Bộ trưởng Tài chính: Nguy cơ mất cân đối ngân sách
VOV.VN -Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng, tiềm ẩn nguy cơ mất cân đối ngân sách nhà nước năm 2016.
Tại hội nghị sơ kết đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 2016, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2016 của ngành tài chính, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng, tiềm ẩn nguy cơ mất cân đối ngân sách nhà nước năm 2016.
Xuất hiện những yếu tố bất ổn
Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, việc triển khai thực hiện nhiệm vụ KT-XH và tài chính - NSNN năm 2016, bên cạnh những yếu tố thuận lợi, cũng đã xuất hiện những yếu tố bất ổn, khó định lượng và dự báo, tác động không nhỏ đến việc thực thi các chính sách kinh tế vĩ mô và tiềm ẩn nguy cơ mất cân đối NSNN năm 2016.
Nhiều nguy cơ tiềm ẩn mất cân đối ngân sách nhà nước năm 2016 (Ảnh minh họa: KT) |
Chỉ rõ các nguy cơ, Bộ trưởng nêu: Tốc độ tăng trưởng kinh tế những tháng đầu năm 2016 có dấu hiệu chững lại (GDP 6 tháng tăng 5,52%, thấp hơn so với mục tiêu đề ra là tăng 6,7%); giá dầu thô thế giới dao động ở mức thấp (bình quân 6 tháng khoảng 40 USD/thùng và hiện đang giao động quanh mức 45-48 USD/thùng, giảm trên 20% so với dự toán); tình hình hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng ở đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, sự cố ô nhiễm môi trường biển nghiêm trọng ở một số tỉnh miền Trung...
Theo Bộ trưởng, 6 tháng đầu năm, mặc dù triển khai đồng bộ các giải pháp và đạt được một số kết quả quan trọng về xây dựng thể chế, chính sách chế độ trong lĩnh vực tài chính; quản lý thu; tăng cường công tác thu hồi nợ thuế, đấu tranh chống chuyển giá, buôn lậu và gian lận thương mại; quản lý chặt chẽ các khoản chi, điều hành NSNN chủ động và tích cực, đảm bảo nguồn đáp ứng đầy đủ, kịp thời các nhiệm vụ chi..... Nhưng trong điều hành, vẫn còn phát sinh nhiều khó khăn, thách thức.
Theo Bộ Tài chính, số thu ngân sách nửa đầu năm nay ước đạt 476.800 tỷ đồng, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước. Còn chi ngân sách là 562.500 tỷ đồng, tăng 4,9% so cùng kỳ năm 2015. Do đó, bội chi NSNN 85.700 tỷ đồng, bằng 33,7% dự toán năm.
Rút ngắn thời gian, giảm chi phí thủ tục xuất nhập khẩu
Bộ cũng sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu về người nộp thuế, mở rộng hóa đơn điện tử, nộp thuế điện tử và hoàn thuế điện tử... Thực hiện nhiệm vụ một cửa quốc gia; giảm thiểu giấy tờ, rút ngắn thời gian, giảm chi phí thực hiện thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập khẩu.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế
Về chi ngân sách, Bộ trưởng nhấn mạnh: Quản lý chi NSNN chặt chẽ, tiết kiệm, đúng quy định, chống lãng phí; nâng cao hiệu quả sử dụng NSNN. Đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư công, nhất là vốn đầu tư từ NSNN và vốn trái phiếu Chính phủ; Chỉ đề xuất ban hành chính sách làm tăng chi NSNN trong trường hợp thật sự cần thiết và có nguồn đảm bảo.
Quản lý kiểm soát chặt chẽ nợ công
Thực hiện đồng bộ, linh hoạt các giải pháp huy động vốn; Tiếp tục thực hiện cơ cấu lại danh mục nợ công theo hướng bền vững. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc vay, sử dụng vốn vay và trả nợ. Kiểm soát chặt chẽ các khoản nợ của chính quyền địa phương; triển khai thực hiện cơ chế cho vay lại chính quyền địa phương. Đồng thời, tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tham nhũng./.