Cấp sai 65 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, dân lĩnh đủ

VOV.VN - Mới đây, thanh tra tỉnh Đắk Nông đã công bố kết luật về các sai phạm ở lĩnh vực đất đai tại các địa phương trong tỉnh.

LTS: Trong các sai phạm được công bố, nội dung đáng chú ý là việc cấp sai quy định 65 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân ở xã Đắk Som, huyện Đắk Glong, buộc phải thu hồi.

Tuy nhiên, trên phần đất cấp sai theo kết luận thanh tra, người dân đã sinh sống và canh tác ổn định; Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng đã được nhiều hộ thế chấp tại các ngân hàng để vay vốn. Việc thu hồi các giấy này đang vấp phải nhiều khó khăn.

Phóng viên VOV, thường trú khu vực Tây Nguyên đã tìm hiểu thực tế và có loạt bài “Khó khăn trong việc thu hồi 65 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp sai quy định tại huyện Đắk Glong”.

Gia đình ông K’Hai có gần 2,2 ha rẫy trồng cà phê xen hồ tiêu ở thôn 4, xã Đắk Som, huyện Đắk Glong. Theo ông K’Hai, đất này do người bác ruột khai hoang từ giữa những năm 1980, sau đó nhượng lại cho gia đình vào năm 1994. Đến năm 2017, đất được cấp chứng nhận quyền sử dụng. Giấy chứng nhận đã được gia đình thế chấp ngân hàng. Nay nhận được thông báo của chính quyền về thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ông K’Hai rất lo lắng, nhưng cũng không biết phải làm thế nào. 

Ông K’Hai chia sẻ: “Đầu tiên cán bộ địa chính xã mời đến làm hồ sơ để cấp sổ đỏ. Họ tập trung các hộ ở hội trường Ủy ban xã Đắk Som để điều tra cấp bìa. Họ hỏi từng lô 1, đất của tôi giáp với ai, hộ nào... rồi không có tranh chấp thì mới cấp bìa. Khi có bìa thì nhà tôi cắm ngân hàng vay 300 triệu đồng, bây giờ Nhà nước nói thu hồi thì làm gì có tiền mà lấy bìa ra đưa".

Tương tự, gia đình bà Nguyễn Thị Sang cũng có hai thửa đất với tổng diện tích gần 8,5 ha tại khu vực thôn 4, xã Đắk Som, huyện Đắk Glong được cấp quyền sử dụng từ năm 2017.

Theo anh Lê Minh Cà Na – con trai bà Sang, khi mua đất và khi làm thủ tục xin cấp chứng nhận quyền sử dụng đất, không có ý kiến nào nói rằng đất này không hợp pháp, và gia đình đã thuận lợi thế chấp ngân hàng, vay gần 4,5 tỷ đồng. Trước yêu cầu thu hồi của địa phương, gia đình rất lo lắng.

Anh Lê Minh Cà Na cho biết: "Nhà tôi ở đây và mua đất từ năm 1998, rồi bắt đầu canh tác. Ban đầu là canh tác trồng cà phê, sau đó chuyển dần sang trồng cây ăn trái. Đến năm 2015 thì tập trung trồng thêm măng tre. Tổng số tiền đầu tư và công cán cho vườn cây phải chục tỷ đồng. Mới đây gia đình có tiếp nhận được thông tin của xã, huyện là thu hồi sổ đỏ, tài sản trên đất. Nhưng giờ làm sao thu hồi được, tôi đang cầm ở ngân hàng rồi".

Theo kết luận số 140 của thanh tra tỉnh Đắk Nông, ở xã Đắk Som huyện Đắk Glong có 65 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải thu hồi. Lý do, đất này đã được UBND tỉnh Đắk Lắk (cũ) giao cho Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam Trung Bộ và Tây Nguyên từ năm 2003, thuộc quy hoạch 3 loại rừng.

Hiện tại UBND huyện Đắk Glong và xã Đắk Som đã thông báo đến các hộ dân yêu cầu các hộ phải nộp lại chứng nhận quyền sử dụng đất. Nếu không nộp, huyện sẽ đơn phương hủy giá trị pháp lý của các giấy này.

Tuy nhiên, trong 65 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đã cấp sai, đa số được người dân thế chấp vay vốn tại ngân hàng. Một số ít được sang nhượng cho chủ mới. Nếu UBND huyện Đắk Glong đơn phương hủy giá trị của giấy chứng nhận, sẽ gây hậu quả pháp lý và kinh tế không nhỏ.

Theo ông Nguyễn Hồ Hữu – Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Đắk Nông, các ngành chức năng tỉnh Đắk Nông cần phải làm rõ đối tượng chịu trách nhiệm khi cấp đất sai quy định, xác định hậu quả xảy ra cùng biện pháp khắc phục, thì việc thu hồi đất mới có thể được tiến hành thuận lợi.

“Khi khách hàng thanh toán hoàn trả đầy đủ các khoản nợ cả gốc và lãi thì ngân hàng họ mới trả sổ hay tài sản thế chấp cho mình. Việc này phải theo đúng quy định trong Thông tư 39. Các ngân hàng họ cho vay đã làm đúng, không sai quy định.

Còn vấn đề cấp bìa sai rồi thế chấp vay thì về chính quyền địa phương họ phải xử lý người làm sai, việc giải quyết tháo gỡ ra sao thì sau này các ngành chức năng phải ngồi lại bàn bạc áp theo quy định của Luật đất đai cũng như quy định của ngân hàng...” - ông Hữu nêu rõ.

Hậu quả việc cấp sai 65 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại xã Đắk Som đang đẩy nhiều hộ dân vào tình cảnh khó khăn. Việc thu hồi các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất này cũng khó thực hiện. Những thông tin liên quan đến vụ việc sẽ được đề cập trong bài tiếp theo./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên