Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Giá trị của nông nghiệp rất lớn, không có giới hạn

VOV.VN - Bộ trưởng cho rằng để thoát khỏi nền nông nghiệp manh mún, trước hết nông nghiệp Lào Cai phải gắn chặt với nông dân và nông thôn. Kinh tế nông nghiệp cần được coi là một ngành kinh tế tổng hợp, tác động đến mọi lĩnh vực trong xã hội.

Trong chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Lào Cai diễn ra trong 2 ngày 16 – 17/4, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan và đoàn công tác đã dành thời gian cùng Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai và đại diện cấp ủy, chính quyền các địa phương trực thuộc bàn về tư duy làm nông nghiệp.

Hàng loạt tư duy, cách tiếp cận mới về phát triển nông nghiệp đã được đưa ra bàn bạc gắn với tỉnh vùng cao, biên giới nằm ở vùng lõi nghèo của cả nước như Lào Cai trong bức tranh chung Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn Việt Nam bền vững sau Đại hội XIII của Đảng.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, để vượt qua những áp đặt về một nền nông nghiệp Việt Nam “manh mún, nhỏ lẻ, tự phát” thì các địa phương, trong đó có Lào Cai phải thay đổi về tư duy.

Trước hết, nông nghiệp phải gắn chặt với nông dân và nông thôn. Nhưng kinh tế nông nghiệp cần được coi là một ngành kinh tế tổng hợp, tác động đến mọi lĩnh vực trong xã hội; do đó, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Giá trị của nông nghiệp là rất lớn, không có giới hạn. Nhưng chúng ta mới chỉ đang đi đổi sản phẩm lấy giá cả trong không gian sản xuất ngày càng chật hẹp, chưa thực sự hiểu thị trường, chưa biết cách sản xuất để tiết giảm chi phí, biết nghệ thuật bán hàng để tăng giá trị sản phẩm…

Lào Cai có nhiều khu vực địa hình, đất đai, thời tiết kém thuận lợi nhưng với truyền thống nỗ lực, sáng tạo, vượt khó thì hoàn toàn có thể làm nông nghiệp thành công như Nhật Bản, Hàn Quốc, Israel…

Bộ trưởng Lê Minh Hoan gợi ý Lào Cai việc hệ thống lại cộng đồng nông thôn, tăng cường khuyến nông theo nghĩa rộng gắn với tổ chức đời sống sản xuất ở khu vực này; gắn kết người nông dân thông qua mô hình hợp tác; đẩy mạnh thu hút đầu tư, liên kết sản xuất – tiêu thụ nhưng đảm bảo sự phát triển đồng đều của doanh nghiệp, hợp tác xã từ quy mô lớn đến siêu nhỏ; quan tâm hỗ trợ các sản phẩm OCOP; học cách gây dựng thương hiệu, bán hàng, quảng bá; thành lập câu lạc bộ khởi nghiệp nông nghiệp; thí điểm mô hình không gian cộng đồng gắn hệ sinh thái nông nghiệp để phát triển du lịch…

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, đầu tư cho nông nghiệp ngoài nhằm tạo ra vốn hữu hình là kinh tế cũng cần tạo ra vốn vô hình là văn hóa, xã hội. Về lâu dài vốn vô hình sẽ kích hoạt lại vốn hữu hình, đó là cách làm nông nghiệp theo chiều sâu, hài hòa, giàu sức sống, một mũi tên trúng nhiều đích chứ không đơn thuần chỉ là đầu tư cây cầu hay con đường.

Trao đổi với phóng viên VOV, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, những vấn đề bàn bạc với Lào Cai không đi vào nội dung quá chi tiết vì trong bối cảnh Việt Nam và thế giới hiện nay đều thay đổi rất nhanh, có thể hôm nay đúng, nhưng ngày mai lại không đúng, quan trọng là tư duy và cách tiếp cận để chúng ta linh hoạt, thích ứng trước những thay đổi.

Ngay bản thân ngành nông nghiệp cũng vậy, hôm nay nông nghiệp vì sản lượng nhưng ngày mai phải là nông nghiệp vì chất lượng. Hôm nay nông nghiệp là đơn giá trị, ngày mai phải là đa giá trị. Hôm nay là nông nghiệp truyền thống, ngày mai phải là nông nghiệp xanh, phù hợp với nền kinh tế xanh.

"Chúng ta trả lời những câu hỏi cụ thể nhưng chúng ta cũng phải có tầm chiến lược để thích ứng với xu thế cách mạng 4.0, xu thế sự thay đổi của một nền nông nghiệp. Nông nghiệp ở đây không chỉ định vị nông nghiệp là nông nghiệp mà nó có một sự phối hợp hay sự đan xen giữa nông nghiệp với công nghiệp, rồi dịch vụ, du lịch" - ông Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Tiếp thu những ý kiến của Bộ trưởng Lê Minh Hoan, ông Đặng Xuân Phong, Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai cho biết, thời gian tới Lào Cai cũng sẽ phải có một cuộc cách mạng tổ chức sản xuất nông nghiệp; trong đó, tăng cường sáng tạo, đổi mới, chú trọng liên kết, hợp tác, chia sẻ, kỷ luật, khoa học…

Theo ông Phong, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai vừa qua cũng đã ban hành Nghị quyết 10 về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa của địa phương đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, tập trung phát triển 5 cây (chè, chuối, dứa, quế, dược liệu), 1 con (lợn) và 1 lĩnh vực sản xuất (kinh tế đồi rừng).

Lào Cai coi nông nghiệp là hạt nhân của nền kinh tế, đặt mục tiêu phát triển xanh, bền vững, lâu dài lên hàng đầu gắn với 5 nhiệm vụ đặt biệt gồm “giữ rừng, giữ nước, giữ môi trường, giữ dân và giữ biên giới”. Nông nghiệp Lào Cai cũng đặt mục tiêu đột phá về giống, đất, phát triển hữu cơ; phấn đấu “đi sau, về trước”.

Tuy nhiên, nông nghiệp Lào Cai vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. 84% diện tích tự nhiên trong vùng sản xuất nông nghiệp, hơn 70% dân số là nông dân nhưng nông nghiệp chỉ chiếm 14,2% trong cơ cấu kinh tế, giá trị sản xuất còn thấp chỉ khoảng 8.000 tỷ đồng/năm (nhỉnh hơn 1 huyện của Bắc Giang).

Sau hơn 30 năm kể từ khi tái lập, từ 1 trong 6 tỉnh nghèo nhất cả nước, Lào Cai đã vươn lên là một trong những tỉnh dẫn đầu khu vực trung du, miền núi phía Bắc, nhưng tỷ lệ hộ nghèo vẫn cao trên 25%, 4 huyện nằm trong diện 30a; nhiều thế mạnh về nông nghiệp như rừng, dược liệu vẫn đang bỏ ngỏ, liên kết sản xuất – tiêu thụ còn yếu…

Ông Đặng Xuân Phong đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng các bộ ngành trung ương tăng cường phối hợp, tạo cơ chế thông thoáng, hỗ trợ các địa phương thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị vừa mới ban hành về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở vùng trung du miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Người đứng đầu cấp ủy tỉnh Lào Cai cũng kiến nghị việc cho Lào Cai sớm thí điểm bù trừ tín chỉ carbon; tăng cường vai trò cửa khẩu để tương xứng với tiềm năng, đưa Lào Cai trở thành trung tâm logictics vùng; kết nối doanh nghiệp lớn đầu tư vào địa phương…./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp vùng Tây Bắc
Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp vùng Tây Bắc

Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng: Đào tạo nguồn nhân lực là vấn đề quan trọng nhất để phát triển kinh tế vùng Tây Bắc, do đó đội ngũ cán bộ địa phương cần tự học, tự đọc để nâng cao trình độ của mình.

Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp vùng Tây Bắc

Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp vùng Tây Bắc

Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng: Đào tạo nguồn nhân lực là vấn đề quan trọng nhất để phát triển kinh tế vùng Tây Bắc, do đó đội ngũ cán bộ địa phương cần tự học, tự đọc để nâng cao trình độ của mình.

Vùng Tây Bắc khai mạc Hội chợ Nông nghiệp-Thương Mại
Vùng Tây Bắc khai mạc Hội chợ Nông nghiệp-Thương Mại

VOV.VN - Hội chợ trưng bày gần 200 gian hàng của hơn 100 đơn vị, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Vùng Tây Bắc khai mạc Hội chợ Nông nghiệp-Thương Mại

Vùng Tây Bắc khai mạc Hội chợ Nông nghiệp-Thương Mại

VOV.VN - Hội chợ trưng bày gần 200 gian hàng của hơn 100 đơn vị, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.