Bộ Công Thương khuyến cáo các doanh nghiệp xuất hàng sang Benin

Thương vụ Việt Nam tại Moroco vừa khuyến cáo các doanh nghiệp Việt Nam xuất hàng sang Benin cần hết sức thận trọng với hình thức giả danh doanh nghiệp để lừa đảo các công ty nước ngoài và đã có doanh nghiệp Việt Nam bị lừa mất tiền.

Mới đây nhất ngày 18/9, Thương vụ đã khuyến cáo thêm các doanh nghiệp Việt Nam ngừng giao dịch với hai doanh nghiệp “ma” tại Benin có tên là STE ROWFIC SARL và STELLITE VENTURES LIMITED (SVL).

Thời gian qua, Thương vụ Việt Nam tại Moroco đã nhận được nhiều thư của các doanh nghiệp trong nước đề nghị giúp điều tra các đối tác thương mại tại Benin. Qua xác minh thực tế và làm việc với Đại sứ quán Benin tại Moroco, Thương vụ được biết một số người tại Benin chuyên giả danh doanh nghiệp để lừa đảo các công ty nước ngoài và đã có doanh nghiệp Việt Nam bị lừa mất tiền.

Thương vụ Việt Nam tại Moroco đưa ra các biện pháp phòng ngừa rủi ro và danh sách một số công ty lừa đảo tại Benin.

Thương vụ cũng đưa ra các biện pháp phòng ngừa để lưu ý các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam. Theo đó, các doanh nghiệp cần tìm hiểu thông tin về việc có tồn tại trên thực tế của công ty mà mình muốn thiết lập quan hệ thương mại. Trong trường hợp này có thể tra cứu danh bạ các doanh nghiệp đặt tại Benin trên trang web của Phòng Thương mại và Công nghiệp Benin (CCIB) tại địa chỉ: www.ccib.bj. Các doanh nghiệp cũng có thể liên lạc trực tiếp với Trung tâm Thủ tục doanh nghiệp nằm trong CCIB tại Thủ đô kinh tế Cotonou của Benin tại địa chỉ: BP 31 Cotonou – Benin; điện thoại: + 229 21 31 07 04/21 31 20 81.

Các doanh nghiệp cũng cần chắc chắn rằng, người quản lý công ty đóng tại Benin phải là người có Thẻ thương nhân hoặc Thẻ nhập khẩu chuyên nghiệp đích thực và thẻ này vẫn còn giá trị.

Các doanh nghiệp Việt Nam nên yêu cầu doanh nghiệp Benin cung cấp đầy đủ cả số điện thoại cố định và số Fax, hoặc yêu cầu cung cấp địa chỉ ngân hàng mà doanh nghiệp đó mở tài khoản để tiện đối chiếu, kiểm tra.

Thương vụ cũng lưu ý, Benin là nước sử dụng tiếng Pháp, vì vậy các văn bản chính thức như giấy đăng ký kinh doanh phải được viết bằng tiếng Pháp. Việc gửi thư điện tử đến các cơ quan công quyền thường không nhận được hồi âm. Vì vậy, để tìm hiểu đối tác, doanh nghiệp nên gửi Fax hoặc gọi điện trực tiếp đến các cơ quan này./.

Những hành vi lừa đảo thường gặp

Doanh nghiệp Benin thường yêu cầu các nhà xuất khẩu phải chuyển trước vào tài khoản phía Benin một trong những loại phí trí giá từ 1500 USD đến 6000 USD: Phí đăng ký sản phẩm nhập khẩu; Phí xin giấy phép nhập khẩu và hợp thức hóa giấy tờ này; Phí theo quy định của Bộ Tài chính Benin về kiểm soát chống khủng bố, rửa tiền và buôn lậu ma túy; Phí trả cho luật sư thay mặt người bán ký hợp đồng trước sự chứng kiến của ngân hàng nước sở tại; Phí hợp thức hóa hợp đồng…

Để lừa nhà xuất khẩu, các công ty lừa đảo tại Benin thường đề xuất hàng với khối lượng trị giá rất lớn, mong muốn thiết lập quan hệ lâu dài và dễ dàng chấp nhận mọi điều kiện của người bán. Để chứng minh, các công ty lừa đảo này thường cung cấp các giấy tờ có dấu của các cơ quan có thẩm quyền địa phương như giấy phép đanưg ký kinh doanh, giấy xác nhận, bảo đảm, tài khoản ngân hàng… nhưng thương đây là những giấy tờ và con dấu giả. Họ cũng sắn sàng làm thư mời doanh nghiệp sang Benin và bố trí cho xe đón tại sân bay.

Địa chỉ các công ty lừa đảo này cung cấp thường không đầy đủ hoặc thiếu chính xác. Họ thường giấu số điện thoại cố định, số Fax, mà chỉ cung cấp số điện thoại di động. Một số công ty “ma” khác lại sử dụng tên, địa chỉ website của các công ty lớn tại Benin nhưng thay đổi số điện thoại, số Fax và số tài khoản.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên