Bộ Công Thương: Chỉ số sản xuất công nghiệp cả năm đạt khoảng 10%
VOV.VN - Bộ Công Thương dự báo, năm 2015 chỉ số sản xuất công nghiệp đạt khoảng 10%, giá trị tăng thêm công nghiệp tăng khoảng 7-7,5%/năm.
Bộ Công Thương cho biết, trong tháng 9/2015, các ngành công nghiệp đều có mức tăng trưởng cao hơn nhiều so với mức tăng cùng kỳ năm trước đã đưa chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 9/2015 tăng 10,1%. Tính chung 9 tháng qua, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp đã tăng 9,8%, cao hơn nhiều so với các năm gần đây.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, sản xuất công nghiệp 9 tháng năm 2015 cao hơn mức tăng của cùng kỳ năm 2013 và năm 2014. Bên cạnh đó, thông qua mức tăng trưởng hàng tháng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và tăng trưởng của ngành sản xuất và phân phối điện, có thể thấy sản xuất công nghiệp tiếp tục xu hướng phát triển.
Nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và nhóm ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của toàn ngành là yếu tố tích cực của phát triển sản xuất kinh tế. Nhóm mặt hàng cơ khí tăng trưởng khá là dấu hiệu cho thấy ngành công nghiệp hỗ trợ bắt đầu xu hướng phát triển.
Nhóm mặt hàng cơ khí tăng trưởng khá là dấu hiệu cho thấy ngành công nghiệp hỗ trợ bắt đầu xu hướng phát triển. (Ảnh: TTXVN) |
Ngành khai khoáng mặc dù gặp nhiều khó khăn (do thiên tai) nhưng với sự cố gắng, nỗ lực của toàn ngành, sản xuất đang ở mức ổn định, tập trung ở những sản phẩm là nguyên liệu đầu vào của sản xuất như than, đá, cát, sỏi, đất sét...
Sản xuất điện gặp khó khăn do nước về hồ thấp, nguồn khí PM3 vận hành không ổn định, xảy ra nhiều sự cố, đặc biệt sự cố ngoài giàn BRE đã ảnh hưởng đến cung ứng điện khu vực Tây Nam bộ … nhưng do ngành điện đã thực hiện dự phòng tốt, huy động được nguồn nhiệt điện than, khí và các Nhà máy Vĩnh Tân, Duyên Hải 1 nên ngành đã đảm bảo cung cấp đủ điện cho sản xuất và sinh hoạt góp phần phát triển kinh tế ổn định.
Tình hình tiêu thụ và tồn kho của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt những kết quả khả quan hơn so với cùng kỳ năm 2014; Tiêu thụ tăng trưởng khá, tồn kho ở mức thấp hơn cùng kỳ, đây là những dấu hiệu tích cực thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển. Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 9 tháng đầu năm 2015 tăng 13,2% so với cùng kỳ đã dẫn đến tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục duy trì mức thấp hơn so với năm 2014.
Tuy nhiên, trong tháng 9 và 9 tháng năm 2015, các doanh nghiệp vẫn chưa chủ động được nguồn nguyên liệu trong nước; kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng phục vụ sản xuất gia công, lắp ráp vẫn duy trì ở mức cao như máy móc thiết bị, dụng cụ và phụ tùng; linh kiện điện thoại; nguyên phụ kiện dệt may, da giày.
Vì vậy, trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng và trong ngắn hạn là ảnh hưởng từ sự suy giảm kinh tế của Trung Quốc, các doanh nghiệp song song với việc tiếp tục củng cố vị trí tại các thị trường xuất khẩu truyền thống và mở rộng thêm các thị trường tiềm năng, cần chủ động hơn nữa về nguồn lực (lao động và nguồn vốn…), đầu tư thiết bị công nghệ phát triển công nghiệp hỗ trợ, từng bước chủ động cung ứng nguyên phụ liệu.
Từ tình hình sản xuất công nghiệp tháng 9 và 9 tháng đầu năm 2015, Bộ Công Thương dự báo tình hình sản xuất công nghiệp trong những tháng tới tiếp tục tăng trưởng. Căn cứ cho dự báo này là việc các doanh nghiệp trong nước có xu hướng gia tăng nhập khẩu nguyên vật liệu để phục vụ sản xuất. Các nhóm hàng dệt may, da giầy, linh kiện điện tử đã có đơn hàng ổn định... góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển.
Ngoài ra, các doanh nghiệp đã duy trì tốt hoạt động sản xuất kinh doanh; giữ vững đà tăng trưởng, chủ động đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm các khách hàng trong và ngoài nước nhằm đa dạng hóa thị trường, trong đó đặc biệt đã quan tâm hơn đến thị trường nội địa; thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất; tăng cường xuất khẩu, phát triển thị trường trong nước là những điều kiện thuận lợi góp phần phát triển sản xuất công nghiệp.
Bên cạnh những mặt thuận lợi, sản xuất công nghiệp trong những tháng tới có thể phải đối mặt với một số khó khăn, thách thức như: Kinh tế thế giới tuy có cải thiện nhưng chưa bền vững, căng thẳng chính trị ở một số khu vực chưa được giải quyết dứt điểm, xung đột khu vực, khủng hoảng di cư, sự suy giảm kinh tế của Trung Quốc, diễn biến giá dầu rất khó dự đoán, thiên tai, dịch bệnh… là những yếu tố ảnh hưởng đến tăng trưởng sản xuất công nghiệp.
Nhìn nhận các yếu tố thuận lợi và khó khăn, Bộ Công Thương dự báo, năm 2015 chỉ số sản xuất công nghiệp đạt khoảng 10%, giá trị tăng thêm công nghiệp tăng khoảng 7-7,5%/năm, góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6,3%./.