Bộ Công thương cảnh báo lừa đảo từ Tây Phi

Các doanh nghiệp Việt Nam bị lừa bằng hình thức đề nghị mua hàng, hoặc ký hợp đồng xuất nhập khẩu hàng hóa với giá hấp dẫn, thủ tục đơn giản.

Bộ Công thương vừa có công văn gửi các hiệp hội ngành nghề cảnh báo về hiện tượng lừa đảo từ các đối tượng ở châu Phi.

Theo Bộ Công thương, một số đối tượng tự nhận là doanh nghiệp tại các nước Tây Phi, như: Togo, Benin, Cameroon, Nigeria, Ghana, Senegal… hoặc giả mạo là tổ chức thuộc Chính phủ Niger Delta Development Commission hay phi chính phủ như Tổ chức Cứu trợ và Phát triển kinh tế Tây Phi EDSROWA…

Theo kết quả thẩm tra của Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á và các Thương vụ tại châu Phi (Bộ Công thương), phát hiện hầu hết các trường hợp này là lừa đảo. Bộ Công Thương cảnh báo về các hình thức lừa đảo phổ biến thời gian qua để các doanh nghiệp trong nước biết và có biện pháp đề phòng: các đối tác nói trên lừa đảo các doanh nghiệp Việt Nam bằng hình thức đề nghị mua hàng, hoặc ký hợp đồng xuất nhập khẩu hàng hóa với giá hấp dẫn, thủ tục đơn giản. Sau đó họ yêu cầu doanh nghiệp Việt Nam trả trước lệ phí như phí nhập khẩu, phí giao dịch hoặc đăng ký cấp giấy phép nhập khẩu với giá trị khoảng vài ngàn USD, chuyển vào tài khoản do đối tác cung cấp.

Để tránh rủi ro, Bộ Công thương lưu ý: Nhiều nước Tây Phi nói tiếng Pháp nên tất cả văn bản chính thức đều là tiếng Pháp, nếu văn bản hành chính (như giấy phép kinh doanh) bằng tiếng Anh là có vấn đề. Giao dịch thông qua thương mại điện tử chưa phổ biến và cơ sở hạ tầng các nước này chưa đáp ứng được. Vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam khi giao dịch phải hết sức cảnh giác, cần phải kiểm tra, xác minh thông tin cẩn thận.

Vụ thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á khuyến cáo, để mở rộng thị trường sang khu vực châu Phi, doanh nghiệp nên tham gia các hội chợ thương mại tổ chức tại các nước, các đoàn xúc tiến thương mại do các Bộ, ngành tổ chức hoặc trực tiếp đi khảo sát tìm hiểu thị trường. Doanh nghiệp cũng có thể đề nghị Bộ Công Thương và Thương vụ hỗ trợ cung cấp thông tin về thị trường và hỗ trợ trong quá trình thực hiện các hoạt động tại các nước. Nếu cảm thấy có những bất thường trong quá trình giao dịch, doanh nghiệp cần xác minh rõ đối tác và các yêu cầu của họ./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên