Bianfishco sẽ tăng vốn điều lệ từ 500 lên 1.200 tỷ đồng

Bianfishco dự kiến sau khi hoạt động đi vào ổn định, đại hội đồng cổ đông và tăng vốn điều lệ nhằm tăng năng lực tài chính, giảm chi phí đầu vào. 

Ngày 25/8/2012, Công ty cổ phần Thủy sản Bình An (Bianfishco) đã công bố Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh mới do Sở KH&ĐT Cần Thơ cấp ngày 24/8/2012.

Theo đó, Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) là cổ đông sở hữu 25 triệu cổ phần bằng 50% vốn điều lệ Bianfishco (vốn điều lệ của Bianfishco đang là 500 tỷ đồng) và tham gia tái cấu trúc toàn diện Bianfishco.

Liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của Bianfishco, ông Nguyễn Văn Lê, Tổng Giám đốc SHB cho biết, ngay khi có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh mới, SHB sẽ cử người vào tham gia điều hành, triển khai hoạt động của Bianfishco. Bên cạnh việc giải quyết các khoản nợ, Bianfishco sẽ bắt tay vào việc thu xếp vốn và tái cơ cấu nợ.

Tổng Giám đốc SHB còn dự tính: Với tiềm năng của ngành thủy sản Việt Nam, cũng như kinh nghiệm tái cấu trúc của DATC và SHB, trong thời gian tới Bianfishco sẽ là một trong những công ty lớn của ngành thủy sản Việt Nam. Trong năm 2013, Bianfishco sẽ hoạt động hiệu quả trở lại; trong 3 năm tới dự kiến sẽ niêm yết cổ phiếu công ty này trên thị trường chứng khoán.

Liên quan đến quá trình tái cấu trúc Bianfishco, trả lời báo giới, lãnh đạo SHB – ông Nguyễn Văn Lê, phủ nhận việc thâu tóm Bianfishco, thay vào đó là phải tham gia tái cấu trúc với nhiều nguyên do, trong đó có yêu cầu tự cứu chính mình.

Về hoạt động tái cấu trúc Bianfishco sẽ tập trung vào những công việc như:

- SHB cùng DATC tham gia vào quản trị, điều hành mọi hoạt động tại Bianfishco, đặc biệt chú trọng phát triển sản xuất kinh doanh, quản lý tài chính, kiểm soát chi phí thị trường đầu vào và đầu ra;

- SHB thực hiện giải ngân cho Bianfishco trả nợ tiền mua nguyên liệu của nông dân, bổ sung vốn lưu động phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh;

- Các chủ nợ là các ngân hàng, tổ chức kinh tế đã đồng ý khoanh nợ, giảm lãi, miễn lãi đối với các khoản nợ của Bianfishco trong khoảng thời gian 3 năm nhằm sớm đưa công ty đi vào hoạt động ổn định, an toàn và hiệu quả. Đối với một số chủ nợ lớn như BIDV, VDB sẽ đàm phán để chuyển nợ thành vốn góp khi Bianfishco tăng vốn điều lệ;

- Sau khi hoạt động sản xuất, kinh doanh đi vào ổn định sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông tăng vốn điều lệ từ 500 tỷ đồng lên 1.200 tỷ đồng nhằm tăng năng lực tài chính, giảm chi phí đầu vào;

- Mở rộng thị trường trên nền tảng khách hàng của Bianfishco và quan hệ đối tác truyền thống của SHB với các ngân hàng và doanh nghiệp nhập khẩu thủy sản tại thị trường châu Mỹ, châu Âu, Nhật Bản;

- Thành lập Tổng Công ty Thủy sản Bình An trên cơ sở mở rộng, tiếp nhận và nâng cao hiệu quả hoạt động các công ty vệ tinh: Nhà máy Chế biến thức ăn chăn nuôi, Công ty nuôi trồng thủy hải sản, tái cấu trúc Công ty sản xuất Nước uống Collagen, Viện Nghiên cứu Thủy sản…Đặc biệt chú trọng mở rộng vùng nuôi trồng thủy hải sản để đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào ổn định cho hoạt động chế biến.

Tổng giám đốc SHB tin tưởng rằng, nếu vực dậy thành công, sẽ có nhiều giá trị lan tỏa không chỉ cho riêng Bianfishco. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Lê cũng thẳng thắn nhìn nhận: Còn quá nhiều việc phải làm để đưa công ty trở lại hoạt động ổn định, nhiều khó khăn vẫn chưa thể xử lý ngay, và yêu cầu cao nhất hiện nay là tránh được một thực tế phá sản. Bởi theo ông Lê, để công ty phá sản thì tất cả các chủ nợ đều bị thiệt hại, đặc biệt là các hộ nông dân. Tài sản đánh giá lại của Bianfishco không đủ để trả nợ; và nếu phá sản sẽ còn nhiều vấn đề pháp lý phức tạp và kéo dài sau đó./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên