đại lý vẫn mắng xa xả vào những người hôm trước đã siết nợ tại đại lý mình.
“Mỗi người chỉ có dăm bảy tạ cà phê thôi, làm gì mà ầm ầm đến làm náo loạn chỗ tôi lúc tôi không có nhà vậy. Tôi đi rẫy chứ có trốn đâu”- bà Nguyễn Thị Kiều Nga, chủ đại lý Lan Thông mắng mấy chủ nợ của mình. Rồi bà quay sang phân bua với các nhà báo: “Họ cứ đồn là tôi nợ mấy chục tỷ, mấy trăm tỷ, mà lấy đâu ra, thực ra có vài chục người, mỗi người dăm bảy tạ à. Mà tài sản của tôi còn đầy ra đấy. Lo quá thì tôi gán đất-mười mấy mảnh ở thị trấn ấy, sổ đỏ đây này. Còn không thích đất thì tôi gán rẫy”…
Các chủ đại lý, người thì im lặng chịu trận, người thì lớn tiếng mắng nông dân, nhưng đều chung nhau một điểm là không thể trả được cà phê hay tiền, hoặc phân bón cho dân lúc này. Trừ phần người dân xiết nợ, suốt hơn tuần qua, không có một cân cà phê, phân bón hay một đồng tiền được các đại lý chủ động trả. Vì thế, hàng ngày, ở các xã trọng điểm cà phê như Đức Minh, Đức Mạnh, Thuận An, Đắc Sắc, vẫn rối bời lên bởi chuyện vòng vo đòi nợ và khất nợ.
Chính quyền: Mới chỉ là phỏng đoán
Chưa có lá đơn nào đề nghị chính quyền địa phương can thiệp-là lý do chính để các xã và cả lãnh đạo huyện Đắc Min chưa quá lo về vấn đề vỡ nợ của các đại lý và nguy cơ trắng tay của nông dân.
Ông Doãn Thạnh, Phó trưởng công an xã Thuận An, huyện Đak Mil cho biết : “Thực tế vỡ nợ ở địa phương là có nhưng nhẹ thôi chứ chưa phải nặng. vì dân họ tới theo dây chuyền, họ sẽ tự trả chứ không phải vỡ nợ, cái này là tại dân thôi, dân mình họ sợ mất. Nói thẳng là cà phê họ xoay vòng. Về mặt địa phương họ sống lâu năm thì chắc chắn là các đại lý này họ không xù nợ, họ chỉ trả chậm, hơi lâu tý thôi. Nếu mà mình nhận được đơn của dân thì mình mới mời họ giải quyết được, còn đây chưa nhận được một cái đơn nào”.
Theo lời ông Doãn Thạnh, làn sóng vỡ nợ hiện nay lan rộng ra là do đồn đoán mà thêm phức tạp, còn các đại lý vẫn có khả năng trả nợ.
Tuy vậy, thực tế cũng cho thấy, lời ông Doãn Thạnh cũng chỉ là phỏng đoán. Vốn lưu động của các đại lý đã không còn 1 xu, việc kinh doanh ngừng trệ hoàn toàn. Bất động sản của các cơ sở này, cũng không thể biết đã bán cho những ai.
Thực tế các vụ vỡ nợ cà phê đã xảy ra ở Tây Nguyên cho thấy: Không thể hy vọng gì ở bất động sản của đại lý, vì một phần do ngân hàng nắm giữ, phần khác đã bị tẩu tán bằng nhiều hình thức, được ngành chức năng gọi là “biến tướng tài sản”.
Trước mắt sẽ là rất nhiều khó khăn cho nông dân. Theo lời ông Nguyễn Đức Hòa, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng nông nghiệp phát triển nông thôn Đắc Min, đơn vị này chưa có phương án gia hạn cho các nông hộ bị kẹt tài sản tại các đại lý./.