Bộ trưởng Tài chính: Thuế ở Việt Nam thuộc mức trung bình thấp
VOV.VN - Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng, thuế của Việt Nam thuộc mức trung bình thấp so với các nước khu vực và thế giới.
Kết thúc phiên làm việc của Quốc hội chiều 1/11, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã báo cáo giải trình về tình hình thu chi ngân sách nhà nước.
Trong phiên thảo luận tại Hội trường về kinh tế - xã hội, nhiều đại biểu Quốc hội có ý kiến về thu ngân sách nhà nước (NSNN) và đặt ra một loạt câu hỏi: Tăng trưởng GDP đạt 6,7% nhưng tại sao NSNN chỉ tăng thu 2,3% so với dự toán? Vì sao tăng trưởng GDP cải thiện nhưng quy mô thu NSNN tính trên GDP giảm? Vì sao thu từ 3 khu vực kinh tế lớn không đạt? Tại sao thu NSNN khó khăn?
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng lý giải: Về bản chất, NSNN là thước đo quan trọng phản ánh sự phát triển và hiệu quả của nền kinh tế. Kết quả thu NSNN chịu ảnh hưởng cả từ yếu tố tích cực và hạn chế, yếu kém của nền kinh tế. Trong điều kiện tăng trưởng kinh tế, lạm phát đạt kế hoạch thì thu ngân sách vượt 2,3% là tích cực.
So với năm 2016 thì thu NSNN tăng hơn 10%. Trong đó, thu nội địa từ hoạt động sản xuất tăng trên 14% cũng là tích cực, bù cho nguồn thu giảm do cắt giảm thuế và giảm giá, sản lượng dầu thô. Mức tăng này cao hơn nhiều tăng trưởng kinh tế và lạm phát, ông Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.
Mặc dù tổng thể thu NSNN vượt nhưng thu từ 3 khu vực chính là: kinh tế nhà nước, doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và khu vực kinh tế ngoài quốc doanh chưa đạt 100% do có nguyên nhân khách quan, chủ quan.
Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, yếu tố khách quan do dự toán giao rất cao so với năm 2016, cao hơn nhiều so với GDP và lạm phát cộng lại. Vì vậy, dù không đạt nhưng đây là mức tích cực so với năm 2016, trong đó thu từ khu vực FDI dự kiến tăng 16,9% so với năm ngoái.
Về nguyên nhân chủ quan, ông Đinh Tiến Dũng cho hay, nhiều doanh nghiệp vẫn khó khăn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước và tổ chức tín dụng còn chậm. Tình hình các doanh nghiệp ô tô, khai khoáng... rất khó khăn. Kể cả Samsung và Formosa, hai doanh nghiệp lớn nhưng thu không tăng nhiều do đang được hưởng ưu đãi.
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định, tỷ lệ huy động ngân sách của Việt Nam không phải quá cao (Ảnh minh họa: KT) |
Trước ý kiến của các đại biểu Quốc hội cho rằng tỷ lệ thu ngân sách trên GDP của Việt Nam cao, gánh nặng thuế, phí lớn, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định, tỷ lệ huy động ngân sách của Việt Nam không phải quá cao. Thuế của Việt Nam thuộc mức trung bình thấp so với các nước khu vực và thế giới.
Ông Dũng phân tích: Năm 2018, tỷ lệ thu ngân sách trên GDP của Việt Nam là 23,9% GDP, trong đó tỷ lệ thuế, phí 19,7% GDP.
Dẫn báo cáo Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng, tỷ trọng này tại các nước Liên minh châu Âu (EU) là 44,3%, Ấn Độ 21,3%, Malaysia 23,4%...
Ngoài ra, theo ông Đinh Tiến Dũng, phạm vi thu ngân sách Việt Nam gồm cả thu từ dầu thô, sử dụng đất, nhà thuộc quyền sở hữu nhà nước, còn các nước thì không tính khoản thu đó vào thuế, phí; có nước còn tính bảo hiểm xã hội vào thu ngân sách, Việt Nam không tính khoản này.
Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng lưu ý, vừa qua Việt Nam đã thực hiện nhiều biện pháp miễn giảm, giãn thuế nhanh, mạnh hơn so với lộ trình... Dự kiến năm 2018, tỷ lệ huy động từ thuế, phí là 19,7%, giảm hơn mức 20,1% năm 2017./. Chưa tăng thuế, phí, lệ phí trong năm 2017