Bỏ ngô, trồng mận chín sớm, chín muộn - Nông dân Phiêng Khoài làm giàu
VOV.VN - Từ chỗ cơ bản chỉ làm cỏ cho cây thì nay cây mận đã được nông dân Sơn La chăm sóc một cách bài bản, khoa học để cho thu nhập cao. Điều này đã cho thấy sự chuyển mình trong tư duy làm nông nghiệp của nông dân Sơn La.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025 có nhiều nội dung mới, riêng lĩnh vực nông nghiệp Sơn La đặt mục tiêu trở thành trung tâm ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao; trung tâm sản xuất, chế biến nông sản của vùng Tây Bắc.
Sau quá trình thực hiện thành công chủ trương đưa cây ăn quả lên đất dốc, hiện chính quyền, doanh nghiệp, hợp tác xã và người nông dân ở Sơn La đang đồng hành, nỗ lực cố gắng, thể hiện quyết tâm, khát vọng đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo để thúc đẩy tăng trưởng xanh; xây dựng tỉnh Sơn La phát triển nhanh và bền vững.
Loạt bài “Sơn La hiện thực hóa khát vọng trở thành trung tâm ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao của vùng Tây Bắc” của nhóm phóng viên VOV Tây Bắc đề cập nội dung này. Bài 1 có nhan đề - "Phá ngô, trồng mận chín sớm, chín muộn - Nông dân Phiêng Khoài làm giàu".
Mặt trời còn chưa nhô lên khỏi dãy núi, cả nhà anh Vì Văn Việt, dân tộc Sinh Mun ở bản Con Khằm, xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La đã í ới gọi nhau lên nương hái mận.
Gần 3 tháng nay, nhà anh Việt đã có mận chín sớm để bán. Trên diện tích 1 ha, mỗi tuần một lần cũng hái được 50 kg mận, với giá 70.000 đồng/kg, đem lại thu nhập cao cho gia đình.
"Trước đây diện tích đất này của gia đình chủ yếu trồng ngô, sắn nhưng hiệu quả kinh tế kém. Qua quá trình nghiên cứu và đi học hỏi các vườn mận của các mô hình đẹp về tôi đã đầu tư trồng mận. Năm vừa rồi tuy ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nhưng vẫn thu được 200 triệu đồng" - anh Việt cho biết.
Từ 8-10h sáng, những chuyến xe máy chở mận tấp nập nối đuôi nhau về trung tâm xã, sau đó được các thương lái bốc lên xe đưa về các tỉnh miền xuôi.
Theo chị Phan Thị Tuyền, chủ cơ sở thu mua nông sản tại trung tâm xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu, thời điểm mận hậu chính vụ là trung tuần tháng 5 đến hết tháng 6, nhưng từ tháng 2 đến nay, bà con đã có mận chín sớm để bán. Hiện mận loại 1 đang được thu mua tại vườn là 70.000 đồng/kg, cao điểm lên tới 100.000 đồng/kg, thị trường tiêu thụ chủ yếu vào các siêu thị tại các thành phố lớn của cả nước.
Chị Tuyền cho biết: "Thời gian gần đây, một ngày tôi mới thu mua được hơn 1 tấn mận loại 1, mấy tháng trước thì chỉ được mấy tạ một ngày. Mận loại 1 này trung bình khoảng 22 quả một cân, loại 1 này rất được thị trường trong cả nước ưa thích và không đủ hàng để bán. Người dân ở đây dù đã rất chăm sóc cây để có mận loại 1 nhưng thu mua tầm này vẫn chưa đủ nhu cầu của thị trường".
Ở xã biên giới Phiêng Khoài, huyện Yên Châu bây giờ, mận đã “leo đồi” thay cây ngô. Cả xã hiện có hơn 400 hộ trồng mận và chăm sóc gần 200 ha cho quả chín sớm.
Để trồng được mận trên nương, bà con đã đầu tư 45 -50 triệu đồng/ha cho hệ thống tưới nước tự động. Phương pháp canh tác mận được thiết kế riêng qua hàng chục thập kỷ chiêm nghiệm. Các cây mận được trồng ở khoảng cách xa hơn nhiều vùng trồng khác, để có không gian “thở”.
Với tiêu chí đề cao chất lượng của từng trái mận, người nông dân Phiêng Khoài sẵn sàng hy sinh đến 30% sản lượng, tỉa cành, tỉa trái để giữ lại những trái ngon nhất. Vì thế quả mận to giòn, có lớp da căng bóng. Bên ngoài quả mận có phủ một lớp phấn trắng đặc trưng. Khi bóp nhẹ có cảm giác hơi cứng chứ không bị dập nát. Vỏ quả mận có màu xanh khi còn non và chuyển sang đỏ tía như quả Cherry lúc chín. Có vị chua thanh pha chút ngọt mát và có nhiều nước.
Nói về cách làm để có trái mận ngon như thế, anh Vì Văn Việt ở bản Con Khằm chia sẻ: "Tôi xin giới thiệu đường dây đi trên giàn cây mận là hệ thống tưới nước tự động và nguồn nước này gia đình kéo từ suối về đến nương là 1km. Trồng cây mận liên quan đến nước để đảm bảo tưới đều để cây mận phát triển đều cho quả to mọng, giòn, ngọt".
Ông Nguyễn Khánh Toàn, Giám đốc hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Toàn Phát, xã Phiêng Khoài cho biết: "Hiện đơn vị đang có 60 ha mận hậu được trồng và chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP, được cắm biển, khoanh vùng sản xuất, đảm bảo an toàn thực phẩm và theo dõi trực tiếp quá trình sản xuất thông qua hệ thống camera.
Với trình độ canh tác, kỹ thuật được nâng cao, các thành viên hợp tác xã đã rải vụ, kéo dài được thời gian thu hoạch mận. Trước chỉ thu hoạch mận trong hơn 1 tháng, thì nay kéo dài 5 tháng. Dự kiến năm nay sản lượng mận sẽ đạt từ 20-30 tấn/ha, với giá bán trung bình 20.000 đồng/kg thì 17 thành viên của hợp tác xã cũng thu về từ 600-700 triệu đồng/ha".
"Năm nay Hợp tác xã đã có đơn hàng đặt rồi, như ở trong nước thì các đơn hàng luôn ổn định nhiều năm rồi. Thị trường của chúng tôi thì truyền thống cũng có, thị trường thương mại điện tử rồi là các mạng xã hội. Khi có đầy đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu thì thị trường quả mận của chúng tôi sẽ ký hợp đồng sang các nước Trung Đông, EU, Nhật Bản" - ông Toàn cho biết.
Hơn 20 năm qua, những gốc mận gắn bó với nhiều thế hệ ở Phiêng Khoài cả về vật chất lẫn tinh thần. Từ giống nguyên bản, mỗi vụ mùa qua, người nông dân Phiêng Khoài lại tuyển chọn những cây đẹp nhất, ngon nhất, chiết cành và nhân giống để tạo ra loại mận hậu đặc trưng của riêng mình. Họ tìm cách chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt, đưa ra các giải pháp sáng tạo để bảo vệ cây mận trong những mùa mưa đá và thực hiện rải vụ nâng cao giá thành sản phẩm. Với họ, cây mận cho họ đổi đời, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương./.
Từ chỗ cơ bản chỉ làm cỏ cho cây thì nay cây mận đã được nông dân Sơn La chăm sóc một cách bài bản, khoa học để cho thu nhập cao. Điều này đã cho thấy sự chuyển mình trong tư duy làm nông nghiệp của nông dân Sơn La. Đồng hành cùng với họ còn có hợp tác xã, nơi ứng dụng các khoa học công nghệ mới và kết nối tiêu thụ sản phẩm cho bà con.
Trong bài 2 của loạt bài này, sẽ đề cập vai trò của các hợp tác xã trong hiện thực hóa khát vọng đưa Sơn La trở thành trung tâm ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao của vùng Tây Bắc.