Đấu giá 3.790 căn hộ tái định cư Thủ Thiêm: Cần mức giá phù hợp để “thoát ế”
VOV.VN - Trong tháng 6/2021, UBND TP.HCM sẽ tổ chức đấu giá 3.790 căn hộ tái định cư thuộc phường Bình Khánh trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Trước đó, TP.HCM đã 2 lần đấu giá số căn hộ này nhưng không thành công và hàng ngàn căn hộ vẫn bỏ không còn nhiều người dân tại TP.HCM lại chưa có nhà. Các chuyên gia tại TP.HCM có nhiều quan điểm xung quanh vấn đề này.
Thất bại hai lần vì mức giá quá cao
3.790 căn hộ chuẩn bị đem đấu giá có tổng diện tích đất hơn 38,4 ha, trong tổng thể 12.500 căn hộ phục vụ tái định cư Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Dự án hoàn thành từ năm 2015, nằm tại vị trí trung tâm Quận 2 cũ (nay là thành phố Thủ Đức), thuận tiện di chuyển đến quận 1. Số căn hộ này được đấu giá vào năm 2017 với mức giá 8.800 tỷ đồng, đến 2018 lại mang đấu giá ở mức 9.100 tỷ đồng nhưng đều không có doanh nghiệp, nhà đầu tư nào quan tâm.
Lần này, UBND TP.HCM yêu cầu hoàn chỉnh hồ sơ tổ chức đấu giá trước ngày 15/6/2021, mức giá dự kiến khoảng 9.900 tỷ đồng. Sau khi trúng đấu giá thì số căn hộ tái định cư này trở thành nhà ở thương mại, có quyền mua bán hoặc chuyển nhượng. Nếu nhà đầu tư có nhu cầu đầu tư xây dựng dự án mới tại khu đất này, thì phải đề xuất dự án lên UBND TP.HCM rồi thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng và phải làm nghĩa vụ tài chính bổ sung với Nhà nước theo quy định.
Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), giá khởi điểm đấu giá quá cao, không hiệu quả kinh doanh. Những lần đấu giá trước UBND TP.HCM chủ trương đấu giá trọn lô, thu tiền một lần cả ngàn căn hộ nên rất khó tìm được người mua. Ngoài ra, việc phải ký quỹ đến 20% giá khởi điểm, nếu trúng đấu giá phải nộp 50% giá trị trúng thầu trong vòng một tháng...cũng là rào cản khiến các doanh nghiệp không mặn mà.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA đề xuất, nếu đấu giá lần này không thành công thì UBND TP.HCM nên tính phương án giảm giá, với mức giảm là 10%.
“Thông lệ đấu giá, nếu tổ chức đấu giá lại thì thông thường, giá khởi điểm sẽ được giảm xuống 10% so với mức giá đấu không thành công ban đầu. Chúng tôi rất bất ngờ khi cơ quan đấu giá đưa ra mức giá khởi điểm lên đến 9.900 tỷ đồng” - ông Lê Hoàng Châu nói.
Đề xuất chia nhỏ thay vì “bán sỉ”
Trong khi cả ngàn căn hộ đang bỏ không thì nhiều người lao động phổ thông lại chật vật để mua một căn nhà ở TP.HCM.
Bà Trần Thị Mai Hương (nhân viên văn phòng tại Quận 1) là người dân từ nơi khác tới TP.HCM sinh sống, lập nghiệp. Với mức thu nhập trung bình từ công việc hiện tại, bà Hương phải đi thuê nhà với mức giá đắt đỏ nhưng vẫn không thoải mái trong sinh hoạt. Khi biết thông tin về việc TP.HCM chuẩn bị đấu giá 3.790 căn hộ tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, bà Hương mong muốn có một chính sách phù hợp để người có thu nhập trung bình mua được nhà.
“Khi mà chúng tôi phải chen chúc trong trung tâm thành phố, phải ở trọ thì có hàng ngàn căn hộ bỏ hoang ở Thủ Thiêm, nhìn rất chua xót. Tôi nghĩ UBND TP.HCM nên có phương án chia nhỏ ra thành từng căn, như vậy thì người dân sẽ dễ dàng tiếp cận” - bà Trần Thị Mai Hương cho hay.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Anh Đào, Tổng Giám đốc công ty VietHome nhận định: Tâm lý người mua đối với cái mác nhà tái định cư cũng khiến cho việc hàng ngàn căn hộ ở vị trí đắc địa nhưng không ai mặn mà. Nhà đầu tư còn quan tâm về tỷ suất lợi nhuận và mức độ rủi ro, không ai mua đấu giá về mà lại khó bán hàng.
Theo ông Đào, có thể tính phương án chia nhỏ số lượng căn hộ đem đấu giá: “Một là chia nhỏ hoàn toàn, bán đấu giá cho người dân. Chia gói nhỏ ra, trong một đợt sẽ chia 5 gói, mỗi gói 50 – 100 căn thì giải quyết được vấn đề. Nếu nhắm đến nhà đầu tư thì phải có giải pháp để họ bán ra, thì họ mới dám đầu tư”.
Để đảm bảo thành công lần đấu giá thứ 3 cho hàng ngàn căn hộ tái định cư tại Thủ Thiêm, UBND TPHCM cần tính toán kỹ về mức giá cho phù hợp, dễ tiếp cận đến những người có nhu cầu thực về nhà ở. Đó cũng là cách giải tỏa được phần nào nhu cầu bức thiết về chỗ ở cho hàng ngàn người dân tại TPHCM./.