Biến động tỷ giá: Kẻ khóc người cười
VOV.VN - Biến động tỷ giá đang có những tác động trái chiều đối với các doanh nghiệp xuất khẩu và nhập khẩu.
Trong khoảng 2 tuần trở lại đây, giá mua bán VND/USD trên cả thị trường tự do và liên ngân hàng đều biến động mạnh. Đây là đợt đầu tiên trong năm nay, giá USD trên thị trường tự do và liên ngân hàng cùng tăng. Điều này có tác động nhiều đến các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam nói riêng và nền kinh tế nói chung.
Những tác động của tỷ giá
Hôm nay (19/3), giá mua bán USD tại các ngân hàng lại tăng trở lại. Tại Viecombank và VietinBank, giá USD bán ra được niêm yết ở mức 21.490 đồng/USD. Còn tại Eximbank giá bán USD cao hơn, ở mức 21.500 đồng/USD.
So với 10 ngày trước, giá bán USD tại các ngân hàng thương mại đã tăng khoảng 160 đồng/USD và chỉ còn thấp hơn mức trần quy định của Ngân hàng Nhà nước 128-133 đồng/USD. Trong khi đó, giá mua bán USD tại thị trường tự do vẫn duy trì đà tăng, bán ra ở mức 21.820 đồng/USD, mua vào 21.780 đồng/USD.
“Tỷ giá tăng bao nhiêu tác động đến giá thành bấy nhiêu với những mặt hàng nhập khẩu. Nhưng giá bán lại không điều chỉnh được, đương nhiên lợi nhuận của doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Khi giá vốn tăng, doanh nghiệp phải cắt giảm chi phí, giảm chính sách khuyến mãi bán hàng để bù đắp lại thiếu hụt đó, đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp và vẫn phải thực hiện kế hoạch sản xuất bình thường”, ông Nguyễn Xuân Phú nói.
Trong khi đó, với các doanh nghiệp xuất khẩu chủ động được nguồn nguyên phụ liệu, tác động từ việc tăng tỷ giá có phần nhẹ hơn, thậm chí doanh nghiệp còn có lợi khi xuất khẩu.
Ông Nguyễn Văn Châu, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP May Thủy Đạt chia sẻ, mỗi tháng công ty xuất khẩu sản phẩm dệt may đạt trị giá khoảng 1 triệu USD. Do doanh nghiệp chủ động được phần lớn nguồn nguyên phụ liệu nội địa, nên tác động tỷ giá không quá lớn.
“Tỷ giá tăng sẽ có lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu, đặc biệt với doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu ít sẽ không biến động nhiều. Ngoài một số nguyên liệu nhập nước ngoài, chủ yếu doanh nghiệp sử dụng nguyên liệu trong nước. Vì thế, khi tỷ giá thay đổi, doanh nghiệp tôi vẫn mua được nguyên liệu giá thấp, do đó khi xuất khẩu sẽ được hưởng lợi”, ông Nguyễn Văn Châu cho biết
Cần theo dõi thị trường thế giới
Theo các chuyên gia kinh tế, nguyên nhân USD biến động chủ yếu do USD tăng giá so với một số đồng tiền khác, đặc biệt so với đồng EURO. Bên cạnh đó, kinh tế trong nước phục hồi, xuất khẩu của doanh nghiệp nội địa tăng, nên phải nhập nguyên liệu.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, chỉ tính riêng 2 tháng đầu năm, cả nước đã nhập siêu hơn 1,2 tỷ USD. Cùng với đó là yếu tố tâm lý một bộ phận người dân kỳ vọng tỷ giá sẽ phải điều chỉnh, nên người người muốn “găm” giữ, người lại muốn mua vào. Những yếu tố này xuất hiện cùng thời điểm gây sức ép nhất định lên tỷ giá.
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng cho rằng, USD tăng giá nếu không điều chỉnh tỷ giá, đồng Việt Nam cũng bị tăng giá so với các loại tiền tệ khác, đặc biệt so với những nước đang cạnh tranh xuất khẩu với Việt Nam. Các doanh nghiệp khi nhập khẩu về Việt Nam chủ yếu bằng USD sẽ tăng chi phí. Ngoài ra, đồng USD tăng giá cũng khiến nợ quốc gia sẽ tăng lên...
Về khả năng điều chỉnh tỷ giá, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, Ngân hàng Nhà nước đưa ra mục tiêu trong năm nay điều chỉnh tỷ giá USD/VND không quá 2%. Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh tỷ giá, nên sẽ khó điều chỉnh thêm 1% trong thời điểm này. Tuy nhiên, trong bối cảnh này, Ngân hàng Nhà nước sẽ phải bám sát thị trường và cân nhắc các yếu tố để có giải pháp can thiệp phù hợp, cân đối cung cầu, tránh tác động tiêu cực đến nền kinh tế.
“Cam kết điều chỉnh tỷ giá 2% trong năm 2015 trong bối cảnh thị trường bình thường không có nhiêu biến động, nhưng rõ ràng, hiện thị trường đang có khá nhiều thay đổi. Kịch bản cần được nghiên cứu và điều chỉnh phù hợp. Trong thời điểm hiện nay, động thái của Ngân hàng Nhà nước là nghe ngóng và bám sát thị trường và sẵn sàng can thiệp khi thị trường biến động. Có lẽ cần bám sát hơn nữa, tăng cường truyền thông để giải tỏa yếu tố tâm lý trên thị trường, cân nhắc linh hoạt hơn chính sách điều hành tỷ giá trong thời gian tới”, TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh.
Các chuyên gia khuyến cáo, doanh nghiệp cần đa dạng hóa đồng tiền trong quan hệ thanh toán xuất nhập khẩu…Đồng thời, cũng cần chú ý theo dõi những diễn biến trên thị trường thế giới, đặc biệt thị trường Mỹ, để có thể dự đoán những biến động của tỷ giá trên thế giới và có các biện pháp phòng ngừa rủi ro hợp lý./.