Bồi thường Vành đai 3 TP.HCM cao nhất là hơn 73 triệu đồng/m2
VOV.VN - Tại TP Thủ Đức, với đất ở tại đô thị, giá đất đền bù cao nhất là gần 73,4 triệu đồng/m2 (hệ số K là 17,4) với vị trí 1 ở đường Nguyễn Duy Trinh (phường Trường Thạnh), kế tiếp là đường Nguyễn Xiển (phường Trường Thạnh, Long Bình) với gần 70 triệu đồng/m2; thấp nhất là gần 22 triệu đồng/m2.
UBND TP.HCM vừa có quyết định phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất để tính bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và mức hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp và tìm kiếm việc làm đối với trường hợp Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp tại Dự án thành phần 2: Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đường Vành đai 3 đoạn qua TP.HCM thuộc dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM trên địa bàn TP Thủ Đức, các huyện Củ Chi, Hóc Môn và Bình Chánh.
Theo đó, tại TP Thủ Đức, với đất ở tại đô thị, giá đất đền bù cao nhất là gần 73,4 triệu đồng/m2 (hệ số K là 17,4) với vị trí 1 ở đường Nguyễn Duy Trinh (phường Trường Thạnh), kế tiếp là đường Nguyễn Xiển (phường Trường Thạnh, Long Bình) với gần 70 triệu đồng/m2; thấp nhất là gần 22 triệu đồng/m2. Với đất trồng cây lâu năm, giá đền bù là từ 5,5 triệu đồng/m2 – 7,7 triệu đồng/m2. Giá đất tái định cư tại TP Thủ Đức là từ 33 – 55,5 triệu đồng/m2.
Tại huyện Hóc Môn, với đất ở, giá đền bù cao nhất là đường Nguyễn Văn Bứa (đoạn từ Phan Văn Hớn đến giáp tỉnh Long An) với vị trí 1 là 35,6 triệu đồng/m2; Quốc lộ 22 (đoạn từ ngã 4 Hồng Châu đến cầu An Hạ) với vị trí 1 có giá đền bù 33,1 triệu đồng/m2; đường Đặng Công Bỉnh giá giá đền bù 11,3 triệu đồng/m2 với vị trí 4; đường Đỗ Văn Dậy đoạn từ cầu Xáng đến ngã 3 làng Chà (giáp huyện Củ Chi) vị trí 4 có giá đền bù 10,6 triệu đồng/m2, đường Huỳnh Thị Mài có giá đền bù 15,3 triệu đồng/m2.
Với đất sản xuất kinh doanh, vị trí 1 đường Quốc lộ 22 (đoạn từ ngã tư Hồng Châu đến cầu An Hạ) có giá đền bù là 20 triệu đồng/m2, vị trí 2 đường Huỳnh Thị Mài có giá 9,3 triệu đồng/m2. Đối với đất tái định cư trên địa bàn huyện có giá từ 21,3 – 25,9 triệu đồng/m2.
Tại huyện Củ Chi, giá đất ở đền bù cao nhất là 19,5 triệu đồng/m2 với vị trí 1 đường Hà Duy Phiên, đất ở vị trí 1 ở đường Võ Văn Bích có giá đền bù là 19,4 triệu đồng/m2, với Tỉnh lộ 15 đoạn từ cách chợ Tân Thạnh Đông 200m (hướng về huyện Hóc Môn) đến Cầu Xáng (ranh huyện Hóc Môn) có giá đền bù 19,1 triệu đồng/m2. Đơn giá nền tái định cư tại địa phương là từ 13,6 – 17,9 triệu đồng/m2.
Tại huyện Bình Chánh, giá đất ở đường Trần Văn Giàu có giá từ 14 - 42,6 triệu đồng/m2 tùy vị trí, đường Trương Văn Đa có giá đền bù từ 6,1 – 13,6 triệu đồng/m2. Đường Thích Thiện Hòa có giá đền bù từ 7,9 – 13,1 triệu đồng/m2…Giá đất tái định cư là từ 11,4 – 14,2 triệu đồng/m2.
Theo UBND TP, hệ số điều chỉnh giá đất để tính bồi thường, hỗ trợ áp dụng đối với nhà đất có giấy tờ hợp pháp, hợp lệ, đủ điều kiện để bồi thường về đất. Giá đất để tính trừ nghĩa vụ tài chính đối với hộ gia đình, cá nhân chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính áp dụng theo quy định hiện hành.
UBND TP.HCM cũng quy định mức hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp và tìm kiếm việc làm cho hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp khi Nhà nước thu hồi đất là K’= 2,5 lần đối với đất nông nghiệp cùng loại trong bảng giá đất quy định tại Quyết định số 02/2020/QĐ-UBND ngày 16 tháng 01 năm 2020 của Ủy ban nhân dân Thành phố (Hệ số K’ nêu trên không được tính 150% theo Điểm e, Khoản 2, Điều 3 của Quyết định Quyết định số 02/2020/QĐ-UBND ngày 16 tháng 01 năm 2020 của Ủy ban nhân dân Thành phố).
UBND các huyện và TP Thủ Đức chịu trách nhiệm chỉ đạo rà soát kỹ lưỡng để áp dụng đúng đối tượng và các quy định có liên quan đến khoản hỗ trợ này (nhất là đối với dự án mà đất nông nghiệp thu hồi của từng hộ dân thực tế không còn sản xuất nông nghiệp), tuyệt đối không được sử dụng sai mục đích gây thất thoát ngân sách Nhà nước.
Dự kiến trong tuần này, UBND TP.HCM sẽ tổ chức hội nghị sơ kết Chỉ thị số 17/CT/TU về tăng cường lãnh đạo nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư các dự án thu hồi đất; rút kinh nghiệm công tác GPMB năm 2022 và phát động phong trào thi đua GPMB thực hiện dự án Vành đai 3.
Theo Sở Tài nguyên – Môi trường TP.HCM, trong năm 2023, tổng số tiền giải ngân bồi thường hỗ trợ tái định cư cho các dự án là khoảng 25.000 tỷ đồng, riêng dự án Vành đai 3 là 15.000 tỷ đồng.
Ông Võ Trung Trực, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TP.HCM cho biết đến nay việc thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư dự án Vành đai 3 vẫn đúng tiến độ. Khi có quyết định phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất để tính bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, các quận huyện sẽ ban hành các quyết định thu hồi đất, quyết định chi trả tiền bồi thường. Thời gian tiến hành chi trả toàn bộ tiền bồi thường cho dân là từ ngày 25/4 đến 30/5.
Vành đai 3 TP.HCM có tổng chiều dài 76,34 km (đoạn qua TP.HCM 47,51 km; Đồng Nai 11,26 km; Bình Dương 10,76 km; Long An 6,81 km). Tổng mức đầu tư của dự án là 75.378 tỷ đồng. Dự án sẽ khởi công vào tháng 6/2023 và hoàn thành, thông xe một phần vào năm 2025./.