Bộ trưởng Đinh La Thăng: Sẽ xử lý Giám đốc cảng vụ nếu vẫn còn mất cắp
VOV.VN - Bộ trưởng khẳng định sẽ xử lý giám đốc các cảng hàng không nếu tình trạng mất cắp hành lý không giảm trong thời gian tới.
Chiều 18/6, tại cuộc họp nghe báo cáo xử lý tình trạng mất cắp hành lý tại sân bay, Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định để xảy ra tình trạng mất cắp là do lãnh đạo chưa nhận thức được trách nhiệm của mình, coi đây là việc của người khác, chưa thấy xấu hổ về chuyện mất cắp đó. Bộ trưởng tỏ rõ sự không hài lòng khi số liệu các vụ khiếu nại liên quan đến mất cắp hành ký gửi từ năm 2013 đến nay liên tục tăng.
Hành lý ở sân bay (ảnh Báo giao thông) |
Tại cuộc họp, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Lại Xuân Thanh báo cáo năm 2013, có tới 205 khiếu nại của hành khách liên quan đến việc bị trộm cắp tài sản, trong đó có 141 vụ liên quan đến các chuyến bay quốc tế. Năm 2014 là 301 vụ và chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2015 là 168 vụ. Riêng về các vụ trộm cắp liên quan đến nhân viên hàng không bị phát hiện. Theo đó, năm 2013 có 8 vụ, 2014 có 9 vụ và 6 tháng đầu năm 2015 là 5 vụ.
Nguyên nhân dẫn đến các vụ trộm cắp tài sản trong hành lý ký gửi theo ông Lại Xuân Than, trước tiên do cơ sở hạ tầng và quy trình giám sát. Cụ thể, hệ thống camera giám sát chưa bao quát được toàn bộ các khu vực xử lý hành lý, còn một số điểm mù ở các cổng ra vào khu bay của nhân viên ngành hàng không chưa có hệ thống soi chiếu để phát hiện các đồ vật bất thường…
Liên quan đến công tác an ninh, Thiếu tướng Nguyễn Đình Thuận, Cục trưởng Cục An ninh Kinh tế tổng hợp, Bộ Công an cho rằng nếu không có sự tiếp tay, thông đồng của nhân viên soi chiếu thì các đối tượng không thể biết chính xác hành lý nào có tài sản quý giá và những tài sản này được đặt ở đâu để rạch đúng vào vị trí đó.
Theo Thiếu tướng Nguyễn Đình Thuận: "Nguyên nhân trực tiếp chính là trong các khâu ký gửi, cách ly. Tất cả nằm trong nội bộ, các đơn vị chạy theo lợi nhuận nên tuyển công nhân thời vụ, trả lương thấp, coi thường pháp luật, tuyển nhân viên hợp đồng không được đào tạo".
“Có hành lý, kiện hàng bị rạch, móc đúng vị trí có đồ giá trị. Khách quan mà nói không thể dễ phát hiện các đồ vật giá trị này, tôi cho rằng phải có móc nối, không loại trừ có liên quan đến soi chiếu” – ông Thuận nhấn mạnh và dẫn ví dụ vụ việc một hành khách đi từ TP.HCM ra Nội Bài bị rách kiện hàng và bị móc đúng chỗ để 7 chiếc đồng hồ có giá trị cao.
Cũng theo Thiếu tướng Thuận, phần lớn mất hàng hoá, hành lý trong khâu ký gửi, cách ly do vậy việc thực hiện hành vi trộm cắp là trong nội bộ các đơn vị hoạt động tại cảng hàng không sân bay. Phân tích nguyên nhân, ông Thuận cho rằng doanh nghiệp kinh doanh có xu hướng chạy theo lợi nhuận, tuyển công nhân có thời vụ, trả lương thấp, coi thường bảo vệ nội bộ.
Cùng chung quan điểm này, Đại tá Hồ Sỹ Niêm (Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an) cho rằng đối tượng trộm cắp hành lý được xác định chủ yếu là nhân viên của công ty thuộc cảng hàng không và phục vụ trong lĩnh vực hàng không. Nếu người ngoài vào thì cũng phải móc nối với nhân viên trong cụm cảng.
Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng chỉ ra, bên cạnh việc mất tài sản tại các chuyến bay nội địa do người trong nội bộ các đơn vị của các cảng hàng không, nguyên nhân cốt lõi chính là việc người đứng đầu các cơ quan đơn vị trong ngành hàng không chưa có sự phân chia trách nhiệm rõ ràng, khi sự việc xảy ra đều coi việc giải quyết là của các đơn vị khác.
Valy của khách bị cạy ở sân bay (ảnh Internet) |
Cũng trong buổi làm việc này, Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu các hãng hàng không phải công khai số lượng chỗ ngồi còn lại trên các chuyến bay để hành khách được biết khi có nhu cầu mua vé giờ chót tại sân bay. Điều này nhằm tránh tình trạng hành khách khi ra sân bay vào giờ chót không thể mua được vé dù trên máy bay ghế trống vẫn còn và nhiều trường hợp phải mua vé với mức giá cao hơn quy định.
Cuối tháng này, Cục Hàng không phải có báo cáo tình hình triển khai công tác này của các hãng hàng không.
“Từ nay đến cuối năm mà không giảm số vụ trộm cắp sân bay thì sẽ truy trách nhiệm các Giám đốc cảng vụ” – Bộ trưởng nhấn mạnh./.