Bộ trưởng Đinh La Thăng: Cổ phần Vinalines không phải là khó
VOV.VN -Các DN không tuân thủ pháp lệnh về kế toán, thống kê, tài chính nên không đủ hồ sơ để trình chủ sở hữu xem xét, quyết định...
Theo Ban Chỉ đạo đổi mới doanh nghiệp Nhà nước, trong 3 năm cả nước cổ phần hóa được 99 doanh nghiệp (năm 2013 được 74 doanh nghiệp), trong đó có 19 tổng công ty nhà nước, số cổ phần chào bán trị giá gần 19.000 tỷ đồng. Các doanh nghiệp này hầu hết đều có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, kinh doanh đa ngành, tài chính phức tạp.
Ban chỉ đạo đổi mới DNNN cũng khẳng định: Tiến độ cổ phần hóa các DNNN diễn ra chậm chạp.
Mất hồ sơ đối chứng, không xác định được giá trị DN
Ông Nguyễn Thế Thảo – Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho rằng, một trong các nguyên nhân khiến tiến độ cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước diễn ra chậm là do thủ tục xử lý tài chính xác định giá trị DN khó thực hiện. Việc xác định rõ trách nhiệm của cá nhân, đơn vị liên quan đến tồn tại tài sản, công nợ cũng như việc xử lý các tồn tại về tài chính tại các DN do các khoản các tồn tại về công nợ từ lâu nên hồ sơ không đầy đủ, nhiều năm trước đây không giải quyết thường xuyên, dứt điểm.
“Các DN không tuân thủ pháp lệnh về kế toán, thống kê, các qui định về tài chính DN, vì vậy không đảm bảo đủ hồ sơ để trình chủ sở hữu xem xét, quyết định dứt điểm các tồn tại của DN khi CPH. Đây chính là vướng mắc nhất hiện nay. DN không còn hồ sơ để đối chứng. Khi đã không xác định được giá trị theo yêu cầu thì rõ ràng khó tiến hành CPH. Chúng ta đang đòi hỏi một việc không thể” – ông Nguyễn Thế Thảo nói.
Khi không có hồ sơ đối chứng thì rất có thể các cơ quan quản lý sẽ sợ các chủ DNNN kê khai công nợ khống lên. Trong khi trách nhiệm của chủ DNNN là trung thực kê khai công nợ.
Từ thực tế này, ông Nguyễn Thế Thảo đề nghị tiếp tục xem xét cổ phần hóa với các DN không đủ hồ sơ đối chiếu xác định công nợ tại thời điểm xác định giá trị DN, đồng thời có hướng dẫn cụ thể đối với các khoản công nợ tồn tại từ nhiều năm do quá trình sắp xếp nên không đầy đủ hồ sơ.
Thứ nữa, ông Nguyễn Thế Thảo đề nghị xem xét lại qui định kiểm toán NN thực hiện kiểm toán kết quả định giá DN và xử lý các vấn đề tài chính đối với các DN có qui mô vốn từ trên 500 tỷ đồng, hoạt động trong các lĩnh vực đặc thù. Như vậy sẽ làm vấn đề khó xử lý, mất nhiều thời gian khi xảy ra những vấn đề còn có ý kiến khác nhau xung quanh chuyện định giá. Do vậy, hiện nay kết quả xác định giá trị DN chỉ là cơ sở khởi điểm chào bán và xây dựng vốn điều lệ DN. Nên nghiên cứu, xem xét lại qui trình thủ tục này.
Tuy nhiên, theo quan điểm của Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng thì khó nhất trong xác định giá trị doanh nghiệp chính là giá trị đất. “Quan điểm chỉ đạo của Bộ GTVT là đất là chuyển sang thuê, không tính vào giá trị doanh nghiệp. Làm như vậy thì việc xác định giá trị doanh nghiệp nhanh hơn mà nó cũng tránh được tiêu cực thất thoát lãng phí, mà chủ yếu là từ xác định giá trị đất” – Bộ trưởng Thăng nói.
Khó không có nghĩa là không làm được
Tất cả các vị Bộ trưởng, trưởng ngành và lãnh đạo DNNN đều khẳng định việc xác định giá trị tài sản doanh nghiệp là khó, do nhiều yếu tố. Chính vì thế, câu chuyện về sự quyết tâm của các lãnh đạo DN, các vị trưởng ngành được đề cao hơn bao giờ hết.
Ví dụ như câu chuyện cổ phần tại Vietnam Airlines. Ông Phạm Viết Thanh – Chủ tịch Hội đồng thành viên cho biết: Tổng công ty đang làm việc với đơn vị tư vấn định giá doanh nghiệp, về xác định giá trị doanh nghiệp để có thể trình kết quả với Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải vào ngày 28/2/2014. Theo kế hoạch, Bộ trưởng Giao thông Vận tải sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ vào đầu tháng 3/2014.
Tuy nhiên, vướng mắc của DN này hiện nay là chưa có căn cứ xác định tài sản để cổ phần hóa đối với máy bay, việc 700 tỷ đồng đào tạo phi công… vào giá trị doanh nghiệp.
“Các cổ đông nước ngoài mà chúng tôi đang tiếp xúc cũng muốn biết kết quả xác định giá trị doanh nghiệp trước khi quyết định có trở thành cổ đông chiến lược của Vietnam Airlines hay không”, ông Thanh nói và cho biết, kế hoạch IPO của Vietnam Airlines và kế hoạch lựa chọn đối tác chiến lược đang được thực hiện song song để có thể hoàn tất cổ phần hóa trong năm 2014, chính thức hoạt động theo hình thức công ty cổ phần vào 1/1/2015.
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ tái cơ cấu DNNN của Chính phủ, Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng báo cáo Thủ tướng việc chuẩn bị các thủ tục cổ phần Tổng Công ty Hàng Hải, Tổng Công ty công nghiệp tàu thủy Việt Nam vào năm 2015.
“Nhiều người có ý kiến là cổ phần hóa hai đơn vị này là khó, nhưng tôi nghĩ không khó, vấn đề là tổ chức như thế nào, bán với giá nào đảm bảo hợp lý, hiệu quả…”- Bộ trưởng khẳng định.
Một cái khó nữa là câu chuyện thoái vốn, thế nhưng các DN của Bộ Giao thông-Vận tải đã thực hiện khá thành công. Đơn cử, trong số 297 tỷ đồng đầu tư ngoài ngành, Vietnam Airlines đã thoái được 200 tỷ đồng. Số còn lại, khoảng 97 tỷ đồng, chủ yếu nằm ở các doanh nghiệp lỗ liên tục 2 năm nên vướng một số quy định, đang chờ đợi được tháo gỡ để đảm bảo tiến độ.
Cũng liên quan đến chuyện thoái vốn. Chủ tịch HĐQT của BIDV, ông Trần Bắc Hà băn khoăn: “DN đầu tư ngoài ngành mà lại có hiệu quả thì có bắt buộc phải thoái vốn không? Như vậy có phải thoái bằng bất cứ giá nào?”./.