Bộ Giao thông xin cơ chế đặc thù cho dự án đường sắt Cát Linh- Hà Đông
VOV.VN - Bộ GTVT đề xuất với Chính phủ một số cơ chế đặc thù về cơ chế đơn giá, định mức cũng như tháo gỡ khó khăn về tài chính.
Dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh - Hà Đông đang chậm tiến độ xây dựng các nhà ga xây dựng từ 10 - 20 ngày. Kế hoạch đưa dự án đường sắt đô thị đầu tiên vào hoạt động vào cuối năm 2016 đang gặp nhiều khó khăn. Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa trình Chính phủ xem xét và xin cơ chế đặc thù để thúc đẩy tiến độ thi công Dự án này.
Phóng viên VOV đã phỏng vấn ông Triệu Khắc Dũng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông, Bộ GTVT để làm rõ vấn đề này.
PV: Dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh – Hà Đông hiện đang chậm tiến độ so với kế hoạch. Cụ thể về vấn đề ra sao thưa ông?
Ông Triệu Khắc Dũng: Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã ký cam kết đặt ra cuối năm 2016 sẽ hoàn thành Dự án. Tuy nhiên trong gần 1 tháng nay, chúng tôi thấy trên công trường có phần công việc chậm, có nhà ga chậm 10 ngày, có nhà ga chậm theo tiến độ 20 ngày.
Nguyên nhân chính dẫn đến chậm tiến độ và các vấn đề tồn tại phải xử lý là về kinh phí. Phía tổng thầu Trung Quốc cũng đang có những khó khăn chuyển kinh phí ra nước ngoài đang bị rà soát và kiểm tra. Con số báo cáo ở cuộc họp là hơn 400 tỷ đồng nhưng thực tế các nhà thầu phụ nói là 500 tỷ đồng.
Từ cuối năm 2015, tổng thầu Trung Quốc đã phải dùng phần vốn lưu động xử lý một phần. Tuy nhiên, mấu chốt là phải giải quyết được để dòng tiền. Trình tự thủ tục theo hợp đồng ký trước đây khi làm các thủ tục thanh toán từ ngân hàng Trung Quốc chuyển sang tổng thầu rồi chuyển qua cho các nhà thầu phụ trong nước rất dài.
Ông Triệu Khắc Dũng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT). |
PV: Ngoài việc tổng thầu Trung Quốc nợ các nhà thầu phụ trong nước thì còn nguyên nhân nào dẫn đến việc chậm tiến độ của dự án, thưa ông?
Ông Triệu Khắc Dũng: Dự án này được thực hiện theo hình thức PMC (chìa khóa trao tay) nhưng những quy định do phía Việt Nam phải phê duyệt. Trong điều kiện là quy trình, quy phạm, đơn giá, định mức của Việt Nam và Trung Quốc là khác nhau. Do đó, việc duyệt các hạng mục của Dự án này kéo rất dài, thậm chí cho tới thời điểm này còn có hạng mục chưa phê duyệt được do gặp khó khăn khi tiêu chuẩn kỹ thuật quy định của hai nước có khác nhau tồn tại.
Điều này nằm trong báo cáo Thủ tướng của Bộ GTVT, kể cả phần bản vẽ của Trung Quốc cũng khác của Việt Nam, bên trình và bên duyệt không theo tiêu chuẩn chung nhau nên dẫn đến khó khăn. Các cơ quan theo dõi về kỹ thuật của Việt Nam cũng xem xét phản hồi, tranh luận kéo dài, đây là một nguyên nhân khiến việc thực hiện dự án bị chậm.
PV: Về cơ chế đặc thù Bộ GTVT đề xuất với Chính phủ để giải quyết các khó khăn vướng mắc này như thế nào thưa ông?
Ông Triệu Khắc Dũng: Bộ GTVT đề nghị cho tổng thầu cho tự chủ theo hợp đồng PMC trong khuôn khổ tổng mức đã điều chỉnh không được vượt. Phía Việt Nam kiểm soát Tổng thầu trong quá trình thực hiện như về giá vật liệu, các thiết bị, có mặt bằng chung giá quốc tế rồi họ phải tuân thủ.
Để cho tổng thầu Trung Quốc chủ động không như hiên nay đang là về cơ chế đơn giá, định mức đang phải sử dụng xen kẽ, cái gì có của Việt Nam thì dùng và cái gì không có thì dùng của Trung Quốc dẫn tới các cơ quan thẩm định, phê duyệt dự toán hết sức khó khăn. Cơ chế đặc thù đang xin tháo gỡ nội dung này, thực hiện theo PMC tổng thầu chịu trách nhiệm hết.
PV: Giải pháp nào để khơi thông dòng vốn để đáp ứng được yêu cầu tiến độ của dự án, thưa ông?
Ông Triệu Khắc Dũng: Thứ trưởng phụ trách Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường đã có chỉ đạo làm sao làm việc với phía Trung Quốc để rút ngắn thời gian chuyển tiền từ Trung Quốc sang Việt Nam, bởi quá trình này phần nhiều do chậm thanh toán, dẫn đến các thầu phụ cũng chưa tập trung lực lượng để làm.
Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông cũng sẽ làm việc với phía Trung Quốc, Bộ GTVT đã thảo văn bản gửi Chính phủ, Đại sứ quán và Ngân hàng Trung Quốc đề nghị làm việc với cấp lãnh đạo cao nhất của các đơn vị, để bàn và xử lý việc này trong tháng 3. Đồng thời đề nghị các đơn vị thầu phụ Việt Nam đẩy nhanh tiến độ thi công, sử dụng các nguồn vốn tự có của mình để thực hiện dự án.
PV: Nếu nguồn vốn từ phía Trung Quốc vẫn chậm chuyển, Bộ GTVT sẽ có những kiến nghị về cơ chế đặc thù tài chính cho dự án như thế nào?
Ông Triệu Khắc Dũng: Bộ GTVT cũng đã lường trước trường hợp này, thực tế đã có các dự án đã được rút ngắn tiến độ khi làm với Ngân hàng châu Á hay Ngân hàng Thế giới. Ví dụ theo chương trình tài trợ vốn, hết năm 2017 dự án mới xong nhưng chúng ta định năm 2016 hoàn thành, thì phải xử lý là báo cáo với Thủ tướng để ứng trước sang năm kế hoạch vốn về lại bù lại để đưa công trình vào khai thác sớm.
Đối với Dự án Cát Linh – Hà Đông, trong trường hợp có khó khăn về thủ tục chưa giải quyết được, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường đã có ý kiến xem xét xử lý về đích. Do vậy, chắc chắn Bộ GTVT tìm mọi cách để đưa dự án về đúng tiến độ như đã cam kết.
PV: Xin cảm ơn ông!/.