Điểm tên những khu vực thị trường địa ốc 'gãy sóng', nhà đầu tư bỏ cọc
Sau một thời gian giá đất tăng ảo, thị trường bất động sản một số khu vực rơi vào tình cảnh "gãy sóng", nhà đầu tư bỏ cọc.
Theo các chuyên gia, đây là hệ luỵ của thị trường địa ốc khi đã tăng trưởng quá nóng.
Khảo sát trên thị trường, giá bất động sản gần như không có dấu hiệu hạ nhưng làn sóng bỏ cọc của các nhà đầu tư đã xuất hiện. Hiện tượng này xảy ra ở các thị trường tỉnh, đã xảy ra cơn sốt giá trong khoảng thời gian ngắn.
Tại huyện Việt Yên, Bắc Giang, từng ghi nhận mức giá đất tăng chóng mặt lên tới 58 triệu đồng/m2 với lô đất nằm ở vị trí đắc địa. Mức giá trung bình của dự án đất nền dao động 22-26 triệu đồng/m2. Thời điểm trước, theo môi giới tên Tân kể lại, lúc sốt đất, đa phần các giao dịch chủ yếu thông qua đặt cọc sàn. Tuy nhiên, thời gian gần đây, thị trường có dấu hiệu đi xuống, chững lại, một số nhà đầu tư đã bắt đầu bỏ cọc vì lo ngại tình trạng khó thoát hàng.
Anh Tân cho biết, hiện tượng bỏ cọc ban đầu chỉ diễn ra nhỏ lẻ, sau lượng người bỏ cọc ngày càng lớn. Lý giải sâu hơn về nguyên nhân nhà đầu tư bỏ cọc, anh Tân nhận định, có thể ban đầu thị trường khu vực này sốt nóng về giá do hai nguyên nhân, một là do thông tin các dự án bất động sản đổ bộ, quy hoạch đường xá và một số nhà đầu tư "tay to" cùng đội ngũ nhân viên thổi lên. Hai là tâm lý đổ tiền vào đất trong thời điểm dịch bệnh và lạm phát như hiện nay.
Thông qua lời nhân viên bán hàng, không ít nhà đầu tư rơi vào tâm lý "phải đầu tư đất, vì chỉ có đất mới sinh ra lợi nhuận". Đó là lý do mà khi môi giới vẽ lên hình ảnh như mua cọc để lướt cũng có lời, cọc sớm sẽ có suất ngoại giao, giá rẻ hơn so với mặt bằng trên thị trường, nhà đầu tư đều muốn xuống tiền. Tuy nhiên, khi thị trường có phần chững lại, một số nhà đầu tư nhận ra: "Kiếm lời không dễ như quảng cáo". Họ còn lo ngại tính pháp lý của dự án, tiến độ thực hiện dự án và nguy cơ chôn vốn nên chấp nhận bỏ cọc.
Theo anh Tân, ngoài hiện tượng một số nhà đầu tư bỏ cọc còn xuất hiện tình trạng nhà đầu tư rơi vào tình cảnh cọc với sàn nhưng sau cơn sốt, sàn "nhổ biển" rời đi mất. "Trước đó, một số nhà đầu tư muốn mua được dự án phải đi qua sàn giao dịch. Nhiều nhân viên môi giới sàn quảng cáo sẽ có suất ngoại giao, rẻ hơn so với thị trường. Nhà đầu tư ký, cọc trực tiếp với sàn. Sau cơn sốt, một số đơn vị sàn tháo biển rời đi, nhà đầu tư không liên hệ được với sàn để đòi khoản cọc".
Tại thị trường bất động sản Hải Dương, kịch bản nhà đầu tư bỏ cọc cũng được ghi nhận. Theo anh Trung, môi giới kiêm nhà đầu tư ở Hải Dương cho biết, tại Bình Giang cách đây ít tháng xuất hiện hiện tượng nhà đầu tư bỏ cọc. Anh Trung cho biết, khu vực Bình Giang xảy ra cơn sốt giá do thông tin dự án đổ về nhiều. Ngoài dự án bất động sản thì thông tin tuyến đường sẽ hoàn thành là đường trục Đông - Tây, trục Bắc - Nam huyện Thanh Miện, kết nối với đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng – Hạ Long tại Bình Giang khiến cho bất động sản khu vực này tăng giá, nhà đầu tư cũng đổ bộ về nhiều.
"Hầu như xã nào cũng tiến hành đấu giá đất. Nhà đầu tư lúc đi cọc đông lắm. Nhưng sau thấy giá quá đắt, nhà đầu tư đều bỏ cọc vì nghĩ rằng khó kiếm lời được", anh Trung nói thêm.
Trước đó, theo báo cáo mới đây của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam ghi nhận, các dấu hiệu rõ nét của thị trường bất động sản là xuất hiện bong bóng cục bộ và giá cao nhưng khả năng thanh khoản thấp.
Các chuyên gia cho rằng, hệ luỵ của cơn sốt giá rất lớn. Đầu tiên, đó chính là hiện tượng nhà đầu tư "bỏ cọc" làm náo loạn thị trường. Thiệt hại sẽ thuộc về những nhà đầu tư đưa ra quyết định sai lầm. Song, điều này khiến cho các nhà đầu tư đến sau trở nên cẩn trọng quá mức. Vô tình, khu vực xảy ra sốt nóng khó thu hút được dòng tiền đầu tư do mức giá neo ở ngưỡng cao. Mặt khác, thị trường "gãy sóng" đến từ việc giá bất động sản đẩy lên quá cao. Các nhà đầu tư cũng đã thông thái trong quyết định xuống tiền vào bất động sản./.