Bình Thuận nỗ lực gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của EC
VOV.VN - Bám sát các nhóm khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC), thời gian qua, tỉnh Bình Thuận đã và đang tập trung tăng cường giám sát tàu cá, khai thác thông tin hoạt động tàu cá phục vụ quản lý và truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác.
Đến nay, phần lớn ngư dân Bình Thuận đã ý thức được tầm quan trọng của việc ghi, nộp nhật ký khai thác thủy sản, cũng như tuân thủ chấp hành việc gắn thiết bị giám sát hành trình (VMS).
Nâng cao ý thức ngư dân
Chỉ trong tháng 2/2023, lực lượng biên phòng Bình Thuận đã tổ chức 22 buổi tuyên truyền với hơn 1.300 lượt ngư dân tham gia, chủ yếu liên quan hoạt động khai thác hải sản xa bờ, các nhóm ngành nghề có nguy cơ vi phạm các quy định của pháp luật về chống khai thác IUU (khai thác hải sản trái phép, không báo cáo và không theo quy định). Qua đó, yêu cầu 55 lượt chủ thuyền (thuyền trưởng) viết cam kết chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật khi khai thác hải sản trên biển.
Ông Trần Đăng, tài công của tàu BTh 84025Ts hành nghề lưới rê ở thị trấn Liên Hương, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận cho biết, do thường xuyên tham gia sinh hoạt các “Tổ thuyền đoàn kết”, cũng như thông qua các tờ rơi của lực lượng biên phòng, ông được biết sâu, kỹ các nội dung trọng tâm của công tác chống khai thác IUU.
Theo ông Đăng: "Các anh em biên phòng thông báo đến ngư dân vùng lãnh thổ của Việt Nam, chỉ đánh bắt trong vùng biển của mình, còn vùng biển nước ngoài không được xâm phạm. Các chiến sỹ biên phòng rất quan tâm chỉ dẫn vùng biển mà bà con được phép đánh bắt".
Cùng với đó, để kiểm soát việc thực thi quy định, truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác, các đơn vị chức năng của tỉnh Bình Thuận đã tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của tàu cá; thực hiện việc xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác đúng quy định, đảm bảo hồ sơ các lô hàng xuất khẩu truy xuất được nguồn gốc nguyên liệu thủy sản khai thác.
Ông Trương Văn Tám – một chủ tàu ở phường Phú Hài, TP. Phan Thiết cho biết, từ lúc Luật Thủy sản ra đời (2017), các lực lượng chức năng trong và ngoài tỉnh quản lý tàu cá, chống khai thác IUU gắn với triển khai thi hành Luật Thủy sản, được triển khai quyết liệt, thường xuyên. Những ngư dân như ông cũng từ đó nâng cao hiểu biết và tăng thêm trách nhiệm của mình trong công tác chống khai thác IUU.
"Trước khi đi biển phải làm đầy đủ các thủ tục giấy tờ như xuất giấy tờ trình cảng, đồn biên phòng để kiểm tra các trang thiết bị an toàn cho tàu, cho lao động. Rồi khi vào cũng vậy, đến trạm biên phòng, hay vô cảng trình nhật ký và số lượng đánh bắt" - ông Tám cho biết.
Chưa ký cam kết, tàu không được xuất bến
Mặc dù đã triển khai nhiều giải pháp chống khai thác IUU, nhưng từ đầu năm đến nay tỉnh Bình Thuận vẫn xảy ra 1 vụ/1 tàu cá với 7 lao động bị lực lượng chức năng Malaysia bắt giữ. Chi cục Thủy sản phát hiện, xử phạt 2 trường hợp vi phạm khai thác IUU. Một số hành vi vi phạm được EC khuyến nghị như hoạt động khai thác không có giấy phép hoặc giấy phép hết hạn; không ghi, không nộp nhật ký khai thác/báo cáo khai thác; không khai báo khi ra vào cảng cá... vẫn còn.
Để góp phần cùng với các đơn vị, ngành liên quan trong việc gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của EC, trong thời gian qua, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Thuận đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải Quân, Bộ đội Biên phòng các tỉnh lân cận, nhất là các tỉnh phía Nam tăng cường nắm tình hình, xử lý các vụ việc xảy ra trên khu vực biên giới biển.
Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Thuận đã phân công mỗi đảng viên phụ trách hộ gia đình ở nơi cư trú, để nắm thông tin từ cơ sở, những chủ tàu, phương tiện nào có nguy cơ vi phạm vùng biển nước ngoài. Kết hợp với ngành thuỷ sản rà soát lại các phương tiện khai thác hải sản trên địa bàn, thường xuyên khai thác hải sản ngoài phạm vi cho phép.
Đại tá Đinh Văn Sáu – Bí thư Đảng uỷ - Chính uỷ Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Bình Thuận cho biết, tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, cho các chủ tàu, thuyền trưởng hoạt động vùng khơi ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài.
Theo Đại tá Đinh Văn Sáu: "Nếu không tháo gỡ được thẻ vàng mà còn bị phạt thẻ đỏ thì đời sống nhân dân hết sức khó khăn, bởi vì ở tuyến biển, hầu hết bà con sống bằng nghề khai thác hải sản. Cho nên phải nhờ sự nỗ lực của các ban ngành đoàn thể, của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, thấy được trách nhiệm để từ đó chúng ta làm tốt công tác quản lý khai thác hải sản trên biển và chấp hành theo quy định của IUU".
Tính đến tháng 2/2023, Chi cục Thủy sản Bình Thuận đã cấp đăng ký cho 5.763 tàu cá, trong đó, nhóm tàu từ 6-12m là 1.859 chiếc, nhóm tàu từ 12-15m là 1.943 chiếc, nhóm tàu từ 15m trở lên là 1.961 chiếc. Hiện nay, số tàu cá còn hạn đăng kiểm là 3.264/3.904 chiếc, đạt tỷ lệ trên 82%; nhìn chung, tất cả tàu cá được đăng kiểm đều thực hiện việc đánh dấu tàu cá đúng theo quy định.
Trong tổng số 1.196 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên đã đăng ký, có 1.929 tàu cá đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS), đạt tỷ lệ trên 98%, trong đó có 40/42 tàu cá có chiều dài từ 24m trở lên và 1.889/1.919 tàu cá có chiều dài từ 15m đến dưới 24m.
Để gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của EC, trong thời gian tới lực lượng chức năng tỉnh Bình Thuận tiếp tục tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện xử lý nghiêm các tàu cá có biểu hiện nghi vấn vi phạm vùng biển nước ngoài, các tàu cá không đầy đủ thủ tục giấy tờ, trang thiết bị đảm bảo an toàn. Kiên quyết không cho xuất bến đối với chủ tàu thuyền trưởng không thực hiện việc ký cam kết, không chấp hành đầy đủ các quy định khi hoạt động trên biển./.