Bộ trưởng Vương Đình Huệ đối thoại trực tuyến với nhân dân
Cuộc đối thoại tập trung vào các vấn đề lớn như việc chỉ đạo, điều hành chính sách tài khóa; thu chi ngân sách, vấn đề thuế, quản lý giá cả, thị trường...
Cuộc đối thoại được phát thanh trực tiếp trên hệ VOV1 - Đài tiếng nói Việt Nam, trực tuyến trên VOV.VN, truyền hình trên internet tại cổng Thông tin Điện tử Chính phủ để cung cấp thông tin tới các tầng lớp nhân dân trong nước, bà con Việt kiều, các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Đây là hoạt động nhằm thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương tăng cường giao lưu trực tuyến, đối thoại trực tuyến trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ góp phần định hướng dư luận, tạo đồng thuận trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Đến nay đã có Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng; Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền, Bộ trưởng Giao thông vận tải Đinh La Thăng và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình tham gia đối thoại với nhân dân trên cổng thông tin điện tử Chính phủ.
Bạn đọc tham gia đặt câu hỏi gửi về địa chỉ email doithoai@chinhphu.vn
** Mở đầu chương trình, xin được chuyển đến Bộ trưởng câu hỏi của một Đại tá Quân đội tên là Vũ Văn Tâm, hiện đang sinh sống ở thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.
Ông cho biết là đã từng trải qua hai cuộc kháng chiến, nay đã trên 80 tuổi, được nhà nước cho nghỉ hưu nhưng vẫn rất quan tâm đến những vấn đề quốc kế, dân sinh của đất nước. Ông hỏi: Chính phủ đã ra Nghị quyết yêu cầu cả nước thắt chặt chi tiêu để kiềm chế lạm phát nhưng cho đến nay đã một năm rồi mà vẫn chưa tổng kết, đánh giá gì cả, đề nghị Bộ trưởng cho biết việc làm này đã được thực hiện đến đâu, kết quả như thế nào và có những đơn vị, địa phương nào vi phạm phải xử lý?
Bộ trưởng Vương Đình Huệ: Trước hết tôi xin được bày tỏ vinh dự và may mắn được đối thoại trực tuyến với nhân dân. Về câu hỏi của bác Tâm, tôi xin trả lời như sau: Tình hình năm 2011 Chính phủ đã thực hiện quyết liệt NQ 11 về kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội. Chính phủ cũng như các bộ ngành đã tổng kết sâu sắc, đầy đủ và ban hành Nghị quyết mới cho năm 2012. Về thắt chặt chi tiêu, trong năm 2011, chúng ta đã cắt giảm 81.500 tỷ đồng chi tiêu công, tiết kiệm khoảng 10% chi thường xuyên, tương đương hơn 3.900 tỷ đồng, và toàn bộ số này được sử dụng cho nhu cầu an sinh xã hội và các yêu cầu bức thiết khác. Khi tổng kết NQ 11, phát hiện một số bộ, ngành địa phương sử dụng không đúng 2.450 tỷ đồng xây dựng cơ bản. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo cương quyết thu hồi để dành cho các nhu cầu đầu tư khác.
** Anh Nguyễn Văn Cầu gửi thư đến phản ánh về một vấn đề ở địa phương: Tôi ở một huyện miền núi, tuy là một huyện nghèo nhưng tôi thấy mỗi lần thay đổi Chủ tịch huyện thì Chủ tịch mới lại mua xe ô tô mới rất đắt tiền chứ không sử dụng xe của Chủ tịch cũ, mặc dù vẫn còn rất tốt. Đây có phải là qui định của nhà nước không, nếu đúng là qui định của nhà nước thì nên sửa vì theo tôi, đó là một sự lãng phí. Đời sống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn rất nghèo, nhiều gia đình còn thiếu đói, làm cán bộ mà như vậy sẽ chỉ càng xa dân mà thôi. Rất mong nhận được câu trả lời của Bộ trưởng.
Bộ trưởng Vương Đình Huệ: Về nguyện vọng khi bổ nhiệm lãnh đạo, có phòng làm việc mới, ô tô mới là nguyện vọng không phải xa lạ, tuy nhiên, phải theo tiêu chuẩn, quy định của Nhà nước.
Về xe công, từ Bộ trưởng đến Chủ tịch huyện đều có tiêu chuẩn, định mức cụ thể. Đối với Chủ tịch huyện, có tiêu chuẩn sử dụng xe có mức giá mua tối đa là 750 triệu đồng. Khi Chủ tịch mới lên nhậm chức, nếu xe còn mới, còn tốt, trong hạn mức sử dụng thì dứt khoát là phải dùng xe đó. Nếu mua xe mới là vi phạm.
Theo phản ánh của bác, chúng tôi sẽ kiểm tra lại, phối hợp với chính quyền địa phương xem xét xử lý theo quy định.
Làm cán bộ là công bộc của dân, nên không thể muốn sử dụng tài sản thế nào cũng được.
Bà Đỗ Thị Mai, một nhân viên bán hàng ở siêu thị tại Hà Nội: Xin Bộ trưởng khẳng định lại việc con số phần trăm tăng giá các mặt hàng khác khi tăng giá điện? Cơ sở nào để tính ra con số đó, điều đó có thực tế không? Trong năm 2012, dự kiến giá điện sẽ tăng khoảng bao nhiêu nữa?. Bộ trưởng có biết rằng, các gia đình có thu nhập thấp đang rất chật vật vì bão giá hiện nay không, làm thế nào để ngăn chặn tình trạng này, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Vương Đình Huệ: Tôi nghĩ câu hỏi của chị cũng là câu hỏi chung của nhiều người dân, nhất là khi chúng ta đang chuẩn bị đón năm mới. Việc tính tăng giá của các mặt hàng, cụ thể là điện dến các mặt hàng khác phải dựa vào định mức kinh tế-kỹ thuật của nhiều ngành. Ví dụ, trong ngành luyện thép, định mức sử dụng điện cho 1 tấn thép cán là 163 kWh điện, chiếm 1% giá thành.
Các cơ quan chuyên môn tính toán rằng khi giá điện tăng sẽ tác động đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) qua 2 vòng. Một là là qua trực tiếp chi phí, theo như con số thống kê, cứ tăng 1% giá điện thì tác động tới 0,0246%. Như vừa rồi, giá điện tăng 5% thì tác động tới CPI 0,153%.
Tác động tại vòng 2 gấp khoảng 2 lần vòng 1, có nghĩa là giá điện tăng 1% thì tác động tăng 0,0492% CPI.
Tính cả vòng 1 và vòng 2, giá điện tăng 5% khiến CPI tăng khoảng 0,369%.
Vấn đề thứ hai, khi Nhà nước tăng gía điện đều có tuyên bố chính sách hỗ trợ người nghèo, thu nhập thấp. Chúng ta cũng đã biết chính sách không tăng giá điện từ mức 0 đến 100kWh. Các hộ sử dụng 50kWh tính giá 992 đồng như hiện nay, các hộ sử dụng 100kWh thì ở mức 1.242 đồng. Mặt khác, những hộ nghèo còn được hỗ trợ trực tiếp 30 nghìn đồng.
Như vậy, ngoài việc điều chỉnh giá để sản xuất phát triển, thu hút đầu tư, đảm bảo đủ điện, Chính phủ đã hỗ trợ trực tiếp người nghèo. Với chính sách như vậy, tôi đã có lần trả lời trước Quốc hội là giá điện 2012 về cơ bản đáp ứng được giá thành kế hoạch, phân bổ thêm 1 phần lỗ của năm 2011, cũng như đáp ứng được một phần giá bán than sẽ được điều chỉnh 80% so với hiện nay. Với tinh thần đó, giá điện sẽ tăng nhưng mức tăng sẽ phải tính toán kỹ và vẫn phải thực hiện 2 mục tiêu. Một là đến năm 2013, thực hiện đúng Nghị quyết của Quốc hội là các mặt hàng điện, xăng dầu, than và một số dịch vụ công về cơ bản thực hiện theo nguyên tắc thị trường. Mục tiêu thứ hai là đồng thời kiềm chế lạm phát dưới 1 con số, cụ thể là Chính phủ đã đặt mục tiêu khoảng 9%.
Ông Võ Minh Tâm ở phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội: Tôi rất tâm đắc với phát biểu “minh bạch là giải pháp của mọi giải pháp” của Bộ trưởng. Vậy Bộ trưởng đã thực hiện được những “tuyên bố” của mình như thế nào, nhất là đối với lĩnh vực nhạy cảm như quản lý giá xăng dầu, than và điện ? Và với cơ cấu các đơn vị cung cấp như hiện nay thì bao giờ mới có thị trường cạnh tranh thực sự đối với các mặt hàng trên ?
Bộ trưởng Vương Đình Huệ: Trong phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội vừa rồi, tôi có nhấn mạnh, minh bạch và công khai là một trong những điều kiện kiên quyết để điều hành, quản lý nền kinh tế nói chung, trong đó có quản lý về giá cả, nhất là đối với những mặt hàng, vật tư có ý nghĩa chiến lượng như điện, than, xăng dầu… Trong thông điệp đầu năm của Thủ tướng Chính phủ gửi đến người dân, Thủ tướng đã đề cập, nhấn mạnh về nguyên tắc công khai, minh bạch trong quản lý nền kinh tế của chúng ta. Để thực hiện giải pháp này, trong lĩnh vực quản lý giá, chúng tôi nghĩ phải minh bạch cả khâu chính sách cũng như thông tin của doanh nghiệp.
Về chính sách, phải công khai minh bạch ngay khi xây dựng pháp luật. Bộ Tài chính được Chính phủ, Quốc hội giao xây dựng Luật Giá trình Quốc hội. Quốc hội đã cho ý kiến lần thứ nhất về Luật này tại kỳ họp tháng 10, 11/2011 vừa rồi. Đến tháng 4, 5/2012 này, Quốc hội sẽ xem xét thông qua Luật này. Đến nay, chúng tôi đã căn bản hoàn thành dự thảo cuối cùng, dự thảo này sẽ tiếp tục được tổ chức hội thảo, lấy ý kiến rộng rãi của các thành phần trong xã hội, đặc biệt Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Hoa Kỳ, Phòng Thương mại và Công nghiệp châu Âu- những tổ chức đại diện cho quyền lợi của doanh nghiệp.
Qua lần kiểm tra giá xăng dầu gần đây, Bộ Tài chính nhấn mạnh rất rõ về minh bạch trong thực hiện Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu, và Quyết định 24 của Thủ tướng về kinh doanh điện theo nguyên tắc thị trường.
Chúng tôi cũng có nói rõ, định hướng sắp tới dây, chúng ta vừa kiên trì thực hiện Nghị định 84, đồng thời cũng xem xét nghiên cứu sửa đổi bổ sung một số vấn đề cần thiết, như chu kỳ để tính điều chỉnh tăng hoặc giảm giá, với thời gian sẽ ngắn hơn, phù hợp với diễn biến của giá thế giới.
Thứ 2, nghiên cứu hoàn thiện thêm công thức tính giá cơ sở, có thể đưa lãi định mức ra khỏi công thức tính giá cơ sở để đảm bảo sự minh bạch về lỗ lãi.
Đồng thời với thông tư về quỹ bình ổn giá giá xăng dầu, hiện Bộ Tài chính đang phối hợp với các bộ, ngành để nghiên cứu sửa đổi theo hướng Luật giá hiện nay đang quy định, đảm bảo tính công khai, minh bạch, nhà nước quản lý được quỹ bình ổn giá này, phục vụ các mục tiêu bình ổn giá xăng dầu.
Với quyết tâm của Chính phủ trong năm mới, thực hiện tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, trong đó có những tập đoàn, công ty kinh doanh trong lĩnh vực điện, xăng dầu... Chúng tôi hy vọng thị trường kinh doanh xăng dầu, điện sẽ ngày càng minh bạch hơn.
Chúng tôi muốn nói thêm, bên cạnh công khai minh bạch chính sách, Nhà nước cũng yêu cầu minh bạch công khai chi phí, giá thành của tất cả các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước.
Năm 2012, Bộ Tài chính phối hợp với Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước để tiếp tục thanh tra, kiểm tra giám sát chặt chẽ các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực nhạy cảm này.
Kiểm toán Nhà nước sẽ kiểm toán toàn diện tình hình sản xuất kinh doanh, thực trạng tài chính của Tổng công ty xăng dầu - Petrolimex trong năm 2012. Thanh tra Chính phủ sẽ thanh tra Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN. Đối với thanh tra Bộ tài chính, chúng tôi chỉ đạo thanh tra tất cả các đầu mối xăng dầu còn lại, cũng như các đầu mối bán điện giá cao cho EVN để làm rõ cơ cấu chi phí, giá thành trong kinh doanh điện lực cũng nhưu xăng dầu, phân tích kỹ nguyên nhân khách quan, chủ quan làm tăng giá thành, theo nguyên tắc nhà nước, nhân dân chỉ chấp nhận bù đắp cho các doanh nghiệp những chi phí thực sự khách quan.
Tại diễn đàn Quốc hội, tôi cũng kêu gọi các doanh nghiệp tiết giảm chi phí quản lý từ 5-10%. Hiện NQ 01 của Chính phủ về thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và ngân sách nhà nước 2012 đưa chỉ tiêu tiết giảm này của các Tập đoàn, tổng công ty nhà nước là một chỉ tiêu pháp lệnh của năm 2012.
Bà Nguyễn Thị Lê Hoa, quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh: Tôi thấy thời gian vừa qua, các cơ quan thanh tra, quản lý giá (bao gồm cả trung ương và địa phương) phát hiện được rất ít các hành vi sai phạm, chỉ đến khi báo chí phát hiện mới vào cuộc (trường hợp giá thuốc chữa bệnh, giá sữa bột nhập khẩu bán trên thị trường với giá quá cao hoặc chuyện làm giá vàng như vừa qua là những ví dụ). Đâu là nguyên nhân của tình trạng này và làm thế nào để người tiêu dùng tránh được những thiệt hại do giá của các mặt hàng tăng bất hợp lý ?
Bộ trưởng Vương Đình Huệ: Trong nền kinh tế thị trường, Nhà nước tôn trọng quyền tự định giá theo nguyên tắc đù bù đắp chi phí và có lợi nhuận cho các doanh nghiệp. Nhà nước quản lý chủ yếu bằng việc ban hành chính sách, thanh tra, kiểm tra. Hiện nay, không chỉ Bộ Tài chính mà Bộ Công Thương, UBND các tỉnh cũng thường xuyên kiểm tra, thanh tra trong mọi thời điểm, nhất là các thời điểm nhạy cảm như Tết hay các thị trường trọng điểm như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, qua đó, phát hiện nhiều vi phạm về giá. Tất nhiên, cũng có trường hợp phải qua báo chí, qua dư luận mới phát hiện được. Đặc biệt là các mặt hàng sữa, thuốc chữa bệnh có quá nhiều mặt hàng và phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu, như thuốc chữa bệnh có trên 2.000 mặt hàng. Đúng là khâu thanh, kiểm tra thời gian qua vẫn có hạn chế. Tiếp thu ý kiến độc giả, định hướng chính sách của Bộ Tài chính trong năm 2012 là tiếp tục tăng cường thanh, kiểm tra giá để thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 9%.
Đỗ Thị Nguyệt Minh, chuyên gia tư vấn trong lĩnh vực tư vấn dầu khí, gas và xi măng: Xin hỏi Bộ trưởng, tôi có thể liên lạc trực tiếp với cơ quan nào của Bộ (và địa chỉ liên lạc) để thông báo sai phạm của các nhà thầu nước ngoài trong việc thực thi pháp luật về thuế tại Việt Nam?
Bộ trưởng Vương Đình Huệ: Về thuế, có 2 lĩnh vực là chính sách thuế và quản lý thuế.
Về chính sách thuế, cơ quan tham mưu, giúp việc Bộ trưởng Tài chính là Vụ chính sách thuế.
Còn cơ quan thực thi chính sách, quản lý thuế là Vụ chính sách thuế của Tổng cục thuế.
Về đường dây nóng của Bộ Tài chính, xin cung cấp một số địa chỉ như sau:
Thanh tra Tài chính: số điện thoại: 04 222 08114; hòm thư điện tử: thanhtrataichinh@mof.gov.vn
Vụ tổ chức cán bộ- xử lý các vấn đề liên quan đến cán bộ thuế: số điện thoại: 04 222 08116
Chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản ánh của độc giả, nhân dân.
Độc giả Vũ Việt Thành – một doanh nhân ở Đà Nẵng: Một số Tổng Công ty và các đơn vị thành viên đã thực hiện hành vi chuyển giá hoặc như các doanh nghiệp FDI kinh doanh lãi nhưng lại khai lỗ để trốn thuế. Bộ Tài chính đã giải quyết vấn đề này như thế nào ?
Bộ trưởng Vương Đình Huệ: Tình trạng chuyển giá lãi thật lỗ giả của không ít doanh nghiệp FDI là một thực trạng được nghe nói nhiều. Sai phạm này liên qua đến 3 khâu. 1 là việc định giá doanh nghiệp để góp vốn liên doanh liên kết, thuộc trách nhiệm chính của Bộ KHĐT. Hai là định giá các phát minh sáng chế, trách nhiệm chính liên quan đến Bộ KHCN và chủ đầu tư. Còn khâu giữa là việc khai giá vật tư đầu vào đầu ra thì diễn ra trong suốt quá trình kinh doanh, trách nhiệm thuộc về Bộ Tài chính. Bộ đã giao cho cơ quan Thuế, thanh tra kiểm tra gắt gao và năm vừa qua tiến hành nhiều cuộc kiểm tra. Từ 2010 - 2011, thanh tra hơn 1.400 doanh nghiệp báo lỗ có dấu hiệu chuyển giá, xử lý giảm lỗ đến hơn 5.827 tỷ đồng. Năm 2011, số này phát hiện tăng 2,5 lần so với 2010 và cơ quan thuế đã truy thu, xử phạt 1.861 tỷ đồng, tăng 4 lần, giảm khấu trừ thuế 102 tỷ đồng. Hiện chúng tôi giao cơ quan thuế hoàn thiện đề án chống chuyển giá và gian lận hạch toán trong doanh nghiệp nói chung, kể cả doanh nghiệp trong nước.
Nhiều cơ quan thuế có nhiều kinh nghiệm trong vấn đề này, ví dụ, Cục Thuế TPHCM, Lâm Đồng, Bình Dương. Trong hội nghị được tổ chức trong quý I này, chúng tôi sẽ tổng kết công tác này. Đây là công tác thường xuyên liên tục, dù khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài nhưng phải tôn trọng luật pháp và thực hiện nghĩa vụ thuế.
Độc giả Vũ Việt Thành: Là chủ một doanh nghiệp nhỏ, tôi thấy mức thuế thu nhập DN hiện nay và một số loại phí khác là chưa hợp lý (cao hơn nhiều nước), trong điều kiện SXKD khó khăn như hiện nay nhiều doanh nghiệp đã phải tìm cách lách và trốn thuế, điều đó không chỉ gây thất thu thuế mà còn làm cho những doanh nghiệp luôn nộp thuế đầy đủ như chúng tôi giảm lợi thế cạnh tranh. Xin Bộ trưởng cho biết quan điểm về vấn đề này và cách giải quyết để doanh nghiệp chúng tôi tồn tại và phát triển?
Bộ trưởng Vương Đình Huệ: Về tài khóa, ai cũng phấn đấu thu nhiều để chi nhiều. Nhưng ngành Thuế còn phải động viên sản xuất kinh doanh, bồi dưỡng nguồn thu và phải khoan thư sức dân trong nhiều giai đoạn, tạo nguồn thu lâu dài. Chính sách Thuế tới 2012 được Chính phủ phê chuẩn theo định hướng này. Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp cũng qua nhiều giai đoạn, trước 2004, các doanh nghiệp nước ngoài chỉ đóng thuế 25% thì doanh nghiệp trong nước phải đóng 32%, sau đó, giảm xuống 28%. Hiện nay, mức thuế chung 25%, còn tính bình quân các nước là 27%.
Định hướng chiến lược thuế đến 2020 sẽ giảm thuế thu nhập doanh nghiệp còn 20%, để bồi dưỡng nguồn thu, khoan sức dân, khuyến khích sản xuất kinh doanh tốt hơn.
Trong giai đoạn khó khăn như hiện nay, Bộ Tài chính đã tham mưu cho Chính phủ miễn, giảm, hoàn thuế tích cực. Năm 2009, Bộ trình Chính phủ và Chính phủ trình Quốc hội gói giảm, miễn, hoàn thuế quy mô lớn. Năm nay, Bộ Tài chính đã trình và Chính phủ quyết định giãn thuế thu nhập doanh nghiệp thêm 3 tháng nữa với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, sử dụng nhiều lao động và tùy diễn biến tình hình, Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu, tham mưu trình Chính phủ ban hành hoặc Chính phủ trình Quốc hội ban hành các chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, trong đó có vấn đề thuế.
Huỳnh Tấn Dũng, một doanh nhân kinh doanh thủy sản ở Cần Thơ: Một trong những điểm sáng trong bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2011 là xuất khẩu và kiểm soát nhập siêu với vai trò quan trọng của các chính sách thuế. Các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ được những ưu đãi gì trong năm nay, thưa bộ trưởng?
Bộ trưởng Vương Đình Huệ: Về chính sách thuế năm 2012, chúng tôi xin thông báo, về cơ bản không có thay đổi nhiều. Về thu, chỉ có 2 Luật thuế sẽ áp dụng ngay trong năm 2012 là Luật thuế bảo vệ môi trường và sử dụng đất phi nông nghiệp.
Đây là 2 luật không tác động lớn đến số thu của ngân sách, nhưng lại có tác động rất rộng đến các đối tượng. Riêng đối với Luật sử dụng đất phi nông nghiệp, vì tác động nhiều tới các hộ kinh doanh, hộ gia đình, tổ chức kinh tế, tôi đã có thư trực tiếp gửi Bí thư Tỉnh ủy các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị chỉ đạo các cơ quan chính quyền địa phương phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính triển khai các Luật thuế này.
Riêng về chính sách thuế xuất khẩu, cũng chỉ có một vài dòng thuế liên quan đến các sản phẩm rất đặc thù, còn cơ bản là giữ nguyên. Tuy nhiên, khi làm việc với ngành Hải quan vào tháng trước cũng như trong chuyến thăm làm việc tại Cục Hải quan TPHCM tuần vừa rồi, tôi đã chỉ đạo ngành Hải quan nhiệm vụ hàng đầu của ngành hiện nay là tập trung mọi nỗ lực đảm bảo khuyến khích kinh doanh xuất nhập khẩu, giải phóng nhanh hàng hóa, tăng cường thông quan, kể cả thủ tục về hải quan cũng như kiểm soát thông quan, để thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, tăng kim ngạch xuất khẩu, hạn chế nhập siêu như chỉ tiêu Quốc hội đã giao. Đó là những nỗ lực của ngành Hải quan và Tài chính để phục vụ xuất khẩu trong thời gian tới.
Ảnh Chinhphu.vn |
Độc giả Nguyễn Minh Trung ở địa chỉ nguyenminhtrung201278@...com: Bộ trưởng có thường xuyên vào mạng internet và sử dụng mạng xã hội như một kênh để tiếp cận thông tin, các phản hồi chính sách hay không?
Bộ trưởng Vương Đình Huệ: Internet là một công cụ mà tất cả mọi người dân và lãnh đạo các địa phương, bộ, ngành đều sử dụng. Tôi cũng sử dụng máy tính bảng Ipad và truy nhập Internet thường xuyên, mọi lúc mọi nơi, lúc nghỉ trưa, lúc thư giãn, trên ô tô, chờ đợi ở sân bay và trước khi đi ngủ, khi ngủ dậy…
Về kỹ năng sử dụng mạng xã hội, chắc là tôi không thạo bằng con gái tôi, nhưng tiếp thu ý kiến độc giả, tôi sẽ sử dụng công cụ này để giao lưu và tiếp thu ý kiến của người dân.
Tôi lấy một ví dụ. Sáng nay, tôi có đọc bản tin tài chính kinh doanh qua mạng, thấy có thông tin là các vận động viên đạt thành tích tốt tại SEA Games nhưng hiện chưa nhận được tiền thưởng trong khi Tết sắp đến. Cũng mong các đồng chí thông cảm vì SEA Games kết thúc vào cuối năm, các thủ tục hành chính thì cũng phụ thuộc vào các văn bản được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Thể dục Thể thao chuyển sang. Tôi đã kiểm tra lại và thấy các văn bản này cũng mới được chuyển tới vào mùng 10 tháng này.
Tuy nhiên, vào 9h sáng nay, chúng tôi đã xử lý vấn đề này, dù một số dữ liệu chưa chính xác. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị 47,3 tỷ đồng, chúng tôi tạm ứng ngay 30 tỷ đồng để Bộ này và Tổng cục Thể dục thể thao thưởng cho các vận động viên. Như vậy, nhờ thông tin qua mạng mà xử lý được vụ việc, không phải chờ đến các văn bản của các Vụ, Cục.
Độc giả Nguyễn Thanh Bình, Hà Nội: Theo các phương tiện thông tin đại chúng, hiện nay, Tổng cục Hải quan đã cho 13 doanh nghiệp được ưu tiên trong thủ tục hải quan. Theo thông tư 63 thì các công ty này không phải thực hiện kiểm tra trước, trong và sau thông quan. Theo tôi hiểu, như vậy là Tổng cục Hải quan hoàn toàn không quản lý các doanh nghiệp này nữa. Vậy ai sẽ chiu trách nhiệm quản lý và bảo đảm các doanh nghiệp này không gian lận. Nếu xảy ra gian lận mà các cơ quan quản lý nhà nước khác phát hiện ra thì hải quan sẽ chịu trách nhiệm tới đâu?
Bộ trưởng Vương Đình Huệ: Một trong những nguyên tắc quản lý thuế của thế giới cũng như Việt Nam, kể cả thuế nội địa cũng như xuất nhập khẩu là nguyên tắc quản lý rủi ro, trên cơ sở phân tích dữ liệu và quá trình thực hiện pháp luật về chính sách thuế cũng như Luật quản lý thuế đối với các doanh nghiệp để sắp xếp những doanh nghiệp theo mức ưu tiên, hoặc là khi phân ra các luồng thông quan như xanh, đỏ… Không thể kiểm tra hết 100% hàng hóa xuất nhập khẩu. Đó là nguyên tắc quản lý rủi ro của ngành thuế.
Đối với các doanh nghiệp được ưu tiên, là ưu tiên được xem xét trong quá trình giải quyết nhanh thủ tục thông quan, nhưng không có nghĩa đã ưu tiên là không quản lý. Tất cả các doanh nghiệp ưu tiên này cũng được xem xét trên cơ sở quản lý rủi ro. Nếu doanh nghiệp có hành vi vi phạm, lập tức đưa vào danh sách phải kiểm soát. Cho nên việc này, hôm nay có thể trong danh mục được ưu tiên, nhưng ngày mai có thể đưa vào danh mục bị kiểm soát, hoặc đang trong danh mục bị kiểm soát, một thời gian lại đưa vào ưu tiên. Đấy là việc thông thường trong chính sách thuế, là vấn đề về nghiệp vụ, quản lý, không phải đưa vào diện ưu tiên có nghĩa là không quản lý.
Và ngoài ra, còn có rất nhiều khâu hậu kiểm, kể cả kiểm soát thông quan cũng là 1 cách kiểm tra lại, hàng năm phúc tra lại hồ sơ khai thuế, hoàn thuế của các doanh nghiệp. Có rất nhiều khâu, tầng nấc để kiểm tra.
Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Ngọc Túc: Ưu tiên thông quan cho doanh nghiệp là thông lệ quốc tế, tất cả các cơ quan hải quan hiện đại đều quản lý rủi ro, chúng tôi gọi là thực hiện chiến lược quản lý rủi ro. Như vậy, những doanh nghiệp ưu tiên, cũng theo chuẩn mực thông lệ quốc tế, chuẩn mực của Công ước Kyoto, quy định rằng, đối với doanh nghiệp có độ rủi ro thấp, có chế độ áp dụng trong việc kiểm tra, kiểm soát, nhưng để đạt được danh hiệu doanh nghiệp ưu tiên và hưởng ưu đãi cũng trải qua nhiều đợt kiểm tra, như chúng tôi phối hợp với cơ quan thuế nội địa, kết hợp với cơ quan kiểm toán về hệ thống sổ sách đặc biệt là quá trình theo dõi chấp hành pháp luật hải quan.
Các doanh nghiệp chấp hành tốt pháp luật hải quan, không có vi phạm là doanh nghiệp có độ rủi ro thấp nhất. Như các bạn biết, với nguồn lực đầu tư ngày càng ít đi, công việc ngày càng tăng, nếu không áp dụng phương pháp quản lý hiện đại thì không thể đáp ứng yêu cầu. Các nguồn lực của chúng tôi tập trung vào doanh nghiệp có độ rủi ro cao và theo đó chúng tôi làm theo đúng chuẩn mực của thông lệ quốc tế. Nếu doanh nghiệp có vi phạm sẽ xử lý theo quy định pháp luật, danh hiệu ưu tiên, ưu đãi sẽ bị chấm dứt ngay.
Độc giả Phạm Thế Sơn, ở phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng – Hà Nội: Năm 2012, mục tiêu giảm bội chi ngân sách xuống dưới 4,8%, theo tôi, trong tình hình nhiều doanh nghiệp thua lỗ, phá sản như hiện nay thì các khoản thu ngân sách sẽ giảm đi rất nhiều, cùng với đó, đầu tư công vẫn rất lớn nên mục tiêu đặt ra như vậy là rất khó thực hiện. Bộ trưởng có thể cho biết ý kiến về vấn đề này ?
Bộ trưởng Vương Đình Huệ: Không rõ bạn có học hay nghiên cứu về tài chính hay không vì bạn có câu hỏi hay quá, tôi có thể mời bạn về làm chuyên gia tại Bộ Tài chính. Như bạn nói và như quý vị biết, khi xây dựng dự toán năm 2012, chúng ta tính toán, cân đối rất chặt chẽ. Và nếu như đạt được, kết quả cân đối thu chi năm 2012 sẽ rất tích cực, một trong những năm tích cực nhất từ trước tới nay.
Tuy nhiên, mục tiêu kéo bội chi ngân sách xuống dưới 4,8% đòi hỏi chúng ta phải rất nỗ lực. Năm 2011, chúng ta đã nỗ lực và với dư địa của năm 2010 chuyển sang, bội chi đã giảm từ mức 5,3% theo Nghị quyết của Quốc hội xuống 4,9% (đã báo cáo Quốc hội).
Tuy nhiên, nhiệm vụ dưới 4,8% trong năm 2012 là rất khó khăn, trong khi chính sách thu không có nhiều thay đổi, chỉ có thuế bảo vệ môi trường và thuế sử dụng đất phi nông nghiệp là chính sách mới, với nguồn thu rất ít.
Về các biện pháp chính, trước hết phải tập trung mọi nỗ lực để hỗ trợ sản xuất kinh doanh. Tổng kết năm 2011 và triển khai nhiệm vụ năm 2012, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ báo cáo khá đầy đủ về các giải pháp tài chính thúc đẩy, phục vụ sản xuất, trong đó có chính sách tài khóa, chính sách thuế… trong bối cảnh lạm phát đã giảm nhưng vẫn ở mức cao, kinh tế vĩ mô được kiểm soát nhưng vẫn có dấu hiệu bất thường, chưa kể các yếu tố tác động từ kinh tế thế giới, lãi suất chưa giảm như mong muốn… Trong bối cảnh đó, chính sách tài khóa phải chung tay gánh vác với chính sách tiền tệ, có giải pháp quyết liệt để hỗ trợ cho chính sách tiền tệ đạt được mục tiêu sản xuất kinh doanh.
Vấn đề thứ hai, tổng đầu tư công năm nay Quốc hội và Chính phủ đã tính kỹ, chỉ có 180 nghìn tỷ đồng từ ngân sách, 45 nghìn tỷ đồng từ trái phiếu Chính phủ, tức là không tăng so với năm ngoái.
Để thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP và giảm bội chi, chúng ta phải hết sức coi trọng việc nâng cao hiệu quả đầu tư công, coi trọng yếu tố tăng năng suất lao động xã hội trong tăng trưởng GDP. Với nguồn vốn như cũ hoặc thấp hơn, nhưng nếu đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tính toán tốt “ra tấm ra món”, phát huy được hiệu quả nhanh thì chưa chắc kết quả đã kém hơn.
Cùng với việc hỗ trợ sản xuất, cần tăng cường thắt chặt chi tiêu theo hình thức tiết kiệm điện, nước, vật tư tiêu hao trong quản lý hành chính, cương quyết không bố trí các khoản chi ngoài dự toán, chỉ trừ những trường hợp đặc biệt liên quan đến an ninh quốc phòng, ứng phó thiên tai, an sinh xã hội…
Và một giải pháp nữa là chống thất thu thuế. Ngoài đề án của Tổng cục Thuế, chúng tôi đã giao Tổng cục Hải quan xây dựng đề án quản lý hàng tạm nhập tái xuất, đặc biệt là quản lý thuế trong lĩnh vực này. Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Thuế, Hải quan tập trung, cương quyết rà soát việc hoàn thuế GTGT, tăng cường các biện pháp cưỡng chế thu hồi nợ thuế….
Tôi nghĩ với các biện pháp quyết liệt như vậy, mục tiêu Bộ Tài chính hứa trước Quốc hội và Chính phủ là tăng thu từ 5-8% so với dự toán hoàn toàn có thể thực hiện được. Và với tiết kiệm chi, hi vọng chúng ta sẽ đạt được mục tiêu giảm bội chi xuống mức dưới 4,8%.
Lê Hải Đăng, tại địa chỉ email: lehai@...com.vn: Trước hết xin gửi lời chúc sức khỏe đến gia đình đồng chí. Là một cán bộ đang công tác tại 1 trong 62 huyện nghèo theo NQ 30a của Chính phủ. Theo Nghị định 116 về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lược vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có hiệu lực từ tháng 3/2011, tôi được hưởng chế độ phụ cấp thu hút là 70%... Bộ Tài chính cũng có Thông tư hướng dẫn Nghị định này.
Hiện nay điều kiện công tác của cán bộ, công chức, viên chức còn khó khăn đặc biệt là Tết đến. Xin hỏi Bộ trưởng đến khi nào cán bộ, công chức, việc chức các huyện nghèo mới được hưởng các khoản nêu trên và liệu có được truy lĩnh một lần hay không. Xin chân thành cảm ơn Bộ trưởng.
Bộ trưởng Vương Đình Huệ: Vấn đề này, Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp sẽ trả lời thêm. Trước hết, tôi cho rằng có tình trạng khi chính sách được ban hành và thực tế giải ngân thì có khoảng cách, nên vừa quam, có 1 bạn đọc nói rằng, tại sao đến bây giờ tôi chưa nhận được lương tháng 1. Tuy nhiên tôi nghĩ rằng, tất cả các chính sách chế độ Nhà nước đã ban hành, chắc chắn sẽ tổ chức thực hiện, không có gì thay đổi. Có thể trong giai đoạn hiện nay, vấn đề giải ngân trong quý 1 cũng khá căng thẳng ở một số địa bàn trên cả nước, vì năm nay Tết dương lịch và Âm lịch rất gần nhau, tháng 1 cũng là tháng cao điểm để giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản, các nhu cầu rút tiền chi tiêu trong dịp Tết. Trong khi đó số thu ngân sách lại không được như những tháng giữa năm. Nên tình hình chi tiêu ở một số kho bạc nhà nước có thể có lúc căng thẳng. Nhưng xét về toàn cục, không có chuyện thiếu tiền. Chính sách chế độ đã ban hành, dứt khoát chúng ta sẽ được hưởng. Có lẽ, tôi nghĩ vì thủ tục chậm, bạn đọc có thể cho biết thêm địa chỉ cụ thể, chúng tôi sẽ có liên hệ để xem xét giải quyết yêu cầu của bạn.
Vụ trưởng Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp Nguyễn Việt Hồng cho biết thêm: Vì ở địa phương, đặc biệt là huyện nghèo, sau khi có Nghị định 116, Thông tư liên tịch hướng dẫn của Bộ Nội vụ- Bộ Tài chính, các địa phương phải tổng hợp danh sách. Như Bộ trưởng đã nêu, trong quá trình tổng hợp, làm việc với Sở Tài chính địa phương trên cơ sở nhu cầu, đảm bảo nguyên tắc đúng đối tượng được hưởng chế độ thì có có thể thủ tục mất nhiều thời gian. Đồng chí Lê Hải Đăng sẽ được truy lĩnh toàn bộ. Đồng chí có thể liên hệ thêm địa phương và chúng tôi sẽ phối hợp trực tiếp với cơ quan địa phương để sớm xử lý.
Ảnh Chinhphu.vn |
Ngô Văn Tùng, từ địa chỉ email: tungnv@...com.vn: Tôi công tác trong lĩnh vực công tác dân tộc. Tôi thấy những người làm công tác dân tộc phải đi vùng sâu vùng xa nhiều và rất hoàn cảnh nhưng ngành công tác dân tộc xin mãi chế độ chính sách đặc thù của ngành cho cán bộ công chức ngành công tác dân tộc ma không được Bộ tài chính chấp thuận. Tôi rất mong Bộ trưởng Bộ tài chính hãy quan tâm hơn nữa đồng bào DTTS là phải có phụ cấp ngành cho cán bộ công chức làm công tác dân tộc để họ yên tâm và tâm huyết với ngành hơn.
Bộ trưởng Vương Đình Huệ: Về cán bộ, công chức làm công tác dân tộc, các chính sách về cơ bản như ở các bộ, ngành, lĩnh vực khác. Tuy nhiên, đặc thù của cán bộ làm lĩnh vực này là đi cơ sở nhiều, đến công tác tại vùng sâu vùng xa tương đối vất vả. Đồng chí Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đã trao đổi về vấn đề này khi tôi vừa nhận chức. Tương tự, tại Bộ LĐTBXH, cán bộ liên quan đến kiểm tra các chính sách, chế độ thì tần suất về địa phương cũng rất nhiều… Trong khi chờ đợi chính sách mới phù hợp, các bộ, ngành khi xây dựng dự toán ngân sách hàng năm, trên cơ sở số lượng biên chế và định mức sử dụng, bao giờ cũng có tỷ lệ chi phí đặc thù để tăng cường công tác phí… và các bộ phải lập dự toán hợp lý, Bộ Tài chính sẽ điều tiết cho phù hợp. Hiện chưa có chính sách và chế độ riêng với cán bộ của Ủy ban Dân tộc. Chúng tôi ghi nhận ý kiến này và sẽ xem xét khi xây dựng định mức chính sách cho cán bộ, công chức nói chung và của Ủy ban nói riêng.
Độc giả Nguyễn Anh Tuấn, TPHCM: Tôi làm công tác tư vấn doanh nghiệp, qua nghiên cứu tôi được biết các chuyên gia của Tổ chức Tài chính Quốc tế IFC- thuộc Ngân hàng Thế giới đưa ra thống kê chi phí cho tổ chức thu thuế ở Việt Nam hiện chiếm khoảng ở mức 1,25 % tổng thu ngân sách, trong khi mức bình quân chung của thế giới chỉ là 1,04%, của Singapore là 0,83%, Thái Lan là 0,6%. Những con số thống kê như vậy có đúng không và nếu đúng thì vì sao chi phí tốn kém như vậy mà không có biện pháp giảm chi phí tổ chức thu thuế để tăng ngân sách nhà nước ?
Bộ trưởng Vương Đình Huệ: Tôi nghĩ những thông số bạn đưa ra từ các tạp chí quốc tế có thể tin cậy được. Việc đưa ra một chỉ số về chi phí thu thuế cũng chỉ là tương đối, phụ thuộc rất nhiều vào tổng dân số, số lượng và quy mô các doanh nghiệp… Việt Nam có khái niệm các hộ nộp thuế lớn, Tổng cục Thuế có Vụ Các hộ nộp thuế lớn, có hộ trong số này nộp tới 30% tổng thu ngân sách, chắc chắn là chi phí thu thuế rất thấp…
Tuy nhiên, đa phần doanh nghiệp là nhỏ và vừa, dù lượng doanh nghiệp rất lớn, số thuế nộp của mỗi doanh nghiệp rất là nhỏ… Chúng ta cũng có hàng trăm ngàn, hàng triệu hộ kinh doanh cá thể, mức thu cũng rất ít. Do đó, khi so sánh cần phải phân tích cụ thể.
Con số 1,25% bao gồm toàn bộ các chi phí mà Nhà nước khoán cho ngành thuế, chi cho công tác đầu tư xây dựng cơ bản, công tác quản lý thu và Nhà nước không cấp thêm một kinh phí nào khác. Các bộ, ngành khác có phân biệt chi phí thường xuyên, chi phí đầu tư, nhưng Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan đều phải lấy từ chi phí này. Theo tính toán, nếu loại trừ các chi phí từ đầu tư xây dựng, các tài sản cố định đầu tư một lần – thường thế giới không tính – thì chỉ vào khoảng 0,96-0,97%. Tức là so với mức 1,04% của thế giới thì ở mức trung bình, thậm chí thấp hơn, và còn thấp hơn nhiều nước có hoàn cảnh tương tự.
Tuy nhiên, chi phí này phải xem xét trong mối quan hệ với việc hiện đại hóa của ngành Thuế, Hải quan để tăng năng suất lao động, tăng cường ứng dụng CNTT. Bộ Tài chính đi theo hướng này khi xây dựng chiến lược phát triển ngành Thuế, ngành Hải quan, cụ thể là thực hiện hải quan điện tử, hải quan một cửa. Ngành Thuế đã đưa vào sử dụng hệ thống thu thuế thu nhập cá nhân điện tử và thực hiện các dự án hiện đại hóa quản lý thuế… Tôi tin chắc rằng chi phí bình quân cho thu thuế sẽ giảm trong thời gian tới, và đây là một mục tiêu của ngành Tài chính. Chúng ta không đi theo hướng là cứ ngân sách tăng thêm thì chúng ta tăng biên chế, tăng bộ máy… Là một chuyên gia, bạn nói rất chính sách rằng tuy chi phí không phải là cao, nhưng chúng ta phải tiếp tục phấn đấu để giảm.
Bà Lê Thị Nga- Hải Hậu, Nam Định hỏi: Làm Bộ trưởng Bộ Tài chính, tôi hiểu nôm na là quản lý chi tiêu của một đất nước. Vậy xin hỏi vui Bộ trưởng là ở nhà Bộ trương có quản lý chi tiêu luôn không?
Bộ trưởng Vương Đình Huệ: Về vấn đề này, hầu như hoàn toàn là ngược lại và việc này tôi nghĩ thích hợp hơn với phụ nữ. Tại Cơ quan thì chúng tôi là “Trưởng” nhưng về nhà thì thành “Phó”. Đối với phụ nữ Việt Nam nói chung, cũng như đối với vợ tôi, chắc chắn việc quản lý ngân quỹ, tính toán chi tiêu gia đình có thời gian nhiều hơn, chặt chẽ hơn, nên quản lý tài chính tốt hơn. Tôi có lẽ cũng học hỏi được bà xã trong quản lý tài khóa.
Độc giả Đào Thị Bích Liên, một công chức ở TP.HCM: Mỗi lần tăng lương là một lần các mặt hàng tiêu dùng ào ạt tăng giá, như vậy việc tăng lương không mang lại ý nghĩa đích thực của nó là cải thiện đời sống cho chúng tôi là những công chức, viên chức mà còn tạo cơ hội cho lạm phát tăng cao. Tình trạng này đã diễn ra qua nhiều lần tăng lương và cho đến nay vẫn như vậy. Xin hỏi Bộ trưởng, trong nhiệm kỳ của Bộ trưởng, Bộ trưởng sẽ làm gì để giải quyết vấn đề này?
Bộ trưởng Vương Đình Huệ: Đây là câu hỏi khó và sâu, cũng là trăn trở của các cơ quan quản lý, của Chính phủ và Bộ Tài chính. Chúng ta mong muốn tăng thu nhập thực tế, chứ không phải tiền lương danh nghĩa, lương tăng 1 mà giá cả tăng 1,5 hoặc 2 lần thì không có ý nghĩa gì.
Tôi rất chia sẻ với độc giả cũng như những người làm công ăn lương.
Một là, nguồn tăng lương hàng năm của chúng ta hoàn toàn dựa vào tăng thu ngân sách Nhà nước. Ví dụ, tất cả các bộ, ngành địa phương đều phải dành 50% số vượt thu hàng năm để làm công tác cải cách tiền lương, địa phương nào thừa phải nộp cho Trung ương, thiếu thì được hỗ trợ. Chính phủ chưa bao giờ in thêm tiền để trả lương cho người lao động, do đó bản chất của việc tăng lương không gắn với vấn đề tiền tệ, về cung tiền, nên không gắn với lạm phát. Tôi xin khẳng định như vậy.
Lạm phát do yếu tố tiền tệ, do chi tiêu công không hiệu quả hoặc nới lỏng chi tiêu công… Chính phủ và các cơ quan hữu quan đang xây dựng đề án tiền lương để trình Hội nghị Trung ương 5, điều quan trọng nhất vẫn là nguồn thu từ đâu. Chúng ta đang nỗ lực cơ cấu lại chi tiêu ngân sách, tăng thu ngân sách để tăng lương. Tôi khẳng định lại việc tăng tiền lương không liên quan đến cung tiền, không trực tiếp làm gia tăng lạm phát.
Tuy nhiên, vấn đề này có 2 ý. Một là đối với khu vực sản xuất, khi tiền lương tăng, giá thành và chi phí đẩy sẽ tăng lên, tác động một phần tới giá bán. Thứ hai, việc tăng lương làm quỹ tiêu dùng xã hội tăng lên, tổng cầu tăng lên. Như vậy, biện pháp quan trọng nhất là khi tăng lương phải tăng năng suất lao động xã hội tương ứng, để đảm bảo cân đối tiền - hàng, sẽ không xảy ra hiện tượng chi phí đẩy hay lạm phát… Tức là tiền lương tăng lên nhưng giá thành, giá bán đơn vị sản phẩm không thay đổi và chúng ta phải nỗ lực đi theo hướng này.
Và theo tôi, yếu tố tâm lý hết sức quan trọng. Nếu chúng ta minh bạch chích sách, giải thích kỹ, tăng lương sẽ không gây ra tâm lý “té nước theo mưa”. Trong tháng 10/2011, chúng ta điều chỉnh lương tối thiểu cho khu vực sản xuất, nhưng tháng 8, 9, 10, 11, chỉ số CPI vẫn tiếp tục giảm nhờ chúng ta làm tốt công tác truyền thông. Từ ngày 1/5 này, mức lương cơ bản với cán bộ, công chức, người nghỉ hưu, người có công tăng từ 830.000 đồng lên 1.000.050 đồng. Phụ cấp công vụ sẽ tăng từ 10% lên 25%. Chúng ta sẽ phải tiếp tục tuyên truyền, giải thích rõ với đông đảo người dân, để họ thấy rằng việc tăng lương không trực tiếp ảnh hưởng đến các yếu tố về cung tiền, đến lạm phát. Nếu chúng ta làm tốt, tôi nghĩ rằng yếu tố lạm phát kỳ vọng sẽ được kiềm chế, lạm phát thực tế sẽ không đi trước hay song hành với việc tăng lương.
Trong năm tới đây, nếu tăng lương như vậy mà vẫn kiềm chế lạm phát ở mức dưới một con số, có thể nói chúng ta đã thành công. Tuy nhiên, đây cũng là một nhiệm vụ rất gian khổ, khó khăn. Chúng tôi rất mong các cơ quan báo chí tiếp tục đồng hành với Chính phủ, với Bộ Tài chính, làm tốt công tác thông tin tuyên truyền để người dân vững tin vào sự điều hành của Chính phủ, không tạo ra những cơn sốt giá hoặc giá chạy trước lương, khiến chính sách tiền lương không đạt được tác dụng như mong muốn.
Bạn Thuananh58@...com hỏi: Nghị định 84/2009/NĐ-CP đã thực hiện gần 3 năm, nhưng Bộ Tài chính vẫn chưa trao quyền định giá xăng dầu cho doanh nghiệp, phải chăng Bộ Tài chính làm khó doanh nghiệp và muốn nẵm giữ cơ chế xin cho lâu hơn?
Bộ trưởng Vương Đình Huệ: Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu Chính phủ ban hành năm 2009, theo đó, quyền định giá thuộc doanh nghiệp. Tôi nói quyền định giá ở đây là trong khuôn khổ, tức là xăng dầu vẫn là mặt hàng Nhà nước quản lý về giá, cho nên Nhà nước cho doanh nghiệp định giá, nhưng định giá trong khung giá mà Nhà nước quy định, chứ không phải định tự do như chúng ta lầm tưởng.
Quý 1/2011, chúng ta điều hành tỷ giá với mức 9,3% và doanh nghiệp định giá, nâng giá xăng dầu lên 2 lần vào tháng 2 với mức rất cao. Trong trường hợp đó, Nhà nước phải thực hiện biện pháp bình ổn giá. Mà thực hiện biện pháp ổn định giá vẫn trong khuôn khổ Nghị định 84. Nghị định này cho phép trong điều kiện bất thường, Nhà nước vẫn có quyền kiểm soát và quyết định về giá. Do đó, đến cuối tháng 8, chúng ta mới điều chỉnh giảm giá xăng dầu lần thứ nhất trong năm. Đến tháng 10,11 thì điều chỉnh thêm 1 lần nữa. Cuối năm nay, tình hình lạm phát vẫn đang phức tạp, tại thời điểm này, giá xăng đã biến động phức tạp, có tăng, nhưng Nhà nước không tăng giá mà sử dụng các công cụ về thuế và Quỹ bình ổn giá để làm sao giữ được mức giá ổn định, không tác động lớn đến đời sống, tiêu dùng, sản xuất, nhất là trong điều kiện cận kề Tết.
Chúng tôi cho rằng, việc có sự quản lý, điều tiết của Nhà nước trong vấn đề định giá xăng dầu là hoàn toàn cần thiết. Và định hướng của Bộ Tài chính, Bộ Công Thương dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, cùng với việc nghiên cứu bổ sung một số điều cần thiết của Nghị định 84, chúng ta cũng kiên trì thực hiện Nghị định 84 để các doanh nghiệp có quyền tự định giá trong phạm vi khung khổ nhà nước đã quy định.
Tuy nhiên, hiện nay, giá cơ sở đang ở mức rất thấp, hiện giá xăng, thuế nhập khẩu của xăng là ở mức 4%; mazut 0%; diesel, dầu hỏa 5%. Đây là mức thuế suất nhập khẩu thấp hơn rất nhiều so với khung thuế hiện hành. Vì vậy, trước khi để cho doanh nghiệp tự định giá theo khung khổ Nghị định 84, trước mắt, chúng ta sẽ khôi phục lại giá cơ sở.
Khi giá cơ sở này được khôi phục lại theo đúng tinh thần giá cơ sở của Nghị định 84, thì chúng ta sẽ hoàn toàn để cho các doanh nghiệp tự xem xét và điều chỉnh giá trong khung khổ Nghị định 84 quy định. Vấn đề ở đây là Bộ Tài chính, Bộ Công Thương có thêm trách nhiệm. Nếu để các doanh nghiệp tự định giá, chúng tôi kiểm tra hậu kiểm thì khỏe hơn rất nhiều, chứ hoàn toàn không phải là chuyện xin cho.
Định hướng điều hành chính sách, như tôi đã trình bày, kể cả giá xăng dầu, chúng ta phải tiếp cận giá thế giới. Nếu có trợ cấp thì dành cho người nghèo và người thu nhập thấp. Còn nguyên tắc, chúng ta phải bám sát theo giá thế giới, theo đúng Nghị quyết giám sát và chất vấn của Quốc hội vừa qua, là đến năm 2013, giá điện, xăng dầu, than và một số dịch vụ công cơ bản điều hành theo cơ chế thị trường. Tôi nghĩ rằng, chính sách và Nghị định 84 cũng như việc điều hành giá như vậy là hoàn toàn minh bạch.
Độc giả Trần Thanh Hà ở địa chỉ thanhha_nxb@yahoo.com.vn hỏi:
Thưa Bộ trưởng, tôi là một người dân TPHCM bị vướng mắc tiền sử dụng đất vượt hạn mức khi chuyển mục đích sử dụng đất. Tôi xin hỏi là theo Thông tư 93 hướng dẫn Nghị định 120 về thu tiền sử dụng đất thì trường hợp của tôi sẽ nhân hệ số điều chỉnh giá đất do UBND TPHCM ban hành nhưng theo quyết định của UBND thì các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất đều phải thẩm định giá (điều mà Thông tư 93 không yêu cầu vì tốn kém và khó khả thi). Cho tôi hỏi là UBND làm như vậy có sai chỉ đạo của Bộ Tài chính hay không ? Nếu không sai thì kính đề nghị Bộ trưởng có ý kiến chỉ đạo UBND TPHCM đưa ra chính sách hợp lí trong quý I/2012 để giải quyết cho các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất của người dân đã tồn đọng gần 3 năm nay sau Nghị định 69. Xin chân thành cảm ơn Bộ trưởng.
Bộ trưởng Vương Đình Huệ: Về vấn đề này, cũng mong độc giả thông cảm vì Bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, Bộ trưởng mới nhậm chức 5 tháng nên cũng chưa nắm thật sự vững tất cả các vấn đề.
Về vấn đề này, theo như tôi biết, hiện rất nhiều người dân có số lượng đất khá nhiều và muốn chuyển đổi mục đích sử dụng đất như chuyển mục đích sử dụng đất từ nông nghiệp sang đất ở. Theo Thông tư 93, trong trường hợp chuyển đổi mục đích sử dụng đất như thế này, nếu diện tích vượt hạn mức, thì được sử dụng hệ số để điều chỉnh. Tuy nhiên, tinh thần của Thông tư là các hệ số này cũng phải đảm bảo nguyên tắc sát giá thị trường do UBND tỉnh, thành phố quy định. Quy định hệ số để đơn giản và nhanh chóng cho công tác quản lý, điều hành và thực hiện, vì khi lấy giá gốc nhân hệ số 2 lần, 3 lần thì rất rõ ràng và thuận tiện.
Theo tôi được biết, TPHCM có 2 mức hệ số. Một, nếu đạt 100% hạn mức, phần còn lại vượt đến mức nào đó thì áp dụng hệ số. Phần còn lại thì UBND thành phố định mức giá sát với thị trường. Như vậy, việc áp dụng cách làm này là hoàn toàn đúng theo tinh thần Nghị định 120 và Thông tư 93. Dĩ nhiên, phần dùng hệ số điều chỉnh thì thủ tục có nhanh hơn, còn phần bắt đầu áp dụng giá thị trường thì mất thời gian hơn.
Tuy nhiên, việc tiếp tục sử dụng hệ số nào đó với phần còn lại trên cơ sở thẩm định giá cũng là một cách, chúng tôi sẽ tiếp tục trao đổi với UBND TPHCM về vấn đề này, làm sao để đảm bảo mục tiêu chuyển đối mục đích sử dụng đất, đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính, thuận tiện và đơn giản trong quá trình thực hiện.
Xin mời Cục trưởng Cục Quản lý công sản trả lời làm rõ thêm về ý kiến của độc giả.
Cục trưởng Cục Quản lý công sản Phạm Đình Cường: Tôi xin nói thêm về nghĩa vụ tài chính khi chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở. Theo Nghị định 120, Chính phủ cho phép trong hạn mức đất ở thì được phép sử dụng bảng giá đất do UBND thành phố quy định, hiện chỉ bằng khoảng 30-40% mức giá chuyển nhượng trên thị trường, tức là có ưu đãi.
Với trường hợp ngoài hạn mức, Thông tư 93 cho phép UBND có thể áp dụng hệ số điều chỉnh. Như Bộ trưởng nói, việc áp dụng hệ số điều chỉnh hoặc thẩm định giá cho từng trường hợp chỉ là vấn đề thủ tục, còn nguyên tắc của cả 2 phương pháp đều là sát giá thị trường.
Với TPHCM, có nhiều diện tích hẹp (chỉ vượt hạn mức 50%), nên UBND TP áp dụng hệ số 2 lần để đa số các trường hợp được xử lý đơn giản. Còn với các trường hợp trên mức đó, UBND TPHCM thấy rằng số này không nhiều, để đảm bảo tính chính xác, công bằng và sát với tinh thần Nghị định 120 là sát giá thị trường, UBND chỉ đạo sử dụng công cụ thẩm định giá độc lập, sau đó trình UBND TP quyết định. Đúng như Bộ trưởng nói, cả hai phương pháp đều nhằm đảm bảo sát giá thị trường và đảm bảo công bằng.
Từ ý kiến độc giả, chúng tôi sẽ làm việc với UBND TPHCM, nghiên cứu, xem xét để có thể sử dụng một hệ số khác, không phải hệ số 2, để đơn giản thủ tục hành chính khi giải quyết.
** Lê Thị Nga, hiện đang công tác trong ngành Ngân hàng hỏi: Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đặt tại Bộ Tài chính là chưa phù hợp, đề nghị chuyển về cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Bộ trưởng thấy thế nào là hợp lý hơn?
Ngô Văn Tùng - tungnv@....com.vn: Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua 1 năm khó khăn, ảnh hưởng rất xấu đến hoạt động của nền kinh tế nhất là các doanh nghiệp. Với vai trò là Bộ Trưởng Tài chính, ông đánh giá thế nào về trách nhiệm của Bộ Tài chính trong các chỉ đạo điều hành của Bộ đối với hoạt động của thị trường trong năm qua?
Bộ trưởng Vương Đình Huệ: Về địa vị pháp lý của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thì không phải bây giờ chúng ta mới đề cập tới, mà đã được bàn trong khi xây dựng Luật về chứng khoán và Luật Chứng khoán sửa đổi năm 2006.
Tôi xin nói, ngành Ngân hàng làm chức năng điều hành, quản lý chính sách về tiền tệ. Còn Bộ Tài chính thì quản lý, điều hành về chính sách tài khóa và chính sách về thị trường vốn, chứng khoán. Có 2 thị trường khác nhau là thị trường tiền tệ và vốn. Trong thị trường vốn có thị trường chứng khoán. Chính phủ đề nghị và Quốc hội đồng ý để Ủy ban Chứng khoán thuộc Bộ Tài chính.
Tôi xin nói về các mô hình trên thế giới. Ở các nước có 2 mô hình cơ bản là Ủy ban chứng khoán là cơ quan trực thuộc Bộ Tài chính như ở Việt Nam chúng ta và Ủy ban chứng khoán là cơ quan có tính độc lập tương đối, điều hành theo cơ chế hội đồng hay gọi là ủy ban nhưng chịu trách nhiệm báo cáo với Bộ Tài chính. Tôi chưa thấy mô hình nào mà cơ quan chứng khoán lại trực thuộc Ngân hàng Nhà nước, nhất là mô hình các nước thành lập ngân hàng trung ương. Vì chính sách tiền tệ, thị trường vốn và thị trường tài chính là khác nhau.
Thứ nhất, bản thân chứng khoán là một kênh để huy động vốn, đặc biệt là huy động vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế. Đối với những nước theo mô hình anglo saxon như Mỹ, Anh… thị trường chứng khoán là kênh cung cấp vốn chủ yếu cho nền kinh tế quốc dân. Vì vậy, tỷ lệ vốn hóa gấp mấy trăm lần GDP. Còn ngược lại ở một số nước Tây Âu theo mô hình Latin, kể cả Nhật Bản, thị trường chứng khoán cũng là một kênh để huy động vốn trung và dài hạn, nhưng không phải là kênh chủ yếu để cung cấp vốn cho nền kinh tế. Các ngân hàng thương mại (NHTM) đóng vai trò cung cấp vốn ngắn hạn. Đặc biệt, thị trường chứng khoán rất thích hợp cho các loại đầu tư rủi ro và mạo hiểm. Vì rủi ro của NHTM thuộc loại rủi ro có tính hệ thống cao, cho nên mọi việc cho vay của NHTM chỉ thích hợp cho vay ngắn hạn và cho vay đầu tư có khả năng chắc chắn thu được vốn và thu được tiền cho ngân hàng. Còn thị trường chứng khoán là chủ yếu kênh huy động vốn trung và dài hạn và kênh rất hấp dẫn cho các loại quỹ và các loại đầu tư có tính chất mạo hiểm nhất là cho các loại ngành công nghệ cao, sinh lời rất lớn nhưng khả năng rủi ro cũng rất cao. Vì vậy 2 kênh này không thể gắn với nhau.
Thứ 2, để Ủy ban chứng khoán trực thuộc Bộ Tài chính còn liên quan tới việc gắn chặt phát triển thị trường chứng khoán với công tác cổ phần hóa và cải cách sắp xếp đổi mới doanh nghiệp Nhà nước.
Thứ 3, Ủy ban chứng khoán trực thuộc Bộ Tài chính vì trong trường hợp này Bộ Tài chính còn phát triển hệ thống thị trường trái phiếu, bao gồm cả thị trường trái phiếu doanh nghiệp và trái phiếu chính phủ (đều thuộc chức năng của Bộ Tài chính). Việc phát triển các kênh huy động và phát hành trái phiếu Chính phủ và sau này nữa là thị trường trái phiếu doanh nghiệp gắn với quản lý điều hành của Bộ Tài chính và gắn với chứng khoán.
Đấy là những lý do căn bản mà chúng ta thấy để Ủy ban chứng khoán thuộc Bộ Tài chính thì thích hợp hơn.
Một vấn đề nữa, chúng tôi cũng đang xem xét lại các công ty chứng khoán tồn tại trong các NHTM. Nếu chúng ta không khéo thì không phân tách được vốn tín dụng và vốn thông qua công ty chứng khoán, đôi khi thị trường của chúng ta sẽ rất khó kiểm soát và trở nên méo mó.
Một số các NHTM đầu tư và cho vay nhưng thực chất là ủy thác đầu tư qua các công ty chứng khoán của mình. Điều đó cũng làm cho nền kinh tế của chúng ta bị méo mó. Vì vậy, 2 kênh thị trường tiền tệ, tín dụng và thị trường vốn phải song hành, có mối quan hệ chặt chẽ nhưng được phân định một cách rõ ràng và phải kiểm soát minh bạch, đảm bảo cho nền kinh tế phát triển cân bằng, hài hòa và sắp tới với chức năng thị trường trung hạn và dài hạn cho nền kinh tế và thích hợp với đầu tư rủi ro và với việc hạn chế mức tín dụng, đây là cơ hội lý tưởng cho thị trường chứng khoán của chúng ta phát triển.
Thị trường chứng khoán trong năm 2011 rất khó khăn do sản xuất kinh doanh và kinh tế vĩ mô của chúng ta còn có bất ổn, hơn nữa 2011 là năm thị trường chứng khoán thế giới tăng trưởng, sụt giảm bấp bênh, vì vấn đề nợ công ở châu Âu chưa được giải quyết một cách căn bản. Các nền kinh tế lớn trên thế giới cũng có suy giảm. Hôm nay vào thời điểm diễn ra cuộc đối thoại trực tuyến này, cũng rất mừng là 5 phiên liên tiếp trong tuần trước, chứng khoán đã “xanh” (tăng trưởng), hôm qua, hôm nay tiếp tục “xanh”. Năm 2012 là năm đầy hứa hẹn với chứng khoán. Bộ Tài chính cùng với Ủy ban chứng khoán Nhà nước đã làm hết sức mình vì sự phát triển của thị trường chứng khoán. Chúng ta không chỉ lo cho ngày hôm nay, ngày mai của chứng khoán, mà đã có tầm nhìn cho 10-20 năm sau của thị trường chứng khoán.
Trước hết, chúng ta tiếp tục có kế hoạch nghiên cứu sửa đổi bổ sung Luật Chứng khoán.
Thứ 2, Bộ Tài chính và Ủy ban chứng khoán đã soạn thảo và trình Chính phủ chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2020.
Thứ 3, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao Bộ Tài chính xây dựng đề án tái cấu trúc thị trường chứng khoán, thị trường bảo hiểm rồi các công ty chứng khoán. Các đề án này đã hoàn thành. Thường trực Chính phủ đã chấp nhận và ủy nhiệm cho Bộ Tài chính ký trình Bộ Chính trị. Trong khi đó, tái cấu trúc về công ty chứng khoán của chúng ta thực sự bắt đầu theo Quyết định 62/QĐ-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành ngày 10/1/2012. Với các đề án khác như đề án về thị trường đầu tư gián tiếp, cơ cấu lại trái phiếu Chính phủ theo những lô lớn có tính thanh khoản cao, việc tăng cường công tác quản trị các doanh nghiệp niêm yết và các công ty đại chúng để đảm bảo chất lượng hàng hóa và tính công khai minh bạch trên thị trường, Ủy ban chứng khoán cũng đã thực hiện một cách quyết liệt.
Mới đây, Bộ Tài chính đã ban hành thông tư về quỹ mở, tới đây chúng ta còn xem xét cả những vấn đề về quỹ hưu trí… Cùng với phát triển hệ thống thông tin điện tử, nâng cấp hệ thống hạ tầng, về lâu dài chúng ta cũng nghiên cứu để tích hợp sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội và TPHCM. Nhiều chuyên gia nước ngoài cũng tính việc tích hợp 2 hệ thống để làm sao tạo ra thị trường thông thoáng và hấp dẫn các nhà đầu tư. Tôi xin nói rằng, không ít nhà đầu tư trên thế giới đánh giá tiềm năng của thị trường trái phiếu châu Á và trong đó có Việt Nam – thị trường rất triển vọng trong năm 2012.
Tôi nghĩ rằng, với các biện pháp ngắn hạn, trung và dài hạn quyết liệt và đồng bộ như vậy và năm 2012 là năm đánh dấu việc tái cấu trúc mạnh mẽ nền kinh tế trong đó có tái cấu trúc đầu tư công, tái cấu trúc các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, tái cấu trúc thị trường chứng khoán, thị trường chứng khoán sẽ vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, đi vào ổn định và khởi sắc trong năm 2012.
Ảnh Chinhphu.vn |
** Trong thời gian ngắn, Bộ trưởng Vương Đình Huệ trả lời gần như tối đa các câu hỏi của người dân, khán thính giả. Kết thúc cuộc đối thoại, Bộ trưởng có thể đưa ra thông điệp gì đối với người dân?
Bộ trưởng Vương Đình Huệ: Tôi xin trân trọng cảm ơn Cổng TTĐT Chính phủ, các cơ quan thông tấn báo chí, đông đảo độc giả đã gửi rất nhiều câu hỏi. Tiếc là thời gian không còn nên không thể trả lời được hết, dù Ban Biên tập đã rất cố gắng để tôi vừa có thể trả lời những câu hỏi trực tiếp, vừa theo những nhóm chủ đề… Còn nhiều vấn đề quan trọng khác như quản lý nợ, tái cấu trúc đầu tư, tái cấu trúc doanh nghiệp…, tôi xin hẹn độc giả vào một buổi đối thoại khác theo chỉ đạo của Chính phủ. Tôi xin hứa, với các câu hỏi đã được gửi tới cuộc đối thoại, chúng tôi sẽ nghiên cứu, với vấn đề nào cần thiết phải thông tin, chúng tôi sẽ trả lời. Nhưng điều quan trọng hơn, qua các câu hỏi đó, chúng tôi có thể nắm được một cách sát thực nhất những tâm tư, nguyện vọng, và cả tình cảm mà người dân cả nước gửi tới Bộ Tài chính, tới Bộ trưởng.
Chúng tôi rất trân trọng cảm ơn sự quan tâm của độc giả, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, sự phối hợp của các bộ ngành, địa phương. Chúng tôi cũng mong tiếp tục nhận được sự phối hợp hiệu quả của các cơ quan thông tấn, báo chí để những dịp trao đổi về chính sách được tổ chức thường xuyên hơn, chất lượng hơn. Chúng tôi mong đồng bào cả nước vững tin vào sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, vào những cố gắng của Bộ Tài chính trong phạm vi trách nhiệm được giao, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết 01 của Chính phủ, nhiệm vụ kinh tế xã hội, tài chính- ngân sách năm 2012.
Nhân dịp năm mới, tôi xin gửi tới độc giả, khán thính giả, nhân dân cả nước lời kính chúc sức khỏe, hạnh phúc, an lành./.