Bình Dương chú trọng phát triển kinh tế tập thể
VOV.VN - Mô hình kinh tế tập thể giúp người lao động ở Bình Dương. Hiện có hơn 1.350 tổ hợp tác và 111 hợp tác xã với hơn 48.000 xã viên.
Cùng với sự phát triển chung của nền kinh tế, mô hình kinh tế tập thể ở Bình Dương đã không ngừng phát triển, ngày càng có nhiều hợp tác xã ở nhiều lĩnh vực hoạt động đạt hiệu quả kinh tế cao, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho xã viên và người lao động.
Là một trong những mô hình kinh tế hợp tác xã ra đời sớm nhất của tỉnh Bình Dương, đến nay, hợp tác xã nông nghiệp Tân Ba ở thị trấn Thái Hòa, huyện Tân Uyên đã trở thành mô hình kinh tế tập thể điển hình ở địa phương. Nhờ đầu tư, áp dụng quy trình sản xuất chặt chẽ, hợp lý nên đã góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế trong quá trình trồng trọt và chăn nuôi, với doanh thu là lợi nhuận tăng đều hằng năm.
Riêng trong 6 tháng đầu năm nay, tổng doanh thu trên lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi của hợp tác xã đạt trên 5 tỷ đồng, tăng gần 10% so với cùng kỳ năm trước, mang về lợi nhuận hơn 1,2 tỷ đồng. Hợp tác xã đã từng bước cải thiện nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế cho 115 xã viên trong hợp tác xã.
“Những năm gần đây điều kiện hỗ trợ của hợp tác xã cho xã viên cũng cao hơn một bước. Cụ thể là về vấn đề cày bừa cũng có máy cày, giá thành giảm cho bà con so với bên ngoài là 25%”- ông Bùi Nghĩa Hiệp, xã viên Hợp tác xã cho biết.
Bình Dương hiện có hơn 1.350 tổ hợp tác và 111 hợp tác xã với hơn 48.000 xã viên, hoạt động trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp - xây dựng và thương mại dịch vụ… Mặc dù luôn đối mặt với những khó khăn trong đầu tư sản xuất kinh doanh và sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường, nhưng với sự hỗ trợ của các cấp, các ngành ở địa phương, các hợp tác xã đã nỗ lực đẩy mạnh phong trào thi đua, phát triển nhiều mô hình, hướng đi mới, góp phần đưa hoạt động sản xuất kinh doanh của khu vực kinh tế tập thể ngày càng có hiệu quả. Riêng năm 2012 đạt tổng doanh thu hơn 1.400 tỷ đồng, tăng hơn 9 lần so với thời điểm 10 năm trước, mức tăng trưởng bình quân hàng năm đạt hơn 23%.
Tuy nhiên, hoạt động của các mô hình kinh tế hợp tác xã ở Bình Dương hiện vẫn còn những hạn chế nhất định, chưa tạo được sức bật để thúc đẩy kinh tế tập thể địa phương phát triển một cách toàn diện, mà trong đó, những hạn chế về năng lực nội tại và những chính sách tác động hỗ trợ cụ thể là vấn đề cốt lõi cần được xem xét, để có giải pháp khả thi hơn.
Ông Trần Văn Lực, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Bình Dương cho rằng: “Tỉnh cũng có những chế độ chính sách riêng nhưng hiện nay Luật mới cũng phải có điểm phù hợp với Luật hợp tác xã năm 2012, đặc biệt là chế độ chính sách về tài chính, tín dụng, khoa học công nghệ, đào tạo…rất quan trọng. Cho nên, tôi nghĩ rằng cần phải tích cực hơn”.
Vai trò kinh tế tập thể ở Bình Dương đã và đang dần được khẳng định với những mô hình hợp tác xã hoạt động hiệu quả, cho năng suất, lợi nhuận cao. Vấn đề đặt ra ở đây là làm thế nào để phát huy tốt hiệu quả những mô hình này, trong đó việc khuyến khích và hỗ trợ nhân rộng các mô hình hợp tác xã điển hình sẽ tạo tiền đề trong mục tiêu phát triển kinh tế tập thể của tỉnh một cách bền vững./.