Bộ Tài chính đối thoại với DN châu Âu về thuế và hải quan

(VOV) -Các vấn đề về khấu trừ thuế, lợi nhuận chuyển ra nước ngoài, thuế thu nhập… đã được Bộ Tài chính trả lời thẳng thắn

Sáng nay (11/10), Bộ Tài chính đã tổ chức đối thoại với doanh nghiệp thuộc Eurocham về chính sách, thủ tục hành chính thuế và hải quan.

Tại cuộc đối thoại, lãnh đạo Bộ Tài Chính chia sẻ với những khó khăn của các doanh nghiệp đồng thời cho biết, thời gian qua, Bộ Tài chính đã có nhiều cải cách thủ tục thuế, hải quan để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.

Từ 2008 đến nay, ngành hải quan đã giảm từ 239 thủ tục hải quan xuống còn 178 thủ tục.

Năm 2012 đã kiến nghị đơn giản hoá 10/28 thủ tục hành chính được rà soát, tiết kiệm 31% chi phí tuân thủ thủ tục hành chính.

Hiện nay, có hơn 60% trong tổng số  các cục và chi cục  hải quan trong cả nước thực hiện thông quan điện tử.

Tại hội nghị, đại diện Tổng cục Hải quan và Tổng cục Thuế đã giới thiệu cho doanh nghiệp những chính sách và thủ tục hành chính mới ban hành từ tháng 10/2011 đến nay. Nhiều doanh nghiệp đã thẳng thắn trao đổi những vướng mắc và khó khăn trong thực tiễn hoạt động, đưa ra những kiến nghị cụ thể với Bộ Tài chính và Chính phủ trong lĩnh vực thuế thu nhập doanh nghiệp, khấu trừ thuế, lợi nhuận chuyển ra nước ngoài…

Thay mặt Bộ Tài chính, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn và ông Hoàng Việt Cường- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục hải quan đã trả lời các câu hỏi của doanh nghiệp:

Không được chuyển lãi ra nước ngoài nếu vẫn còn lỗ luỹ kế

Câu hỏi: Chúng tôi cần được hướng dẫn nhất quán về lợi nhuận được phép chuyển ra nước ngoài, đặc biệt quy định tính lợi nhuận được chuyển trong các trường hợp sau: Công ty có thu nhập khi tính thuế nhưng theo kế toán thì bị lỗ trong năm; Công ty có khoản lỗ khi tính thuế nhưng có lợi nhuận kế toán trong năm; Công ty có khoản lỗ chịu thuế được chuyển sang năm sau nhưng có lợi nhuận giữ lại dương ở trong bảng cân đối kế toán vào cuối năm; Công ty có lợi nhuận giữ lại âm trong bảng cân đối kế toán vào cuối năm nhưng có lãi khi tính thuế vào cuối năm?

Trả lời: Tại Khoản 3 Điều 3 Thông tư số 186/2010/TT-BTC nêu trên quy định: “Nhà đầu tư nước ngoài không được chuyển ra nước ngoài số lợi nhuận được chia hoặc thu được từ hoạt động đầu tư trực tiếp tại Việt Nam của năm phát sinh lợi nhuận trong trường hợp trên báo cáo tài chính của doanh nghiệp mà nhà đầu tư nước ngoài đầu tư của năm phát sinh lợi nhuận vẫn còn số lỗ luỹ kế sau khi đã chuyển lỗ theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.

Ví dụ: Nhà đầu tư nước ngoài góp vốn thành lập Công ty tại Việt Nam. Năm 2009, Công ty có phát sinh số lỗ là 4 tỷ đồng.

Giả sử năm 2010, Công ty có thu nhập trước thuế là 3 tỷ đồng. Như vậy, sau khi bù trừ chuyển lỗ từ năm 2009 chuyển sang theo quy định, trong năm 2010 Công ty có số lỗ là 1 tỷ đồng. Công ty không được chia lợi nhuận cho các bên tham gia góp vốn là nhà đầu tư nước ngoài A không được chuyển lợi nhuận được chia của năm 2010 về nước.

Nếu năm 2010, Công ty có thu nhập trước thuế là 3 tỷ đồng. Như vậy, sau khi bù trừ chuyển lỗ từ năm 2009 chuyển sang theo quy định, trong năm 2010 Công ty còn lại số thu nhập chịu thuế TNDN là 1 tỷ đồng. Nếu thuế suất thuế TNDN Công ty áp dụng là 25% thì Công ty thực hiện nộp thuế TNDN là 250 triệu đồng (= 1 tỷ đồng x 25%). Công ty được chia số lợi nhuận sau trhuế cho các bên tham gia góp vốn và nhà đầu tư nước ngoài A được chuyển lợi nhuận được chia của năm 2010 về nước”.

Quy định và ví dụ cụ thể đi kèm là hướng dẫn đối với trường hợp nhà đầu tư nước ngoài không được chuyển ra nước ngoài số lợi nhuận được chia hoặc thu được từ hoạt động đầu tư trực tiếp tại Việt Nam của năm phát sinh lợi nhuận trong trường hợp trên báo cáo tài chính của doanh nghiệp mà nhà đầu tư nước ngoài đầu tư của năm phát sinh lợi nhuận vẫn còn số lỗ luỹ kế sau khi đã chuyển lỗ theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.

Phải đổi ngoại tệ ra đồng Việt Nam tại thời điểm phát sinh giao dịch

Câu hỏi: Theo quy định giá trị của từng giao dịch bằng đồng ngoại tệ sẽ phải được chuyển đổi sang VND theo tỷ giá tại thời điểm phát sinh giao dịch trong khi khai thuế. Chúng tôi cho rằng, quy định này là không thực tế, vì vậy, chúng tôi kiến nghị sửa đổi quy định hiện hành rằng thu nhập chịu thuế cuối năm sẽ được chuyển đổi một lần sang VND sử dụng tỷ giá liên ngân hàng cuối năm.

Trả lời: Nếu làm theo kiến nghị của doanh nghiệp sẽ vướng như sau:

- Đối với thuế giá trị gia tăng được khai và nộp theo tháng, doanh thu tính thuế phát sinh tại thời điểm giao dịch/ thời điểm lập hoá đơn. Vì vậy, ngoại tệ cần được chuyển đổi ra đồng Việt Nam tại thời điểm phát sinh giao dịch.

- Đối với thuế thu nhập doanh nghiệp được khai và tạm nộp theo quý, doanh thu tính thuế phát sinh tại thời điểm giao dịch, vì vậy ngoại tệ cũng cần phải quy đổi ra đồng Việt Nam tại thời điểm giao dịch.

Để giải quyết một phần vướng mắc phát sinh do việc quy đổi các khoản doanh thu, chi phí có gốc ngoại tệ theo quy định tại Luật thuế thu nhập doanh nghiệp nêu trên, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 244/2009TT-BTC ngày 31/12/2009 hướng dẫn sửa đổi, bổ sung Chế độ kế toán doanh nghiệp theo đó thì doanh nghiệp, tổ chức có vốn đầu tư nước ngoài thu, chi chủ yếu bằng ngoại tệ có thể quyết định lựa chọn đơn vị tiền tệ trong kế toán và chịu trách nhiệm về quyết định đó trước pháp luật.

Tuy nhiên, để có thể áp dụng rộng rãi quy định này cần có thời gian để tổng kết, đánh giá cụ thể quá trình thực hiện đồng thời nghiên cứu, điều chỉnh để đảm bảo phù hợp với quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp.

Thuế suất 0% đối với các dịch vụ xuất khẩu

Câu hỏi: Trường hợp nào được áp dụng thuế suất 0% đối với các dịch vụ xuất khẩu?

Trả lời: Thuế suất 0%: Áp dụng đối với hàng hoá, dịch vụ xuất khẩu; hoạt động xây dựng, lắp đặt công trình cho doanh nghiệp chế xuất;…

Trong đó, dịch vụ xuất khẩu bao gồm dịch vụ được cung ứng trực tiếp cho tổ chức, cá nhân ở nước ngoài hoặc ở trong khu phi thuế quan.

Tổ chức ở nước ngoài là tổ chức nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam, không phải là người nộp thuế giá trị gia tăng tại Việt Nam;

Cá nhân ở nước ngoài là người nước ngoài không cư trú tại Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài và ở ngoài Việt Nam trong thời gian diễn ra việc cung ứng dịch vụ…”.

Từ 1/3/2012, các dịch vụ sau cung ứng tại Việt Nam cho tổ chức, cá nhân ở nước ngoài không được áp dụng thuế suất 0% gồm:

+ Thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật, văn hoá, giải trí, hội nghị, khách sạn, đào tạo, quảng cáo, dịch vụ lữ hành;

+ Dịch vụ thanh toán qua mạng, dịch vụ số hoá.

Trường hợp doanh nghiệp Việt Nam cung cấp dịch vụ khác (không phải là các dịch vụ nêu trên) cho tổ chức, cá nhân ở nước ngoài thì đề nghị nêu rõ là cung cấp dịch vụ nào để có cơ sở trả lời cụ thể.

Tiền lương, tiền công được khấu trừ thuế nếu có đủ hoá đơn, chứng từ

Câu hỏi: Chúng tôi cho rằng những lợi ích cho nhân viên, cho dù bằng tiền hay hiện vật, đều là những chi phí có tính chất tiền lương, tiền công và là chi phí hoạt động kinh doanh cần được khấu trừ. Hiện tại các chi phí này vẫn không được xét duyệt khấu trừ khi xác định thuế thu nhập doanh nghiệp?.

Trả lời: Các khoản chi tiền lương, tiền công “trả cho người lao động nhưng thực tế không chi trả hoặc không có hoá đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật” thì không được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.

Do vậy, các khoản chi tiền lương, tiền công (bằng tiền hoặc bằng hiện vật) nếu thực tế chi trả và có đầy đủ hoá đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật thì được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.

Câu hỏi: Các chi phí chăm sóc sức khoẻ/bảo hiểm sức khoẻ tự nguyện/đóng góp tự nguyện cho nhân công vào quỹ hưu trí phải được xem là những chi phí được khấu trừ thuế trong các hợp đồng lao động/chính sách tài chính của doanh nghiệp. Các chi phí này có cùng bản chất tương tự như tiền lương, tiền bảo hiểm nhân thọ, và là những khoản chi phí hợp lý cho nhân viên và thực chất, phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, sao không được khấu trừ?

Trả lời: Bộ Tài chính đã ra thông tư 1232012TT-BTC cho phép tính vào chi phí được trừ tiền mua bảo hiểm nhân thọ cho người lao động được ghi cụ thể điều kiện được hưởng và mức được hưởng tại một trong các hồ sơ sau: Hợp đồng lao động; Thoả ước lao động tập thể; Quy chế tài chính của Công ty, Tổng Công ty, Tập đoàn; Quy chế thưởng do Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc, Giám đốc quy định theo quy chế tài chính của Công ty, Tổng Công ty.

Hiện nay, Bộ Tài chính đang nghiên cứu thực hiện dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật thuế thu nhập doanh nghiệp dự kiến trình Quốc hội thong qua vào kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá 13 năm 2013. Nội dung về xác định khoản chi phúc lợi cho người lao động, nhân viên của doanh nghiệp cũng sẽ được xem xét nghiên cứu để trình các cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định cho phù hợp trong giai đoạn tới.

Tại cuộc đối thoại, có nhiều câu hỏi do không thuộc thẩm quyền cần nghiên cứu sâu hoặc tham khảo thêm ý kiến bộ, ngành, Bộ Tài chính hứa sẽ trả lời doanh nghiệp bằng văn bản./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên