Bộ Tài chính yêu cầu kê khai giá cước vận tải
Các doanh nghiệp kinh doanh vận tải rà soát, thực hiện kê khai lại giá cước vận tải theo giá xăng dầu đã điều chỉnh giảm.
Ngày 15/6/2012, Bộ Tài chính có Công văn số 8078 /BTC-QLG đề nghị Sở Tài chính các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiếp tục tăng cường công tác quản lý, bình ổn giá thị trường trên địa bàn địa phương sau khi giảm giá xăng dầu, giá gas.
Theo đó, đối với cước vận tải, hướng dẫn và kiểm soát các doanh nghiệp kinh doanh vận tải đóng trên địa bàn địa phương rà soát, thực hiện kê khai lại giá cước vận tải theo giá xăng dầu đã điều chỉnh giảm.
Bộ Tài chính thực hiện kê khai lại giá cước vận tải theo giá xăng dầu đã điều chỉnh giảm |
Riêng đối với giá gas (LPG), Bộ Tài chính cũng đề nghị tiếp tục giám sát chặt chẽ việc đăng ký lại giá gas đảm bảo mức giá gas bán lẻ phản ánh đúng tác động của giá nhập khẩu và thuế nhập khẩu LPG.
Cũng theo công văn này, Bộ Tài chính yêu cầu sở tài chính các tỉnh, thành phố chỉ đạo các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh trên địa bàn (nhất là các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh có sử dụng nhiều xăng dầu) rà soát tính toán chi phí sản xuất để xây dựng giá bán hàng hóa, dịch vụ hợp lý, phù hợp với mặt bằng giá thị trường, có tính đến yếu tố giảm giá xăng dầu và các giải pháp hỗ trợ của Nhà nước về giảm, gia hạn, miễn có thời hạn các loại thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, tiền thuê đất, thuế môn bài, tiền sử dụng đất áp dụng đối với một số đối tượng được quy định cụ thể tại Nghị quyết số 13/2012/NQ-CP.
Ngoài ra, các sở tài chính cần thường xuyên theo dõi, nắm tình hình diễn biến giá cả thị trường, trước hết là các mặt hàng thiết yếu nhất là giá sữa, giá thuốc chữa bệnh cho người, thuốc bảo vệ động vật, thực vật, phân bón,…và kịp thời báo cáo Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố có biện pháp thích hợp để bình ổn giá theo quy định của pháp luật.
Thực hiện giám sát chặt chẽ việc đăng ký giá, kê khai giá của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đối với những mặt hàng thuộc danh mục đăng ký giá, kê khai giá; kiên quyết dừng các trường hợp đăng ký tăng giá cao hơn tỷ lệ tác động của biến động giá yếu tố đầu vào chủ yếu. Kiểm soát chặt chẽ phương án giá hàng hoá dịch vụ thuộc danh mục Nhà nước định giá, sản phẩm, dịch vụ chi từ nguồn ngân sách nhà nước đảm bảo yêu cầu tiết kiệm, hiệu quả và không vượt dự toán đã được giao.
Tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về giá của các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh trên địa bàn; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định hiện hành về quản lý giá, quản lý thị trường theo quy định tại Nghị định số 84/2011/NĐ-CP ngày 20/9/2011 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá và quy định của pháp luật có liên quan.
Cùng với đó, thực hiện chế độ báo cáo giá cả thị trường định kỳ và đột xuất theo quy định. Đồng thời có văn bản báo cáo cụ thể về tình hình triển khai và kết quả thực hiện về Bộ Tài chính (Cục Quản lý giá), trước ngày 20 hằng tháng để tổng hợp báo cáo Bộ, báo cáo Chính phủ tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ hàng tháng./.