Bộ GTVT khẳng định tính khả thi xây sân bay Long Thành
VOV.VN - Sân bay Tân Sơn Nhất khó mở rộng do bị giới hạn về vị trí và diện tích, ảnh hưởng lớn về môi trường cho dân cư trong khu vực.
Sau công văn của Văn phòng Chính phủ yêu cầu nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng về kiến nghị không nên xây sân bay quốc tế Long Thành của hai ông Lê Trọng Sành và ông Mai Trọng Tuấn, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ khẳng định sự cần thiết cũng như tính khả thi của việc xây dựng sân bay Long Thành.
Báo cáo của Bộ GTVT nêu rõ: Trong năm 2013, dự báo tăng trưởng sản lượng hành khách thông Cảng hàng không quốc tế (CHKQT) Tân Sơn Nhất đạt khoảng 19 triệu lượt khách. Từ năm 2018 đến năm 2020 cảng sẽ đạt công suất thiết kế là 20 - 25 triệu hành khách/năm và sẽ quá tải các năm sau đó.
Phối cảnh sân bay quốc tế Long Thành, Đồng Nai. (Ảnh: VNE) |
Tuy nhiên, nếu tiến hành việc mở rộng để nâng công suất CHKQT Tân Sơn Nhất trong tương lai sẽ là không khả thi, bởi CHKQT này nằm trong khu vực dân cư có mật độ cao, quỹ đất dành cho phát triển mở rộng rất hạn chế. Việc mở rộng để nâng công suất CHKQT Tân Sơn Nhất sẽ dẫn đến ảnh hưởng đến môi trường dân sinh của khu vực trung tâm TP HCM như tiếng ồn, khí thải vượt xa tiêu chuẩn cho phép…
Bộ GTVT nhấn mạnh, sân bay Long Thành nằm trong “Quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định ban hành. Theo đó, xây dựng sân bay Long Thành trở thành CHKQT quan trọng nhất của khu vực phía Nam, là CHKQT lớn nhất toàn quốc và là trung tâm trung chuyển hành khách của khu vực theo tiêu chuẩn quốc tế.
Bộ GTVT cũng cho biết, công tác khảo sát, quy hoạch vị trí CHKQT Long Thành đã được thực hiện từ năm 2004. Vị trí được chọn đã đảm bảo thỏa mãn các tiêu chí tổng hợp cho việc hình thành CHKQT trung chuyển. Vị trí của sân bay Long Thành cũng đảm bảo đủ diện tích (5.000 ha) để xây dựng một CHKQT mới, hiện đại có công suất từ 80 - 100 triệu hành khách/năm, sân bay cấp 4F, cấu hình 4 đường cất hạ cánh.
Nhấn mạnh sự thuận lợi trong việc xây dựng sân bay Long Thành, Bộ GTVT khẳng định, khu vực lựa chọn xây dựng CHKQT Long Thành có địa hình, địa chất, thủy văn không quá phức tạp, khối lượng đào đắp ít, mặt bằng tương đối bằng phẳng, rất thuận lợi cho việc xây dựng cảng hàng không. Hơn nữa, xây dựng sân bay tại khu vực Long Thành thuận lợi và đảm bảo cho công tác bảo vệ môi trường, ít ảnh hưởng về tiếng ồn, khí thải đến môi trường sống của các khu dân cư xung quanh.
Về quá trình đầu tư xây dựng, Bộ GTVT khẳng định việc đầu tư xây dựng CHKQT Long Thành dự kiến sẽ chia thành 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 (đến năm 2020) đạt công suất 25 triệu hành khách/năm, hỗ trợ việc quá tải của CHKQT Tân Sơn Nhất. Giai đoạn 2 (đến năm 2030): nâng công suất lên 50 triệu hành khách/năm. Giai đoạn 3 (sau năm 2030) sẽ nâng công suất CHKQT lên 100 triệu hành khách/năm.
Theo phân tích của Bộ GTVT, phân kỳ đầu tư giai đoạn 1 vào CHKQT Long Thành có tổng mức đầu tư vào khoảng 7,8 tỉ USD. Tuy nhiên, trong điều kiện khó khăn, nhu cầu đầu tư trước mắt sẽ cần khoảng 5,6 tỷ USD đã có thể xây dựng ngay 1 đường cất hạ cánh và nhà ga để đáp ứng được nhu cầu vận chuyển hành khách vào năm 2022.
Giải pháp về vốn cho việc xây dựng CHKQT Long Thành, trong báo cáo trình Chính phủ được Bộ GTVT có ghi rõ, nguồn vốn đầu tư thực hiện sẽ được gắn với các dự án đầu tư cụ thể, theo nguyên tắc nhà nước chỉ đầu tư hoặc hỗ trợ đầu tư phần kết cấu hạ tầng không có khả năng thu hồi vốn đầu tư, khuyến kích đầu tư vào các hạng mục thành phần dịch vụ khai thác, có khả năng thu hồi vốn đầu tư./.