Bất động sản đại hạ giá: Lối thoát tự thân!

Doanh nghiệp BĐS phải tiếp tục giảm giá sâu để cắt lỗ, đưa giá về thực, đáp ứng đúng nhu cầu nhằm kéo người dân quay lại với thị trường.

Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) sắp mở bán dự án Hoàng Anh Thanh Bình có mức giảm giá tới 50% so với giá thị trường khu vực. Nhiều dự án khác của HAGL đang mở bán cũng giảm giá khá mạnh. Thông tin này được ví như một phát súng không chỉ của HAGL mà có thể sẽ là khởi đầu cho một chuỗi dự án BĐS giảm giá mạnh để tự cứu mình.

Giảm giá tới 50%...

Dự án được HAGL tuyên bố sẽ giảm giá gây sốc này nằm trên đường Nguyễn Hữu Thọ, quận 7 (TP HCM), với đợt đầu tiên dự kiến tung ra thị trường khoảng trên 100 căn. Theo mức giá hiện tại của khu vực có dự án này đang vào khoảng 40 triệu đồng/m2, nếu thực giảm 50% sẽ còn khoảng 20 triệu đồng/m2.

Phối cảnh khu căn hộ Hoàng Anh River View (Ảnh: DĐDN)

Công ty Đại Tín Á Châu và An Bình Land cũng thông báo đại hạ giá 120 căn hộ Hoàng Anh River View (quận 2, TP HCM) từ mức 28 triệu đồng xuống còn 18,1 triệu đồng/m2 (tương đương mức giảm 30%) cũng là thông tin gây chú ý khá mạnh đối với không chỉ khách hàng mà các nhà đầu tư khác.

Trả lời báo giới, Tiến sĩ Nguyễn Văn Thuận, Trưởng khoa Tài chính ngân hàng, Trường Đại học Mở TP HCM nhận định: Một doanh nghiệp đầu ngành như HAGL phá giá sẽ buộc những chủ đầu tư khác giảm theo.

Gần đây, bên cạnh nhiều dự án đã có động thái hạ giá khá mạnh để cắt lỗ, bán tháo hàng, nhiều dự án cũng dự kiến sẽ giảm, thậm chí giảm tới 50% như của HAGL, cũng còn rất nhiều doanh nghiệp BĐS than rằng nếu giá bán giảm nữa sẽ vỡ nợ vì lỗ.

Xung quanh những thông tin này, dư luận vẫn có quyền hoài nghi rằng, đây có phải là đợt giảm giá để kéo thị trường về giá thực của nó hay vẫn chỉ là chiêu trò của giới đầu tư? Bởi khi những thông tin giảm giá, đặc biệt là giảm giá khủng, chưa thành hiện thực, các căn hộ giảm giá chưa đến tay người tiêu dùng thì lợi ích ban đầu vẫn thuộc về doanh nghiệp, vì tên tuổi của các nhà đầu tư, doanh nghiệp được phen quảng bá rầm rộ, các dự án được đông người biết đến và săn đón tìm hiểu thông tin liên quan.

Phá giá hay tự tìm lối thoát?

Ông Võ Bá Huy, Giám đốc Công ty đầu tư BĐS Đại Tín Á Châu, nguyên nhân doanh nghiệp đại hạ giá căn hộ Hoàng Anh River View là do áp lực về tài chính, công ty chấp nhận bán giảm giá để cắt lỗ nhằm thu hồi tiền mặt.

Còn Tổng Giám đốc Công ty CP Phát triển nhà Hoàng Anh Gia Lai-Lê Hùng - cho rằng, áp lực tài chính cũng chỉ là một phần nguyên nhân khiến các doanh nghiệp giảm giá bán. Doanh nghiệp chọn thời điểm này để giảm giá và kéo khách.

Không khó để dự đoán rằng, một trong những nguyên nhân quan trọng tác động đến việc giảm giá BĐS là thời gian gần đây thị trường chứng khoán, vàng, USD có biến động mạnh, tâm lý không ít người dân bắt đầu hướng đồng vốn của mình đến BĐS ở những phân khúc có giá hợp lý để chờ thời cơ mới.

Hơn nữa, gần đây các ngân hàng liên tục tung ra nhiều gói ưu đãi lãi suất dành cho các hợp đồng tín dụng có mục đích mua nhà ở, đặc biệt là tại các dự án BĐS có hợp tác với ngân hàng để hỗ trợ khách hàng về vốn mua.

Đây là những yếu tố quan trọng kích thích tâm lý tiêu dùng của khách hàng tiềm năng có nhu cầu thực hướng đến sở hữu những sản phẩm BĐS ở những phân khúc giá sát thực nhất có thể và DN BĐS tìm cách chớp thời cơ giải phóng hàng tồn.

Ông Trương Trí Kiên, Phó Tổng Giám đốc CTCP Him Lam Thủ đô chuyên về bất động sản cho rằng, thị trường BĐS hiện nay cung vừa thừa vừa thiếu. Thừa ở các phân khúc cầu không thực, từ đó tạo ra sự méo mó của thị trường. Giá BĐS cao do thị trường không minh bạch, bị chi phối quá nhiều của nhà đầu cơ đầu tư.

“Lúc thị trường phát triển nóng có đến 60-70% do đầu cơ đầu tư, điều này không mang được giá trị cho xã hội. Thị trường BĐS bị mất niềm tin do giá không thực, cầu chưa đúng phân khúc, trong khi đó lãi suất ngân hàng lại cao” – ông Kiên cho biết.

Mặc dù hệ quả này DN BĐS không mong muốn, nhưng từ góc độ xã hội, theo ông Kiên, đây lại là một điểm sáng, vì nó là cơ hội để thanh lọc các DN không có năng lực, để các DN có năng lực sẽ tạo ra được thị trường phù hợp với sản phẩm cạnh tranh về chất lượng và giá cả, đáp ứng đúng nhu cầu thị trường.

Bởi niềm tin của người tiêu dùng đang bị mất, họ không biết đâu là đáy, hoặc đã có đáy hay chưa. Nhiều dự án hiện tại bán không có người mua do kỳ vọng của người bán và người mua khác nhau. Ông Kiên thẳng thắn: “Các DN cần sự nhận thức chính xác về thời điểm, giá trị để đưa ra giá, có khi phải chấp nhận cắt lỗ. Bởi thị trường BĐS chắc chắn 3 năm chưa khởi sắc”.

Trước những động thái giảm giá của thị trường BĐS vừa qua, ông Vũ Xuân Thiện, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho rằng, việc giảm giá bất động sản trong thời gian qua là phù hợp với thực tiễn và đảm bảo cho người có nhu cầu sở hữu nhà ở thực có điều kiện tốt nhất để mua nhà ở cho mình với giá phù hợp và được quyền lựu chọn./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên