Bộ Giao thông báo cáo Tổ công tác của Thủ tướng về Uber
VOV.VN - Bộ GTVT một mặt đã có văn bản hướng dẫn, giải thích rất rõ với Uber còn gặp trực tiếp đại diện Uber để trao đổi.
Tại buổi kiểm tra thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ GTVT, sáng 21/3, báo cáo với Tổ công tác của Thủ tướng, đại diện Bộ GTVT đã báo cáo một số vấn đề liên quan đến hoạt động vận tải, trong đó có hoạt động của Uber.
Ông Trần Bảo Ngọc – Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cho biết, ngoài việc hợp đồng điện tử phải chỉnh sửa cho giống hợp đồng giấy thì trách nhiệm của Uber thế nào đối với hành khách có khiếu nại thì chưa được làm rõ.
Do đó, Bộ GTVT một mặt đã có văn bản hướng dẫn, giải thích rất rõ với Uber còn gặp trực tiếp đại diện Uber để trao đổi. Uber hứa trong thời gian ngắn nhất có đề án báo cáo Bộ GTVT.
Ông Trần Bảo Ngọc – Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) trao đổi với báo chí sáng 21/3 |
Trao đổi thêm với báo chí, về câu hỏi có hay không việc thiên vị giữa các loại hình kinh doanh vận tải, ông Trần Bảo Ngọc nhấn mạnh, đây không phải là loại hình kinh doanh vận tải mới mà các loại hình đã được quy định rõ trong Luật Giao thông đường bộ 2008.
Bản thân Uber cũng xác định mình là đơn vị cung cấp phần mềm, chính vì vậy, trong trường hợp này có thể ứng dụng phần mềm vào các đơn vị kinh doanh vận tải được cấp phép và các xe có hợp đồng thì mới đúng luật.
Vụ trưởng Vụ Vận tải cũng cho biết thêm, ngoài đề án thí điểm của Grab cho thấy ứng dụng hiệu quả, xe chạy có khách đạt 88-89% theo báo cáo của Grab thì nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam đang nghiên cứu phần mềm và báo cáo Bộ cho thí điểm. Bên cạnh Grab thì hiện nay đang có 4 đơn vị kinh doanh vận tải khác cũng đang thí điểm.
Liên quan đến điều kiện kinh doanh, ông Ngọc cũng nhấn mạnh, bản thân Uber và Grab không tạo ra loại hình vận tải mới, mà chỉ ứng dụng phần mềm vào taxi và xe hợp đồng dưới 9 chỗ nên không thay đổi điều kiện kinh doanh vận tải.
Về phía các Sở GTVT, ông Ngọc cho rằng bên cạnh cắm biển báo không cho taxi vào cung đường nào thì cần có biển phụ không cho xe hợp đồng vào, và có thể nhận diện qua biển hiệu và phù hiệu để phân biệt đâu là xe hợp đồng.
Đề cập vấn đề sửa Nghị định 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, ông Trần Bảo Ngọc cho biết, theo quy định hiện hành, với xe từ 10 chỗ trở lên trước khi thực hiện hợp đồng thì thông báo tin nhắn vào hộp thư điện tử của Sở GTVT để theo dõi. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp tháo bớt ghế để xe dưới 10 chỗ và thực hiện hành trình đó mà không phải thông báo. Do đó sắp tới Nghị định 86 sẽ được sửa nhằm quản lý chặt hơn.
“Phải hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật, như về điều kiện kinh doanh vẫn trong Luật năm 2008 thì thời điểm này xuất hiện tình hình mới thì cần rà soát và quy định điều kiện kinh doanh cho bình đẳng hơn giữa xe tuyến cố định và xe hợp đồng” – ông Trần Bảo Ngọc nói./.