Bình ổn thị trường vàng: Cần sớm bỏ độc quyền vàng miếng
VOV.VN - Đại biểu Quốc hội cho rằng, kinh doanh vàng là một loại hình kinh doanh có điều kiện và vàng là một đối tượng đặc biệt, nên phải tính toán hết sức kỹ lưỡng và có tư duy quản lý bài bản, tránh giật cục; cương quyết không chạy theo nhu cầu, tâm lý của một nhóm nhỏ trong xã hội.
Để tăng cung bình ổn thị trường vàng, trong hơn 1 tháng nay Ngân hàng Nhà nước bắt đầu gọi thầu vàng miếng SJC. Từ ngày 22/4 đến nay, sau 9 phiên đấu thầu có 6 phiên thành công với hơn 48.000 lượng vàng miếng được nhà điều hành tung ra thị trường. Tuy nhiên NHNN cũng cho biết, sẽ dừng đấu thầu vàng miếng và sẽ triển khai phương án khác để bình ổn thị trường vàng, dự kiến từ ngày 3/6 tới đây.
Không nên cổ súy biến vàng miếng trở thành một loại hàng hóa
Vấn đề nguồn cung vàng, giá vàng và giao dịch vàng nhận được nhiều sự quan tâm của các ĐBQH tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đang diễn ra. Khẳng định của đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM) cho thấy, giá vàng hiện nay rất khó dự đoán. Thường trong lịch sử, thị trường vàng, giá vàng luôn biến động rất bất thường khi có những cú sốc về khủng hoảng tài chính như hiện nay. Cùng với đó, giá vàng cũng có biến động rất lớn trước những xung đột chính trị, hay chiến tranh tại các khu vực.
“Để ổn định thị trường trong nước, tránh những biến động không đáng có nên tạo điều kiện để cân đối thị trường vàng, nhất là giải pháp chống buôn lậu khi có sự chênh lệch về giá quá cao giữa hai thị trường. NHNN phải kiểm soát giá cả của thị trường vàng bằng việc sửa triệt để Nghị định 24. Cần có những biện pháp (kể cả kỹ thuật) để giảm sự chênh lệch giữa vàng miếng và vàng nhẫn, nhất thiết phải bỏ độc quyền vàng miếng để không tạo ra những bất cập vô lý”, đại biểu Trần Hoàng Ngân nhìn nhận.
Cho rằng với biến động “nhảy múa” của giá vàng như hiện nay sẽ không thể có một “thị trường vàng” đúng nghĩa, đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) nêu ý kiến, việc điều hành giá phải hết sức bình tĩnh và phải có quan điểm rõ ràng về mặt hàng vàng.
“Không nên dùng cụm từ “thị trường vàng” vì hiện ta không có thị trường theo đúng nghĩa. Cần nhận ra vấn đề ở chỗ, không nên vì nhu cầu hay tâm lý của một nhóm nhỏ trong xã hội khi muốn tích trữ, kinh doanh vàng, tìm lợi từ vàng miếng… để đưa ra những hành động có tính chất phi thị trường. Đặc biệt, không nên cổ súy việc biến vàng miếng trở thành một loại hàng hóa”, ông An nói.
Vị ĐBQH này cũng cho rằng, kinh doanh vàng là một loại hình kinh doanh có điều kiện và vàng là một đối tượng đặc biệt, nên phải tính toán hết sức kỹ lưỡng và có tư duy quản lý bài bản, tránh giật cục và cương quyết không chạy theo nhu cầu, tâm lý của một nhóm nhỏ trong xã hội. Lúc này cần nghiên cứu, tính toán lại việc độc quyền vàng miếng theo thương hiệu, nhằm tránh tình trạng buôn lậu cũng như tránh tình trạng phụ thuộc vào một vài nhà phân phối.
“Tôi không đồng tình với giải pháp đấu thầu vàng của NHNN như vừa qua. Đây là giải pháp không phù hợp vì vô hình chung biến Nhà nước thành người đi buôn và qua đấu thầu lại tạo ra một mặt bằng giá mới tăng cao liên tục. Thực tế cho thấy việc bỏ tiền ra đi mua vàng về đấu thầu bình ổn đã không đúng giải pháp”, đại biểu An bày tỏ quan điểm.
Thanh tra toàn diện về mọi mặt
Cũng theo đại biểu Trịnh Xuân An, giải pháp cần hiện nay vẫn là để vàng cho thị trường điều tiết, nhưng vẫn phải sửa triệt để Nghị định 24 để đưa hoạt động kinh doanh vàng là bình thường, có sự điều tiết và quản lý. Ngoài ra cần có các biện pháp kỹ thuật và không khuyến khích việc đưa vàng miếng đi bán. “Vàng là vàng chung, không thể chấp nhận có sự chênh lệch giá giữa vàng miếng và vàng nhẫn”, đại biểu An cương quyết.
Ủng hộ việc Nhà nước đấu thầu vàng để có bước thu hẹp khoảng cách đối với giá vàng trong nước và giá vàng quốc tế, hỗ trợ cho cung cầu vàng, song đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, phải quản lý thị trường này bằng cách quản lý giao dịch phải có hóa đơn chứng từ, cũng như tăng cường kiểm soát chống buôn lậu và đầu cơ. “Giá vàng liên tục lên - xuống nên nhiệm vụ của chúng ta là thu hẹp khoảng cách này. Tuy nhiên về mặt giá cả, chúng ta phải có sự kiểm soát phù hợp hơn, nhất là thu hẹp nhanh khoảng cách giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới”, đại biểu Ngân nói.
Vào cuối phiên thảo luận tại hội trường ngày 29/5, Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cũng thừa nhận giá vàng tăng cao và biến động phức tạp là diễn biến chung của nhiều quốc gia, không chỉ riêng Việt Nam. Điểm khác biệt chính là chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế được nới rộng, nhất là với vàng miếng SJC.
Thống đốc cho biết, NHNN đã thực hiện tăng cung vàng ra thị trường thông qua hình thức đấu thầu với kỳ vọng là tăng cung vàng ra thị trường và giá sẽ giảm dần. Tuy nhiên, qua 9 phiên đấu thầu chênh lệch giá giảm không được như kỳ vọng nên đã phải dừng đấu thầu để đánh giá tình hình và tìm ra các nguyên nhân và xây dựng một phương án khác trên tinh thần minh bạch hóa các giao dịch của thị trường vàng.
“Trong thời gian vừa qua, những biến động trên thị trường vàng cũng không ngoại trừ những hành vi vi phạm pháp luật để đầu cơ găm giữ, đẩy giá. NHNN đã ra quyết định thành lập Đoàn thanh tra liên ngành để thanh tra toàn diện về mọi mặt, từ hóa đơn chứng từ các giao dịch phòng, chống rửa tiền liên quan đến các giao dịch về vàng”, bà Hồng khẳng định.