Bình quân mỗi người dân Việt Nam “gánh” hơn 32 triệu đồng nợ công
VOV.VN - Với quy mô kinh tế năm 2018 khoảng 5,5 triệu tỷ đồng, nợ công ở ngưỡng 3,2 triệu tỷ, bình quân mỗi người dân Việt Nam “gánh” hơn 32 triệu đồng nợ công.
Theo báo cáo Đánh giá tình hình nợ công năm 2018 do Bộ Tài chính gửi tới các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XIV đang diễn ra tại Hà Nội, tình hình nợ công đã được quản lý, kiểm soát chặt chẽ hơn, các mức dư nợ đều thấp hơn quy định trong kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020.
Theo đó, tỷ lệ nợ công Việt Nam đã giảm xuống dưới 60% GDP, ở mức 58,4% GDP và cũng là mức thấp nhất 3 năm qua. Theo tính toán, với quy mô kinh tế năm 2018 khoảng 5,5 triệu tỷ đồng, nợ công ở ngưỡng 3,2 triệu tỷ thì bình quân mỗi người dân Việt Nam gánh hơn 32 triệu đồng nợ công năm 2018.
Bình quân mỗi người dân Việt Nam đang phải "gánh" hơn 32 triệu đồng nợ công |
Về bội chi ngân sách Nhà nước (NSNN), sau khi đánh giá lại, số bội chi ngân sách đã giảm 12.500 tỷ đồng so với mức báo cáo Quốc hội trước đó, ở mức 191.500 tỷ đồng, tương đương 3,46% GDP, thấp hơn so với dự toán bội chi ngân sách Nhà nước đã được Quốc hội quyết định là 3,7% GDP.
Trong đó, bội chi ngân sách trung ương là 191.500 tỷ đồng, giảm 3.500 tỷ đồng so với dự toán. Còn ngân sách địa phương không có bội chi.
Về tình hình vay, trả nợ và tái cơ cấu nợ của Chính phủ, tính tới hết năm 2018, đã huy động vốn vay trong nước 250.468 tỷ đồng để đáp ứng nhu cầu bù đắp bội chi ngân sách trung ương và trả nợ gốc, đạt 90,8% so với kế hoạch và chiếm 78,6% cơ cấu vay vốn của Chính phủ.
Cụ thể, kênh phát hành trái phiếu Chính phủ (TPCP) vẫn tiếp tục đóng vai trò chủ đạo, theo đó trong năm 2018 phát hành 196.797 tỷ đồng, đạt 89,1% so với kế hoạch. Trên cơ sở tình hình thu, chi NSNN, tình hình giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản, đã chủ động giảm khối lượng phát hành TPCP trong bối cảnh thị trường tiền tệ, ngoại hối có nhiều biến động để ổn định lãi suất, tiết kiệm chi phí trả lãi cho NSNN. Đồng thời, tập trung phát hành kỳ hạn dài từ 10 năm trở lên (chiếm trên 90% tổng khối lượng huy động, tăng mạnh so với mức 70,5% năm 2017) để tiếp tục cơ cấu lại danh mục nợ TPCP.
Do thu NSNN năm 2018 tương đối tốt, mức tồn ngân quỹ nhà nước cao, đã chủ động điều chỉnh kế hoạch huy động để phù hợp với tiến độ giải ngân, đảm bảo quản lý sử dụng vốn hiệu quả. Trong năm 2018 đã huy động 53.671 tỷ đồng từ nguồn tạm ứng ngân quỹ nhà nước.
Về vay nước ngoài, trong năm 2018, đã ký kết 18 hiệp định vay vốn nước ngoài với tổng trị giá 1.503 triệu USD. Giải ngân vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ khoảng 3.010 triệu USD, tương đương 68.229 tỷ đồng, bằng 63,2% kế hoạch năm, chiếm 21,4% cơ cấu huy động vốn của Chính phủ.
Nguyên nhân giải ngân chậm chủ yếu do việc xây dựng kế hoạch, phân bổ và giải ngân vốn có thời điểm còn chậm, chưa chấp hành nghiêm kỷ luật tài chính; có dự án chưa được bố trí đầy đủ, kịp thời vốn đối ứng; có trường hợp chưa tuân thủ cam kết với nhà tài trợ. Một số dự án có chất lượng chuẩn bị chưa cao, hiệu quả thấp, tiếp nhận công nghệ lạc hậu, thời gian chuẩn bị kéo dài.
Ngoài ra, một số dự án đã bố trí kế hoạch vốn năm 2018 nhưng hết thời hạn giải ngân vốn và chờ thủ tục gia hạn giải ngân từ nhà tài trợ theo quy định. Một số dự án đang trong quá trình thanh quyết toán ở giai đoạn cuối của dự án nên tiến độ giải ngân không đều. Một số dự án chuyển tiếp vẫn đang thực hiện các thủ tục điều chỉnh dự án, điều chỉnh hạng mục, điều chỉnh tổng mức đầu tư làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân.
Bộ Tài chính cho biết, đã đưa ra loạt biện pháp "siết" quản lý nợ công. Chẳng hạn với nợ Chính phủ, cơ quan này điều chỉnh cơ cấu và khối lượng vay phù hợp với nhu cầu sử dụng vốn, điều kiện thị trường. Cơ quan này đã chủ động giảm khối lượng phát hành trái phiếu Chính phủ năm 2018 trong bối cảnh thị trường tiền tệ, ngoại hối nhiều biến động. Mặt khác, bình quân kỳ hạn trái phiếu Chính phủ cũng dài hơn, mức 12,7 năm. Hơn 90% lượng trái phiếu huy động kỳ hạn từ 10 năm trở lên. Kỳ hạn trái phiếu Chính phủ dài trong khi lãi suất giảm giúp nghĩa vụ trả nợ giảm.
Với vốn vay ODA, ưu đãi nước ngoài, Bộ Tài chính chủ động rà soát, công khai thông tin về khung điều kiện vay ODA, vay ưu đãi của nhà tài trợ, khả năng điều kiện cho vay lại vốn vay ODA... làm cơ sở để các Bộ, ngành, địa phương, chủ dự án và các doanh nghiệp đề xuất dự án mới.
Ngoài ra, việc kiểm soát an toàn nợ của chính quyền địa phương được cơ quan quản lý túi tiền quốc gia thực hiện xuyên suốt, từ tham gia ý kiến với đề xuất sử dụng vốn ODA/vay ưu đãi Chính phủ đến khâu thẩm định cho vay lại và giải ngân nguồn vốn vay nước ngoài cho các dự án đã được duyệt./.
Nợ công cao là một trong những rủi ro vĩ mô lớn nhất của nền kinh tế
Gánh nặng nợ công “đè” tăng trưởng kinh tế